Những kình ngư của biển

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Với đường bờ biển dài 3.260 km, nhiều thế hệ người Việt đã được đại dương trui rèn thành những kình ngư lão luyện, không chỉ làm giàu cho quê hương mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Dị nhân ở Hoàng Sa

Sinh ra trên biển, lớn lên nhờ biển, nói đến chuyện "nghỉ hưu", dị nhân Nguyễn Văn Năm cười khề khà: "Nghỉ đi biển là tôi bệnh liền"

Làng biển Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) gọi lão ngư Nguyễn Văn Năm là "dị nhân của biển cả" bởi dù tuổi đã ngấp nghé 70 nhưng hằng năm, ông vẫn chỉ huy đội tàu rẽ sóng ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt, giúp gia đình phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chào đời trong một chuyến ra khơi

Về làng biển Mỹ Cảnh, hỏi thăm ông Năm không ai là không biết. Lớp trẻ phục ông về nghề, lớp già nể ông về sức khỏe. Tuổi cao nhưng ngày ngày ông Năm vẫn làm việc cần mẫn và cứ ra khơi là khoang nặng lưới đầy, năng suất không hề kém cạnh các ngư dân trẻ, thậm chí vượt trội.

Những ngày đầu thu, chúng tôi gặp ông Năm đang lui cui ngoài cảng cá cùng 2 người con trai chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi biển sắp tới. Trái ngược với mái tóc đã ngả màu theo tuổi 70, ông Năm trông vạm vỡ, rắn rỏi với làn da rám nắng và giọng nói sang sảng. Nghe có khách ghé nhà, ông Năm thoăn thoắt dọn lưới, sắp xếp lại ngư cụ để đưa chúng tôi về nhà vì "ngoài đây nắng nóng quá, sợ chú chịu không nổi".

Nhấp chén trà, ông Năm kể ngày xưa, cha mẹ ông không có nhà cửa, của nả chẳng có gì. Chiếc thuyền câu là nơi tá túc duy nhất của cả gia đình.

Mẹ sinh ra ông trong một chuyến ra khơi. Cha ông tự tay cắt rốn, nhúng xuống biển để tắm rửa cho ông. Tuổi thơ gắn với sóng biển nên khi lên 5 tuổi, ông Năm đã bơi lội thuần thục. Nhà nghèo, không có điều kiện đi học chữ như chúng bạn, cuộc sống cứ ngược xuôi theo con nước nên khi mặt còn "búng ra sữa", ông Năm đã là một ngư dân thực thụ.

Lên 15 tuổi, khi gia đình đóng được tàu lớn, ông cùng cha bắt đầu rẽ sóng chinh phục ngư trường Hoàng Sa. Độ tuổi ấy, ông Năm đã thông thuộc từng rạn san hô, hiểu các đặc tính của từng loài cá, từng khu vực biển.

"Ngày xưa đi biển cực lắm, ngư cụ, thức ăn thiếu thốn nhưng được cái biển lắm cá. Hồi đó tui chỉ cần nhìn lên sao trời, nhìn xuống sóng biển là có thể đoán được hướng cá, biết vùng biển đó có cá gì để thả mồi câu" - ông Năm kể.

Ông Nguyễn Văn Năm chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển sắp tới

Ông Nguyễn Văn Năm chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển sắp tới

Lão ngư can trường

Hàng chục năm quăng quật với sóng biển, đếm không xuể bao nhiêu lần gặp hiểm nguy, có khi gặp mưa bão, có khi đụng tàu hàng lớn, không ít lần tính mạng kề bên miệng tử thần nhưng ông Năm không một chút nao núng, sợ hãi.

Kỷ niệm mà ông Năm vẫn nhớ như in là chuyến đi ra ngư trường Hoàng Sa cách đây 7 năm trước. Ông kể lúc đó đài báo gió mùa Đông Bắc thổi rất mạnh nhưng ra khơi nhiều ngày mà thu hoạch chưa đáng là bao nên ông cùng các ngư dân đánh liều ở lại.

Đêm đến, biển bắt đầu động, giàn câu (hệ thống dây và lưỡi câu) đầu tiên ông vớt được hơn 1 tấn cá. Đặc biệt, đêm đó ông dùng cần câu được con cá cờ nặng hơn 2 tạ. Cha con ông cùng các bạn thuyền đánh vật với sức cá, sức sóng, hơn 3 giờ mới lôi được con cá lên tàu.

Mải mê đánh bắt, ngoảnh lại thì thấy giữa mênh mông nước một màu trắng xóa. Những con sóng cao hơn mái nhà cứ lao tới như muốn nhấn chìm con tàu của ông Năm. Sóng mạnh, con tàu cứ xoay ngang - dọc, trồi lên, tụt xuống như con ngựa bất kham, rồi cơn sóng dữ kèm theo gió mạnh nổi lên đánh bật cả 4 cha con cùng 5 ngư dân rơi xuống biển. May mắn, lúc đó không ai bị thương và con tàu vẫn chưa đắm.

Với kinh nghiệm từng trải cùng sức khỏe trời phú, ông đã cố dùng sức cùng các con bơi về phía mạn tàu rồi níu nhau trèo. Trong khi các con mình thả phao vớt các ngư dân lên thì ông cầm lái, tìm mọi cách hướng mũi tàu chém sóng để tránh bị lật.

"Lúc ấy trời thì mưa như trút nước, sóng cao, cao lắm, đánh tan cả mấy tấm kính buồng lái. Tụi tui ai cũng ướt sũng, lăn lóc như viên bi đói rét, đánh vật với sóng biển một ngày một đêm, rẽ sóng hướng về phía Đông mới thoát chết" - ông Năm nhớ lại.

Thấy các tàu ngư dân đã trở về neo đậu trú bão nhưng cả hơn 10 ngày sau không thấy tàu ông Năm, gia đình và cơ quan chức năng tìm cách kết nối nhưng không có tín hiệu. Khi sóng biển yên bình trở lại, tàu ông Năm vẫn chưa về, dân làng nghĩ ông cùng các thuyền viên đã chết. Lúc này, mẹ và vợ ông gần như tuyệt vọng. Người dân trong xã đã huy động 8 tàu lớn ra biển với hy vọng tìm thấy xác cha con ông cùng các ngư dân nhưng bất thành. Và mấy ngày sau đó, ông và 3 con trai cùng tốp thuyền viên cưỡi sóng lành lặn trở về trong niềm vui vỡ òa của gia đình, làng xóm.

Góp vào câu chuyện, anh Nguyễn Ngọc Châu, người con của ông Năm, kể trong chuyến biển cuối năm 2015, nếu không có cha anh thì tàu đã chìm xuống biển, tính mạng hơn chục người trên tàu chắc cũng không còn.

Lần đó, trên đường từ Hoàng Sa về, anh Châu cầm lái, do mệt nên ngủ thiếp đi. Giật mình tỉnh dậy, anh Châu thấy trước mặt là một con tàu lớn như hòn núi đang lao đến, chỉ cách mũi tàu anh 5 m. Anh Châu chưa kịp hiểu chuyện gì thì ông Năm nhanh trí lao tới giật ga chạy lùi.

Khi ông Năm đánh lái hướng mũi tàu sang phải thì cùng lúc chiếc tàu lớn hùng hổ lao tới, hai mạn tàu va vào nhau sàn sạt nhưng may mắn tàu cá không chìm. Bằng kinh nghiệm của một ngư dân lão luyện, ông Năm tiếp tục lùi tàu ra một khoảng rồi bẻ lái rồ ga chạy về hướng Tây - Bắc với tốc độ cao nhất có thể.

"Nếu không có ba tui nhanh trí thì tai họa ập đến, hơn 10 gia đình trong làng ở Bảo Ninh đã không có Tết rồi" - anh Châu nói.

Tàu là nhà, biển cả là quê hương

Gia đình ông Năm có 3 người con trai thì cả 3 đều theo nghề biển, có tàu riêng. Theo anh Châu, từ nhỏ cả 3 anh em đều được ông Năm dạy dỗ, kèm cặp. Nhiều lần vào sinh ra tử, dựa vào kinh nghiệm mà ông đã đưa mấy anh em thoát chết. Vì vậy, dù 3 anh em đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm nhưng ra khơi mà không đi cùng cha thì thấy lòng không yên. Tuy nhiên, thấy cha đã có tuổi, mấy năm gần đây, anh em vận động ông Năm ở nhà nghỉ ngơi nhưng ông nhất quyết không chịu.

"Ở nhà buồn tay buồn chân lắm chú ơi, không ngâm mình được trong nước biển, tay không buông cần câu, không hít được mùi cá tươi là tui bệnh liền. Không đi với thằng út thì tui cũng đi với thằng cả, thằng cả không cho thì tui đi với thằng hai cho bằng được" - ông Năm vui vẻ phân trần.

Ông Năm nói đi biển vất vả nhất là nghề câu. Bởi ngoài đặc tính làm việc thủ công thì đi câu mất rất nhiều thời gian so với các nghề khác. Đặc biệt, biển càng động thì cá càng ăn nhiều, nên nghề câu thường phải đối mặt với gió bão mới mong có thành quả. Một giàn câu có trên 2.000 lưỡi, mỗi lần thả kéo dài chừng 50 km, ngốn hết 2 tạ mồi. Người có kinh nghiệm, thả hết giàn câu cũng mất 2 giờ, thả xong thì quay sang tìm vị trí đậu tàu để tranh thủ câu cần, đợi thời gian vớt giàn câu lên.

"Nghề câu rất kén ngư trường nhưng tui thích Hoàng Sa vì biển nơi đó lắm cá. Muốn cá cắn câu phải biết tìm đúng vị trí đáy biển có cồn, có rạn. Ngay cả khi định vị được ngư trường, nếu không biết cách đậu tàu thì câu cả đêm cũng chẳng được con nào. Đậu tàu phải tìm đúng vị trí đầu mũi rạn, thả câu xuống nước, kéo lưỡi câu đến vị trí cao nhất của rạn thì kiểu gì cũng trúng to" - ông chia sẻ kinh nghiệm.

Trước khi tạm biệt, khi tôi hỏi về chuyện "nghỉ hưu", ông Năm cười nói chắc nịch: "Phải đi biển chứ không ngứa nghề lắm. Với tôi, tàu là nhà, biển cả là quê hương nên không bao giờ xa được".

Thủ lĩnh tinh thần

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, cho biết ông Nguyễn Văn Năm là người cao tuổi nhất ở xã biển này còn hăng hái ra khơi và là thủ lĩnh tinh thần của ngư dân Bảo Ninh. Sức khỏe, kinh nghiệm và tinh thần quả cảm của ông Năm là cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ vươn khơi để xây dựng Bảo Ninh trở thành xã điểm của Quảng Bình về đánh bắt cá xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tàu bị đâm chìm, lão ngư bơi 1km trong đêm đen vào bờ

Đang cắm trại tại bãi biển Tiên Sa, nhóm sinh viên hoảng hồn khi thấy một người đàn ông lóp ngóp bơi từ biển vào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phúc ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN