Những lễ hội phồn thực táo bạo nhất Việt Nam

Chỉ cần đính kèm từ “phồn thực”, lễ hội ở ta lập tức thu hút sự chú ý của du khách. Thực chất, người dân mở hội tái hiện những hoạt động thể hiện sự giao hòa âm-dương, đực-cái dưới dạng các nghi thức hoặc trò diễn bởi họ tin rằng cây cối, muôn vật bắt chước theo mà sinh sôi, nảy nở nhanh chóng.

Những lễ hội phồn thực táo bạo nhất Việt Nam - 1

Lễ rước Tàng thinh - Mặt nguyệt tại lễ hội Ná Nhèm 2016. Ảnh: Hồng Hà

Ngày nay, người tin tính thiêng của tục thờ “sinh thực khí” vẫn cứ tin, còn người không tin tham dự để thỏa chí tò mò, ít ra cũng có bộ ảnh selfie tại “hiện trường”.

Mười năm về trước nói ra mồm từ “nõ nường” còn ngại, giờ đây mọi người thấy đó là những tên gọi lịch sự, đậm truyền thống. Những địa phương phục dựng diễn xướng mang tính phồn thực có lượng du khách tăng chóng mặt. Người dân tại Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) có lễ hội “Linh tinh tình phộc”, và Quang Lang ( Thái Thụy, Thái Bình) có “Ông Đùng bà Đà” cùng nhận thấy nhờ sở hữu sự kiện mang tính phồn thực độc đáo mà làng quê họ nổi danh, làm ăn nhộn nhịp hơn hẳn.

Màn đấu rọ của ông Đùng bà Đà

Với người Việt ở đồng bằng Bắc bộ, tục thờ ông Đùng bà Đà gắn với tín ngưỡng phồn thực, có từ khi nào không rõ. Theo truyền thuyết có hai chị em sinh đôi, khi sinh ra đã có tầm vóc cao to khác người. Họ bị bố mẹ, xã hội tẩy chay, sau một thời gian lưu lạc hai chị em đành lấy nhau. Tin đồn đến tai vua, vua liền xử chém họ vì tội loạn luân. Sau khi chết, hai người rất linh thiêng và luôn phù hộ cho bà con trong làng nên được dân làng lập đền thờ và hàng năm làm hình nộm cúng tế nhằm ngày mất của họ.

Truyền thuyết trên tồn tại từ xửa xưa với nhân dân Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), một làng có nghề làm muối lâu đời. Tương truyền, cung phi Nguyệt Ảnh vốn là người làng đã từ bỏ hoàng cung về quê ban phát tiền của, giúp đỡ dân làng muối. Bà mắc bệnh hiểm nghèo khi tuổi còn trẻ. Ngày cuối cùng bà ngồi nhìn ra cửa sổ nhìn thấy trẻ con trong xóm lấy bồ cỏ làm hình nộm ông bà Đùng, công kênh nhau cười đùa, bà bật cười rồi nhắm mắt qua đời. Dân làng Quang Lang xót thương tôn thờ làm Bà Chúa Muối, hàng năm mở hội vào ngày hóa của bà, 14 tháng Tư âm lịch hàng năm với tục rước hình nộm gọi là các Đùng (lễ hội còn có tên là hội ông Đùng bà Đùng (hoặc bà Đà).

Trước khi vào hội, dân làng sửa lễ xin Bà Chúa Muối cho được làm ông bà Đùng và các Đùng con. Họ cử người làm hình nộm khổng lồ Đùng bố mẹ cùng hai hình nộm Đùng con. Thân Đùng cao 2m, hình trụ rỗng có bán kính khoảng 80cm, để một người (người chạy Đùng) có thể chui được vào múa. Thân được đan bằng cây trúc sa, là loại tre nhỏ trồng ngoài bãi biển ven làng, chẻ thành nan nhỏ, dài để đan mắt cáo; mặt làm bằng cái mẹt vẽ hình mặt người ngộ nghĩnh, cài hoa tươi. Người được chọn để múa Đùng phải là những thanh niên khỏe mạnh, gia đình con cái hai bề, không có vận áo xám.

Theo miêu tả, rọ Đùng thời xưa to hơn, người múa Đùng rất khỏe mới điều khiển được. Ngày nay, rọ đan nhỏ hơn, các lời hát trong màn múa cũng thay đổi thêm ca từ và giai điệu hiện đại.

Màn múa Đùng lúc nhập nhoạng tối là phần được chờ đợi nhất. Hai hình nộm ông Đùng  bà Đà nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, giáp mặt rồi thân chập vào nhau, lặp đi lặp lại trong tiếng tung hô của đám đông. Các Đùng con quấn quít quanh bố mẹ. Lúc đám rước quay về tới Đền, dân làng vội vã xô nhau cướp cho được một nan nứa trên hình nộm về cắm vào ruộng, vườn hay trên đầu giường để lấy may. Màn đấu rọ thể hiện mong muốn ngàn đời của người dân nông nghiệp về sự sinh sôi, nảy nở của giống nòi, của cây trồng và vật nuôi. Trong các diễn xướng tín ngưỡng phồn thực của VN, lễ hội Ông Đùng bà Đà được cộng đồng đánh giá là sáng tạo, tương tác cao và vui vẻ nhất.

Trò trám, “tình phộc” 3 giây trong bóng tối

“Linh tinh tình phộc”, ngay tên gọi tượng hình, tượng thanh đó đã đủ gợi trí tò mò. Đó là lý do mấy năm gần đây du khách ngày càng đông đổ về Lễ hội Trò Trám vào 11,12 tháng Giêng âm lịch tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Vĩnh Phú).

Lễ hội Trò Trám là tên gọi theo địa danh (rừng trám xưa kia) diễn ra các tích trò “phồn thực” và “tháo khoán”, trước đó trò diễn “tứ dân chi nghiệp” ngoài sân miếu được coi là màn “dạo đầu“ mang tính chất ẩn dụ rất cao. Chẳng hạn như khi diễn trò, trai gái hát đối đáp nhau những ca từ “phồn thực” đầy ẩn ý tạo không khí vui nhộn như:

“Có chồng thì thả mồi ra/ Chưa chồng thì cặp thì tha lấy mồi”;“Ước gì em hóa lưỡi cày/ Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ”

Công đoạn hai có nhiều tên gọi khác nhau như “phồn thực”, “cầu đinh”, “lễ mật”. Đúng 0 giờ, tại miếu Trò, chủ tế lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc tráp đỏ phía trên bàn thờ trong miếu. Chủ tế đưa “linh vật” cho cặp nam nữ, người nam cầm  nõ (cái của nam) còn người nữ cầm nường (cái của nữ). Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên tiếng hô của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần. Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi nghe 3 tiếng cốp cốp cốp. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi.

Công đoạn cuối cùng là “tháo khoán”. Ngày xưa, sau tiếng hô “tháo khoán “trai tân gái làng” rủ nhau vào rừng trám giao lưu, ăn nằm thoải mái. Ngày nay lễ hội mang tính diễn lại nên sau tiếng chiêng dập, chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng: Vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người có công đề xuất khôi phục lễ hội Trò Trám từ 15 năm trước chia sẻ “Nõ nường thời nay được sơn son thếp vàng, tạo hình kích cỡ như thật nhìn hơi bị ít thẩm mỹ. Đúng như thời xưa nõ chỉ là cái chày gỗ mộc, nường là cái mo cau đục lỗ. Các cụ ngày xưa cũng biết cách điệu, nõ nường cũ trông đẹp và hóm hơn thời nay”. Thuyết phục cặp đôi diễn“tình phộc” tại miếu không dễ. Đôi trai gái tỏ ra ngượng ngịu, khán giả lại nhốn nháo, cứ chụp ảnh lập lòe  khiến không khí cũng giảm thiêng. Nhà văn cho biết cặp đôi diễn năm ngoái đã bỏ lên rừng khai hoang, tháng Giêng tới không biết có tìm nổi người không.

Tàng thinh gây tranh cãi tại Ná Nhèm

Xuất hiện vài năm gần đây, lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) với lễ rước tàng thinh mặt nguyệt (sinh thực khí nam nữ) đã đưa tên Ná Nhèm lên bản đồ lễ hội “phồn thực” táo bạo nhất VN.

Ths Bàn Tuấn Năng, người có 5 năm nghiên cứu và phục dựng lễ hội cho biết Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) không chỉ là lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của Lê Trịnh. Sử cũ ghi có ngày sau khi triều Mạc thất thủ, Lê Trịnh giết đến 2.000 người họ Mạc trong một ngày. Họ Hoàng và họ Bế đã vượt qua các ràng buộc của Nho giáo để vác sinh thực khí Nam Nữ đi cung tiến cho đức Vua của chính mình. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh, để lại sớm rèn đao, luyện gươm củng cố sức mạnh từ dòng họ, làng bản đến quốc gia.

Khác với lễ hội phồn thực khác, tàng thinh mặt nguyệt ở đây là lễ vật cúng tế, cuối ngày được đem ra đốt. Dàn trai tráng rước tàng thinh mặt nguyệt bôi mặt nhọ biểu trưng cho việc ẩn danh, cũng là nghi thức lạ, không có ở bất cứ đâu.

Những lễ hội phồn thực táo bạo nhất Việt Nam - 2

Linh vật tâm điểm của Lễ hội Trò Trám. Ảnh: Phương Nguyễn

Mỗi năm có thể thay đổi tạo hình. Tàng thinh 50 năm trở về trước hình que bằng cổ chân, mặt nguyệt làm từ cạp thúng, có lúc từ cái mâm. Lúc bắt đầu phục dựng, các cụ bàn bạc “ngày xưa có khoảng một trăm người dự, tàng thinh bé không sao, nay có cả vạn người, lễ vật bé thế nhìn chẳng thấy”. Mỗi năm kể từ 2012, mẫu tàng thinh được thay đổi chỉnh sửa dần nhưng vẫn chưa bắt mắt, tới năm 2016 mẫu lễ vật gây tranh cãi ồn ào trong dư luận và truyền thông. Kích cỡ táo bạo và màu sơn hồng bị chê trách là bắt chước lễ hội “rước của quí” của Nhật Bản. Ở một diễn biến khác nhờ bộ lễ vật hoành tráng, rực rỡ mà lượng du khách tăng vọt. Dân bản mạnh tay chuẩn bị vài trăm con lợn quay vẫn bán hết veo. Ná Nhèm còn khẳng định thương hiệu điểm du lịch với nhiều thung lũng hoa tam giác mạch nở tưng bừng. Lễ vật độc lạ và tam giác mạch hứa hẹn có lượng selfie ngang ngửa nhau.

Hỏi về tạo hình tàng thinh 2017, ông Tuấn Năng nói “nếu biết trước du khách sẽ không háo hức nữa. Mỗi năm một phiên bản khác.Chỉ biết rằng năm nay sẽ không sơn hồng để khỏi nghi vấn “giống Nhật””.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hoa (Tiền Phong)
Lễ hội phồn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN