Những lần thoát chết của cha mẹ Putin
Những ngày này, nước Nga đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít (9.5.1945). Lịch sử anh hùng và những đau thương mất mát trong trận chiến như sống lại trong ký ức của mỗi con người Nga, dân tộc Nga hôm nay.
“Cha tôi đã thoát chết trong gang tấc”
Đài Tiếng nói nước Nga đã dẫn lại một bài viết của Tổng thống V.Putin đăng trên Tạp chí Đội viên Nga kể về những lần thoát chết của cha mẹ ông. Tổng thống Puitn viết: “Khi cuộc chiến bắt đầu, cha tôi làm việc tại nhà máy quốc phòng nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, ông đã viết đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản, và sau đó đề nghị được ra mặt trận. Cha tôi được phân công vào đội phá hoại. Nhưng chẳng bao lâu sau đội bị phục kích, phát xít Đức truy lùng họ trong rừng. Cha tôi thoát chết vì ông lặn xuống đầm lầy mấy giờ liền và thở qua ống sậy. Ông kể rằng, khi thở qua sậy dưới đầm lầy, ông nghe lính Đức đi cách chỗ ông nấp chỉ mấy bước chân… Từ 28 người được cử đi, chỉ có 4 người trở về. 24 người đã hy sinh.
Tổng thống Nga Putin (trái) tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tổ chức năm 2014.
Sau đó, họ được phái sang quân đội chính quy đóng tại cánh rừng Nevsky ở ngoại ô Leningrad. Đây có lẽ là nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất trong toàn bộ giai đoạn thành phố bị phong tỏa. Quân đội của chúng ta đã tổ chức một chiến tuyến nhỏ trong một thời gian dài, tại đây diễn ra nhiều giao cuộc tranh rất nặng nề. Khu vực này bị phát xít Đức bắn phá không sót một chỗ nào. Cho đến nay, ở đây đất vẫn còn lẫn sắt thép. Và cha tôi đã bị thương ở đó. Suốt đời mình, ông phải sống chung với mảnh đạn nằm trong chân vì không thể gắp hết các mảnh đạn ra ngoài được.
Còn mẹ tôi thì kể chuyện bà đến quân y viện nơi cha đang điều trị vết thương. Khi ấy cha mẹ tôi đã có một đứa con mới 3 tuổi. Khắp nơi đang đói vì thành phố bị phong tỏa… Cha tôi đã giấu bác sĩ và y tá đưa cho mẹ khẩu phần ăn mà bệnh viện phát cho. Mẹ tôi mang gói thực phẩm đó về nhà và cho con ăn. Còn cha tôi thì ngất trong bệnh viện vì đói quá, khi bác sĩ và y tá hiểu chuyện gì đã xảy ra, họ không cho mẹ tôi đến nữa”.
Tại sao phải ghét họ?
Tổng thống Putin viết tiếp: “Rồi sau đó anh trai tôi được mang đi. Người ta làm điều đó để cứu các em nhỏ khỏi chết đói trong giai đoạn Leningrad bị phong tỏa, thậm chí không cần hỏi các bậc cha mẹ. Tại đó anh trai tôi bị ốm và không qua khỏi.
Khi anh tôi đã đi sơ tán và mẹ tôi ở nhà một mình, cha tôi đã được bác sĩ cho phép đi lại. Ông chống nạng đi về nhà, khi đến nhà, ông thấy các nhân viên y tế đang mang những thi thể ra cửa… Và ông thấy mẹ tôi trong số đó. Ông lại gần và có cảm giác như mẹ vẫn còn thở. Ông nói với bác sĩ: “Cô ấy vẫn còn sống mà!”. “Đi dọc đường rồi cũng chết thôi — mấy người hộ lý nói— Cô ấy sẽ không sống nổi đâu”. Cha tôi thường kể rằng, khi ấy ông đã dùng nạng lao vào mấy người hộ lý và bắt họ phải đưa mẹ tôi lên căn hộ. Và chính cha đã cứu sống mẹ. Mẹ tôi thoát chết và sống cho đến năm 1999. Cha tôi qua đời vào cuối năm 1998.
Sau khi thành phố được giải phóng khỏi cuộc phong tỏa, cha mẹ tôi chuyển về quê ở tỉnh Tver và sống ở đó cho đến khi kết thúc chiến tranh. Cha tôi có 6 anh em, 5 người đã chết trong chiến tranh. Và mẹ tôi cũng mất những người thân. Tôi là đứa con sinh muộn, khi mẹ tôi đã 41 tuổi.
Ở Nga không có gia đình nào mà không có người bị chết trong chiến tranh. Điều này tất nhiên là bi kịch. Nhưng cha mẹ tôi không thù hận đối với kẻ thù, điều đó thật đáng kinh ngạc. Đến tận bây giờ, nói thật là tôi vẫn không thể hiểu đến cùng chuyện này. Mẹ tôi thường nói: “Làm sao có thể ghét những người Đức? Họ là người dân thường và cũng đã chết trong chiến tranh. Họ cũng là những người lao động như chúng ta, đơn giản là họ bị xua ra mặt trận”.
Thật ngạc nhiên, chúng tôi được giáo dục bằng sách vở, phim ảnh Liên Xô… Và chúng tôi từng căm ghét. Thế mà ở mẹ đã không hề có điều đó”.