Những kỷ vật tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Khánh Hòa - Khu tưởng niệm Gạc Ma lưu giữ những kỷ vật của 64 liệt sĩ trong trận chiến giữ đảo vào tháng 3/1988 thu hút nhiều đoàn khách, thân nhân thăm viếng.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma xây trên diện tích 25.000 m2, kinh phí 130 tỷ đồng, tọa lạc ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, hoàn thành giai đoạn một năm 2017. Nơi đây có bảo tàng diện tích 860 m2, với điểm nhấn là khu trưng bày di ảnh, hiện vật của 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến giữ Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, phía Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến cùng binh lính đến tấn công, khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép đến nay.
Khu vực trung tâm bảo tàng trưng bày các tư liệu, hiện vật và hình ảnh của các liệt sĩ.
Ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma cho biết hiện nay, khu bảo tàng trưng bày khoảng 38 kỷ vật liên quan các liệt sĩ và trận chiến Gạc Ma.
"Từ lúc mới thành lập đến nay có thêm một số hiện vật mà gia đình các liệt sĩ cung cấp, tuy nhiên chưa thể trưng bày được vì còn đang trong quá tập hợp, đánh giá, để xác định đúng kỷ vật của các liệt sĩ", ông Trúc nói.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết ngày 6/3/1988 tại Cam Ranh, trước khi xuống tàu đi Gạc Ma. Ông viết "từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa... Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi..."
Ngoài những lá thư đã ố vàng qua năm tháng, di vật còn lại của ông là bộ quân phục hải quân và giấy báo nhập học của trường Sĩ quan Lục quân 1.
Ảnh đám cưới của thiếu uý Đinh Ngọc Doanh cùng vợ là Đỗ Thị Hà tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, vào năm 1986.
Thiếu uý Doanh sinh năm 1964, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình, là Phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 146. Sau hai năm ngày cưới, ông nhận nhiệm vụ lên đường ra Trường Sa và mãi mãi không trở về. Lúc ấy, con gái đầu lòng của ông mới 13 tháng tuổi.
Cờ Tổ quốc mà liệt sĩ Trần Văn Phương và đồng đội đã anh dũng hy sinh bảo vệ trong sự kiện ngày 14/3/1988. Nay hiện vật gốc đang trưng bày tại Nhà truyền thống Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Liệt sĩ Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê Quảng Bình. Ông nhập ngũ tháng 3/1983, cấp bậc thiếu úy (sau này được truy thăng trung úy), chức vụ là Phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 146.
Tủ đựng 19 hiện vật của tàu HQ-604, HQ-605 được vớt lên từ đáy biển trong sự kiện, gồm quần, thắt lưng, dép nhựa, chén ăn cơm, nòng súng và thoi đẩy súng AK...
Nơi đặt kỷ vật của các liệt sĩ như quân phục, ba lô, áo sơmi, radio cassette, giấy báo tử, chứng minh nhân dân... và viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào năm 2015.
Chiếc balô và khăn len của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành sử dụng trong chuyến công tác và dải cầu vai áo quân phục của liệt sĩ Cao Xuân Minh.
Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ năm 2017 đến nay, có khoảng 1.950 đoàn với hơn 540.500 lượt khách đến thăm khu tưởng niệm với nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ ý nghĩa.
Gia đình bà Mai Thị Nhàn, quê Đăk Lăk, cùng nhau đọc bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. Bà cho biết đến đây là lần đầu cả nhà ghé thăm khu tưởng niệm.
"Nhìn lại những kỷ vật của các chiến sĩ, tôi lại càng xúc động hơn. Những hình ảnh, kỷ vật tại bảo tàng là nhân chứng sống cho lòng dũng cảm, yêu nước của cha ông", bà Nhàn nói.
Trong dòng chảy bi tráng về những người anh hùng Gạc Ma của 35 năm trước, có những câu chuyện, kỷ vật đã hóa thành bất tử. Trong đó, những lá thư viết...
Nguồn: [Link nguồn]