Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng?

Sự kiện: Lễ hội

Rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở miền Bắc được tổ chức linh đình sau những ngày đầu năm mới.

Dân gian xưa vẫn truyền miệng nhau câu nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, điều ấy một phần là minh chứng cho việc rất nhiều lễ hội được tổ chức trong tháng Giêng. Mỗi lễ hội lại có một nét văn hóa riêng mang tính đặc trưng của mỗi địa phương.

Trong không khí vui tươi, hân hoan của những ngày đầu năm mới, người dân được hòa mình vào sự nhộn nhịp của phần hội và cũng không thể bỏ qua việc lễ Phật mong một năm bình an, khỏe mạnh.

Dưới đây là tổng hợp một số lễ hội đặc sắc ở miền Bắc trong tháng Giêng:

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh)

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 1

Đây là một trong những lễ hội sớm nhất ở miền Bắc. Lễ hội được diễn ra từ 4-6 tháng Giêng tại xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) nhằm tưởng nhớ Thánh Thiên Cương, người ra lệnh xuất quân đánh giặc Xích Quỷ.

Tiết mục được quan tâm nhất của lễ hội là màn rước 2 quả pháo Nhất (dài 6m) và pháo Nhì (dài 5,8m), đường kính hơn 1m từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình làng.

Sau khi pháo rước về đình, các trai tráng khênh pháo sẽ tiếp tục thực hiện phần kiệu 4 ông đám diễn múa ở giữa sân đình. Các ông đám chít khăn mỏ quạ, trang điểm giả gái diễn trò mua vui cho du khách.

Lễ hội chùa Hương

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 2

Đây là một trong những lễ hội kéo dài nhất trong năm. Theo thông lệ, lễ khai hội từ mồng 6 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.

Lễ hội chùa Hương gắn liền với khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Mỗi năm, lễ hội chùa Hương thường thu hút hàng triệu du khách, Phật tử từ khắp nơi đổ về đây.

Hội đền Gióng

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 3

Hội đền Gióng được tổ chức tại đền Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhằm tưởng nhớ đến Thánh Gióng, vị anh hùng thiếu niên của dân tộc. Hội bắt đầu từ mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm.

Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khai ấn đền Trần Nam Định

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 4

Khai ấn đền Trần là một trong những lễ hội được nhiều người mong chờ nhất trong tháng Giêng. Lễ hội diễn ra từ 13 đến 15 tháng Giêng hằng năm tại đền Trần, thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định (tỉnh Nam Định). Lễ hội nhằm tri ân công đức các vị vua Trần.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn, bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm), nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp. Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Lễ hội Yên Tử

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 5

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Lễ hội diễn ra tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh).

Du khách đến với lễ hội Yên Tử sẽ có một cuộc hành hương tìm về đất Phật, đó là ngôi chùa Đồng nằm ở chót vót trên đỉnh núi. Hiện nay, du khách có 2 lựa chọn là đi bộ hoặc đi cáp treo.

Lễ hội chùa Tam Chúc

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 6

Chùa Tam Chúc thuộc quần thể Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Chùa mở hội vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, tuy nhiên, người dân có thể đến đây tham quan, vãn cảnh chùa, lễ Phật hầu như vào tất cả những ngày trong năm.

Những năm gần đây, Tam Chúc trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, thắng cảnh… thu hút du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Chùa khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ có các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, tế lễ thần Cao Sơn, chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn… Phần hội có các hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như: Rước kiệu, viết thư pháp, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, biểu diễn trống hội, hát chèo…

Lễ hội Linh tinh tình phộc

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 7

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị), thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ).

Lễ hội mang ý nghĩa tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp với ước mong vạn vật sinh sôi nảy nở. Năm 2017, lễ hội Trò Trám chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia.

Lễ hội rước “của quý” Ná Nhèm

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 8

Lễ hội rước “của quý” hay còn gọi là Lễ hội Ná Nhèm của người Tày, được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh, Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết đã có công đánh giặc giữ làng.

Trong lễ hội, có màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) từ trong đình làng Mỏ ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn và cầu cho cuộc sống đầy đủ, đời sống ấm no.

Hội phết Hiền Quan

Những lễ hội nổi tiếng nào ở miền Bắc được tổ chức trong tháng Giêng? - 9

Hội Phết Hiền Quan tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặcvà Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Có 3 quả Phết và 3 quả Chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Hai thứ này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả Phết có đường kính khoảng 6–7 cm và quả Chúi nhỏ hơn, khoảng 4–5 cm.

Người dân quan niệm rằng, nếu ai giành được quả Phết và Chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn.

Những năm gần đây, do thường xuyên xảy ra cảnh tranh giành, giẫm đạp lên nhau để cướp Phết, gây hình ảnh phản cảm nên màn cướp Phết không được diễn ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, vừa qua Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố đã trực tiếp đóng vai du khách đi kiểm tra Lễ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN