Những lần sắp xếp, sáp nhập bộ ngành qua các thời kỳ
Qua nhiều lần sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giữ ổn định từ năm 2007 đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 vào ngày 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành việc tổng kết và báo cáo Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Trong đó, Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Nhật Bắc
"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị", Tổng Bí thư nêu rõ.
Nhiều ý kiến đề xuất đổi tên, thu gọn đầu mối bộ, ngành
Liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ, Nghị quyết 18/2017 Trung ương 6 khóa 12 về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã đưa ra chủ trương:
“Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới (2021 – 2026) như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…”.
Để cụ thể hóa Nghị quyết 18, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tổng kết tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành. Trong đó nhấn mạnh đến những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối.
Trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa 15 (2021 -2026), nhiều ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tờ trình của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng về việc này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 (năm 2021), Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”.
Bộ Chính trị cũng đã kết luận và chỉ đạo: “Trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa 15 như khóa 14”.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15 vào tháng 7/2021, Chính phủ đề nghị Quốc hội, trước mắt "giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa 14" và đã được Quốc hội chấp thuận.
Bộ máy Chính phủ giữ ổn định từ năm 2007 đến nay
Nhìn lại quá trình sắp xếp bộ máy từ sau đổi mới (1986) đến nay, câu chuyện sáp nhập những bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp đã được đặt ra. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy Chính phủ được sắp xếp cho phù hợp.
Đã có thời kỳ, Chính phủ có 36 bộ ngành (khóa 9, giai đoạn 1992 - 1997). Đến khóa 10, nhiệm kỳ 1997 - 2002, Chính phủ có 48 đầu mối. Đến khóa 11, nhiệm kỳ 2002 - 2007, Chính phủ có 38 đầu mối gồm: 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ.
Đến khóa 12, nhiệm kỳ 2007 - 2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 30 đầu mối gồm: 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cuộc sắp xếp, sáp nhập bộ, ngành vào giữa năm 2007 đã hình thành bộ máy Chính phủ theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Cụ thể, Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Văn hóa – Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các bộ có liên quan.
Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chính phủ hiện có 27 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó Thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành. Ảnh: Nhật Bắc
Qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định từ khóa 12 (2007 - 2011) đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
18 bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường.
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.
Hoàn thành phương án sắp xếp bộ máy trong tháng 12
Trong bài viết với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nghị quyết số 27/2022 Trung ương 6 khóa 13 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối.
Phân định phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản lý.
Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “bộ trong bộ”…
Theo Tổng Bí thư, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm Đổi mới, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “nói không đi đôi với làm”.
Từ những phân tích này, Tổng Bí thư yêu cầu cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trung ương yêu cầu báo cáo phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Mới đây, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2017.
Trong tháng 12 này, các bộ ngành phải hoàn thành xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngày 16/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 do Thủ tướng làm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước.
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 16 (nhiệm kỳ 2026 - 2031).
Trong nhiệm kỳ khóa 14, Quốc hội đã tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Kết quả giám sát cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng lưu ý, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… Từ đó, đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau. |
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Nguồn: [Link nguồn]