Những “làng liều”, thôn “liều mạng”

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng hậu quả vẫn còn để lại dưới mỗi nếp nhà ở Quảng Trị: Bom vẫn nổ, tác hại chất độc da cam vẫn hiện hữu… Làm gì để mảnh đất này thôi không còn những nỗi đau ấy? Đó là câu hỏi dai dẳng mà những người làm chính sách hậu chiến đang phải giải quyết. 

Xóm mồ côi, thôn góa phụ

Ở Quảng Trị, nhiều làng có biệt danh gắn với nghề rà tìm phế liệu. Làng Tân Hiệp (Cam Tuyền, Cam Lộ) được mệnh danh là “làng liều” bởi làng có 230 hộ thì có trên 200 hộ theo nghề rà tìm phế liệu. Thôn 6 (Hải Thái, Gio Linh) được gọi là thôn “liều mạng” vì trong thôn hầu như nhà nào cũng có người chết vì bom đạn mà vẫn liều mạng bám “nghề”… Và tất yếu trong nhiều ngôi nhà có người thiệt mạng do bom đạn là nỗi đau hiện hữu của những vọng phu thời bình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng dột nát, bà Tạ Thị Thanh (thôn 6, Hải Thái) không giấu được nước mắt. Chồng bà chết khi đang cưa bom, bỏ lại cho bà 7 đứa con nhỏ dại. Lần hồi qua ngày, các con bà Thanh khôn lớn. Đứa con trai Nguyễn Trường đến tuổi cập kê nên bà vay mượn tiền đám cưới cho con. Đám cưới ít lâu, bà có cháu nội. Rồi hoàn cảnh khó khăn, Trường lại phải nối gót cha đi tìm miếng cơm từ bom đạn. “Ngày hắn (Trường) vác máy rà lên rừng tui đã thấy lo, sợ rằng số phận lặp lại như cha hắn. Sợ thì sợ đó nhưng biết mần răng chừ, không đi rà thì mần việc chi, lấy chi ăn, lấy chi nuôi con hắn” – bà Thanh nhòe đôi mắt. Và điều gì đến đã đến, chỉ sau vài nện búa, quả pháo phát nổ, thân xác Trường về với đất, để lại trên cõi đời người vợ trẻ, đứa con thơ dại bữa đói bữa no. Ngôi nhà ấy lại thêm một góa phụ.

Bà Bùi Thị Cầm (60 tuổi) ở thôn 6, Hải Thái cũng là một góa phụ sau tai họa bom mìn, một mình bà cũng phải nuôi 5 người con. Hoàn cảnh như bà thì nhiều lắm nhưng bà có may mắn là con cái có nghề khác chứ không phải theo cha mẹ đi phá bom. Hôm tôi đến thăm, bà Cầm chảy nước mắt chỉ đứa cháu ngoại khoe rằng “đây là con của đứa út, đang là giáo viên thể dục thể thao dạy ở huyện Đakrông”.

 Theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên cả nước là 6,6 triệu hécta, chiếm 21% diện tích cả nước. Riêng tỉnh Quảng Trị, tỷ lệ này lên đến 84% diện tích (với 391.500ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong tổng số 461.297ha diện tích đất tự nhiên) và là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam. Cần 200 năm mới làm sạch đất ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị với kinh phí lên đến hàng tỷ đôla.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN