Những lễ hội đâm, chém, chọi trâu gây tranh cãi nhất Việt Nam
Nhiều lễ hội dùng trâu làm vật tế lễ, với những nghi thức “nhuốm màu bao lực” gây tranh cãi.
Gần đây, thông tin về vụ một con trâu chọi Đồ Sơn húc tử vong chủ khiến dư luận xôn xao. Nhiều chuyên gia văn hóa đặt vấn đề có nên giữ những lễ hội truyền thống, mang tính bạo lực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng
Trâu chọi húc chủ tử vong tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 1/7
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân quận Đồ Sơn – TP Hải Phòng, được tổ chức chính thức vào 9/8 âm lịch hằng năm. Vòng đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch.
Kết thúc lễ hội, cho dù thắng hay thua, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Lễ hội bị gián đoạn trong thời gian chiến tranh, đến năm 1989 được khôi phục. Năm 2013, lễ hội này được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Trưa 1/7, tại vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 tại sân vận động quận Đồ Sơn (Hải Phòng), đã xảy ra sự cố trâu chọi số 18 đã húc tử vong chính chủ nuôi trâu là ông Đinh Xuân Hướng (trú phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn).
UBND thành phố Hải Phòng tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu năm 2017.
Sau khi sự cố trâu 18 húc chết chủ ngay tại sới chọi ở vòng loại Chọi trâu Đồ Sơn 2017, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ ngay lễ hội này. Luồng ý kiến khác lại cho rằng lễ hội đã trở thành “di sản quốc gia”, có thể điều chỉnh để đảm bảo an toàn chứ không nên bỏ.
Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên đã bỏ nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống
Lễ hội đâm trâu (ăn trâu) là nghi lễ trong những ngày hội lớn của các buôn làng Tây Nguyên như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa…
Trâu sẽ được đưa đến trước nhà dài và buộc vào gốc cây nêu dựng trước nhà dài của buôn. Trước khi nghi lễ đâm trâu bắt đầu, các già làng sẽ làm lễ tế sống trâu.
Những người được chọn ra đâm trâu phải là trai tráng khỏe mạnh, biết cách đâm làm sao để sau vài ba nhát giáo, con trâu to khỏe sẽ bị ngã gục... Người dân làm lễ đâm trâu, với quan niệm như lời cảm tạ thần linh giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt..
Theo các chuyên gia văn hóa, những năm gần đây lễ hội đâm trâu đã bị biến tướng. Người ta đâm trâu nhiều nhát, khiến con trâu chết từ từ đau đớn, máu me bắn tung tóe. Việc tổ chức như vậy mang tính bạo lực, phản cảm trong xã hội hiện đại.
Năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị loại bỏ nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống trên địa bàn.
Treo cổ trâu ở Lễ hội đền Đông Cuông, Yên Bái
Hình ảnh treo cổ trâu ở Lễ hội đền Đông Cuông, Yên Bái
Lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng, mở đầu bằng lễ giết trâu tế Thánh Mẫu vào lúc nửa đêm.
Đầu năm 2017, hình ảnh con trâu to khỏe bị người dân treo cổ lên cành cây cao đến chết tại lễ hội này khiến dư luận xôn xao.
Theo người dân thì việc treo cổ trâu là phương pháp giết mổ gia súc thô sơ trước đây, đó là cách làm trâu chết nhanh nhất mà không gây nguy hiểm cho người xung quanh.
Nhiều ý kiến cho rằng việc giết trâu bằng cách treo cổ như vậy trong lễ hội như vậy quá dã man, đáng sợ.
Ngay sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Yên Bái đã yêu cầu ban tổ chức lễ không treo trâu như mọi năm. Thay vào đó, trâu sẽ được mổ ở nơi kín đáo, để đưa vào tế thần.
Lấy vồ đập đầu trâu đến chết ở Lễ hội Cầu trâu Phú Thọ
Hình ảnh trong Lễ hội Cầu trâu ở Phú Thọ
Lễ hội Cầu Trâu (Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng, nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Xuân Nương dưới thời Hai Bà Trưng.
Do chiến tranh cũng như nhiều nguyên nhân nên lễ hội mới được phục dựng lại vào những năm 1999 - 2000.
Trong đó có nghi lễ, 12 nam thanh niên dùng vồ đập liên tiếp vào đầu trâu đến khi trâu khụy xuống và chết gây nhiều tranh cãi.
Tổ chức động vật châu Á cho rằng lễ hội Cầu Trâu có lối đối xử tàn ác, phi nhân đạo đối với động vật. Những lễ hội này đều có ảnh hưởng tới xã hội về nhiều mặt và không nên được tiếp tục.
Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng đây là nghi lễ truyền thống, mang bản sắc riêng của làng. Muốn thay đổi nghi thức phải được sự chấp thuận của dân làng.
Tục chém trâu ở lễ hội đền Chín Gian, Nghệ An
Lễ hội đền Chín Gian ở xã Châu Kim (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) khai hội vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây xứ Nghệ.
Lễ hội này có một nghi thức đã lưu truyền từ xa xưa, là con trâu tế, sau khi thực hiện nghi lễ tắm trâu, được chém tại sân lễ hội, sau đó làm thịt, đem tế các vị thần linh.
Sau khi nhận nhiều ý kiến cho rằng việc chém trâu này không phù hợp, không đảm bảo tính nhân văn, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đã yêu cầu thay đổi nghi thức chém trâu bằng việc mổ trâu ở nơi kín đáo.
Sáng 1-7, tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã diễn ra vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017....