Những “làng liều”, thôn “liều mạng”

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng hậu quả vẫn còn để lại dưới mỗi nếp nhà ở Quảng Trị: Bom vẫn nổ, tác hại chất độc da cam vẫn hiện hữu… Làm gì để mảnh đất này thôi không còn những nỗi đau ấy? Đó là câu hỏi dai dẳng mà những người làm chính sách hậu chiến đang phải giải quyết. 

Một số người cho rằng đặc sản Quảng Trị là… bom đạn. Đó là cách nói cường điệu hóa. Tuy nhiên, ở đây có những nơi được coi là “làng liều”, thôn “liều mạng” cưa bom kiếm sống. Hậu quả để lại là những ngôi nhà tang thương.

Ký ức kinh hoàng

Cách đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử chừng 500m có con đường đất đỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Bình, 54 tuổi, ở thôn 6 (xã Hải Thái, Gio Linh).

Những “làng liều”, thôn “liều mạng” - 1

Hiện nay, tại Quảng Trị nhiều người dân (trong đó có phụ nữ) vẫn đi rà tìm phế liệu chiến tranh để mưu sinh, bất chấp cái chết rình rập

Năm 1975, đất nước hòa bình, ông Bình theo chân cha mẹ hòa vào dòng người lên vùng kinh tế mới Hải Thái sinh cơ lập nghiệp. Nhà có 5 anh em thì cả 5 đều theo nghiệp tìm phế liệu chiến tranh. “Hồi đó nếu không đi tìm bom đạn thì lấy gì bỏ vào mồm, lấy gì nuôi sống gia đình. Biết chết đó nhưng đành nhắm mắt làm liều, chỉ biết cầu trời phật phù hộ” – ông Bình chua xót.

Ông Bình vẫn nhớ như in cái ngày cả 3 em trai cùng 2 thanh niên thôn 6 tử nạn ở đồi Máu. Đó là một buổi trưa tháng 2.1991, khi cả 5 nạn nhân xấu số cùng nhau đào được quả pháo 175 ly ở độ sâu 7m rồi đem lên tháo lấy thuốc nổ. Khi cả 5 đang hì hục, người cầm ve, kẻ dùng búa tạ đập mạnh vào quả pháo để tháo kíp thì bỗng một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên giữa chốn thâm sâu. Cả 5 thanh niên ngã gục, mình găm đầy mảnh đạn pháo. Dân thôn 6 vội bỏ bữa trưa, lao vào rừng cáng thi thể cả 5 nạn nhân ra, nước mưa hòa nước mắt. Cả làng gánh đại tang.

Kế bên nhà ông Bình là gia đình ông Nguyễn Sảo (80 tuổi) có 3 người con trai chết vì bom đạn. Đứa con đầu đi tìm phế liệu, đêm đốt lửa sưởi ấm để ngủ lại trong rừng. Không ngờ, khi lửa vừa nhóm lên, một quả bom nằm cạn trên mặt đất bị đốt nóng phát nổ, cắt đôi người. Người con thứ 2 chết khi đang xem một nhóm thanh niên tháo quả đạn pháo và đạn phát nổ. Còn người thứ 3 chết vì giẫm phải mìn khi đang đốn củi. Một năm 3 lần, ông Sảo nuốt nước mắt làm đám giỗ cho con.

Ông Đào Duy Hải – Trưởng thôn 6, Hải Thái cho biết, từ sau năm 1975 đến năm 2002, xã có 53 người chết, 35 người bị thương thì riêng thôn 6 đã chiếm 70%.

Cách đây chưa lâu, người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngậm ngùi nước mắt trước cái chết thê thảm của hai anh em ruột dân tộc Vân Kiều Hồ Li Va (21 tuổi) và Hồ Văn Na (18 tuổi, trú thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa). Ngày 28.7.2013, hai thanh niên này sang bản May, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) tìm thấy một quả bom. Hôm sau, họ cùng hai người Lào ở bản May, bắt tay tháo bom để lấy kim loại. Bom nổ, hai anh em chết ngay tại chỗ, hai người Lào bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Gia đình nhận con em mình chỉ còn là những mảnh ghép thịt xương sau vụ nổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN