Những kỷ vật của cha con liệt sĩ phi công
Cha con phi công Dương Văn Thanh và Dương Lê Minh hy sinh khi bay huấn luyện, nhiều kỷ vật đã được trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thượng tá phi công Dương Văn Thanh nhập ngũ năm 1975. Sau khi tốt nghiệp năm 1981, anh được giữ lại và trở thành giáo viên bay thuộc Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Ngày 29/4/2005, trong bài thực hành huấn luyện trên bầu trời vịnh Nha Trang, thượng tá Thanh cùng trung úy Đào Việt Hưng (học viên) điều khiển máy bay L-39 thì bị chết máy đột ngột. Báo cáo cho Sở Chỉ huy bay, hai phi công nhận lệnh "được phép nhảy dù thoát hiểm".
Tuy nhiên, phía dưới là khu du lịch đảo Hòn Tre, cách bờ biển Nha Trang 3 km, đang đông khách. Phi công Thanh yêu cầu học viên Hưng bung dù thoát hiểm, còn anh tận dụng những giây cuối cùng điều khiển máy bay tránh đảo. Khi mũi lái máy bay hướng ra vịnh cũng là lúc không còn đủ độ cao để anh thoát hiểm.
Phi công Dương Văn Thanh (trái) và phi công Dương Lê Minh. Ảnh: Bộ Quốc phòng
Chiếc L-39 rơi xuống biển, thượng tá Thanh hy sinh khi mới 49 tuổi. Lúc được đội cứu hộ tìm thấy, anh vẫn đang nắm chặt tay vào hệ thống điều khiển, đầu đội mũ bay. Hai năm sau, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.
Tháng 5/2015, đoàn công tác của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đến gia đình chị Lê Thị Minh Thủy, vợ của phi công Dương Văn Thanh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ mong muốn tiếp nhận kỷ vật gắn liền với phi công Thanh để đưa về lưu giữ, trưng bày.
Thượng tá Phạm Văn Phi, khi đó là Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm - Hướng dẫn nghiệp vụ, không quên khoảnh khắc chị Thủy tay run run mở tủ kính lấy ra bộ quần áo kháng áp của chồng. Trong ký ức của chị, anh Thanh luôn là người chồng mẫu mực, thương yêu vợ con, trọn vẹn nghĩa tình.
Chị nói bộ quần áo kháng áp được anh Thanh sử dụng từ năm 2002 cho đến ngày hy sinh, cũng là bộ anh mặc khi điều khiển máy bay lao xuống biển. Nhà trường đã gửi lại cho gia đình bộ quần áo bay. "Đây là hiện vật rất quý giá của gia đình. Hôm nay, tôi trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để lưu giữ, bảo quản giúp", chị Thủy nghẹn ngào nói.
Bộ quần áo kháng áp của phi công, thượng tá Dương Văn Thanh mặc khi hy sinh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Con trai anh Thanh và chị Thủy là sĩ quan Dương Lê Minh, sinh năm 1984. Khi cha hy sinh, Minh đang học để trở thành phi công. Nhiều lần được mẹ khuyên bỏ nghề phi công vất vả, nguy hiểm, nhưng Minh vẫn quyết tâm theo nghiệp bay bởi sự kính trọng dành cho cha.
Minh tốt nghiệp loại giỏi, được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phong cấp hàm trung úy và điều về Tổng công ty Bay dịch vụ miền Nam.
Năm 2008, anh Minh là một trong những phi công xuất sắc được gửi đi nước ngoài học lái máy bay hiện đại. Trở về nước, anh được bổ nhiệm làm giảng viên bay của Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.
Trong một lần huấn luyện bay vào tháng 10/2016, đại úy Minh phụ trách hướng dẫn hai học viên là Đặng Đình Duy và Nguyễn Văn Tùng điều khiển máy bay VN 8632 TS tại khu vực núi Dinh, Vũng Tàu. Song máy bay bị mất liên lạc, sau 3 tiếng được lực lượng cứu hộ tìm thấy thì cả ba sĩ quan đã hy sinh.
Phi công Dương Lê Minh được truy thăng quân hàm lên thiếu tá, một năm sau được công nhận liệt sĩ. Năm 2018, chị Lê Thị Minh Thủy được phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng".
Biển tên và một số phù hiệu trên áo của liệt sĩ Dương Văn Thanh. Ảnh: Giang Huy
Tình cờ gặp chị Thủy tại buổi lễ vinh danh các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu tổ chức tại Hà Nội năm 2022, thiếu tá Lê Hồng Nhung, Phòng Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kể: "Như cơ duyên, hai chị em nói chuyện rất hợp. Là người lính tôi cũng hiểu và đồng cảm với nỗi đau của chị".
Qua trò chuyện, chị Thủy nói gia đình còn lưu giữ một số kỷ vật của hai cha con gồm chiếc mũ bay của thượng tá Dương Văn Thanh, một số huân chương và chiếc đồng hồ đeo tay của con trai Dương Lê Minh. Bảo tàng Phòng không - Không quân và Trường Sĩ quan Không quân đã nhiều lần liên hệ, mong muốn đưa những kỷ vật này về trưng bày, giới thiệu đến các thế hệ sĩ quan, học viên. Song chị từ chối vì đây là kỷ vật quý giá nhất còn lại của gia đình về hai cha con.
Khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thể hiện mong muốn được tiếp nhận, chị Thủy cũng không đồng ý. Tuy nhiên, sau nhiều lần động viên, thuyết phục với mong muốn nhiều người được biết đến những chiến công, sự hy sinh của người lính thời bình, chị Thủy và gia đình đã đồng ý trao tặng chiếc mũ bay của anh Thanh và đồng hồ của con trai cho Bảo tàng Lịch sử quân sự ở Hà Nội.
Chiếc mũ bay của phi công Dương Văn Thanh. Ảnh: Giang Huy
Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm, nói kỷ vật liên quan cuộc đời, sự nghiệp của phi công Dương Văn Thanh và Dương Lê Minh rất quý giá đối với bảo tàng. Chúng giúp công chúng biết đến những cống hiến, hy sinh của lực lượng vũ trang không chỉ trong thời chiến mà ngay cả thời bình. Khi đưa về Bảo tàng mới, các hiện vật sẽ được trưng bày tại chuyên đề "Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình" hoặc tại không gian trưng bày chuyên đề.
Chia sẻ với VnExpress, chị Lê Thị Minh Thủy vẫn bùi ngùi khi chia tay những kỷ vật quý giá, gắn bó với gia đình. Song chị nói bàn giao những kỷ vật về Bảo tàng là việc nên làm, phù hợp với tâm nguyện của chồng chị là làm những điều tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân.
Nguồn: [Link nguồn]
Khánh Hòa - Khu tưởng niệm Gạc Ma lưu giữ những kỷ vật của 64 liệt sĩ trong trận chiến giữ đảo vào tháng 3/1988 thu hút nhiều đoàn khách, thân nhân thăm viếng.