Những kiểu nài nỉ khó đỡ khi bị CSGT “vịn” ở TP HCM
Các trường hợp vi phạm đều khai nhận mình còn tỉnh táo vì "chỉ uống vài ba lon bia” nhưng CSGT TP HCM gặp không ít chuyện "dở khóc, dở cười".
Theo chân các đội CSGT đi đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chúng tôi nhận thấy nếu không kiên nhẫn, mềm mỏng và có "nghệ thuật", người xử lý khó có thể giải quyết được những tài xế đã có men trong người.
Nài nỉ và cố thủ
Tối 21-1, Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM).
Lực lượng chức năng đã kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường, đặc biệt là những người có biểu hiện say xỉn. Thời điểm này, CSGT phát hiện ông Q. (44 tuổi, ngụ quận 3) điều khiển xe máy trong tình trạng loạng choạng tay lái nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Kết quả đo nồng độ cồn của người này là 0,439 mg/l khí thở.
Ông Q. (44 tuổi, ngụ quận 3) nài nỉ CSGT bỏ qua với lý lẽ "lương 4 triệu, không có khả năng đóng tiền phạt".
Sau khi nghe thông báo với mức vi phạm này, tài xế sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, giam xe 7 ngày và tước bằng lái xe 23 tháng, người đàn ông ra sức biện minh và nài nỉ CSGT bỏ qua.
"Cả đời tôi không say, hôm nay tôi mới say. Tôi say thì tôi xin lỗi. Nếu đóng 7 triệu đồng thì các anh lấy xe tôi luôn đi. Tôi không thể nào đóng nổi số tiền lớn đó, lương tôi chỉ có 4 triệu đồng thôi" - ông Q. than vãn.
Cứ như thế, sau 30 phút lè nhè, ông Q. vẫn không ký vào biên bản xác nhận vi phạm. Tổ công tác buộc phải nhờ công an phường 8, quận 3 đến hỗ trợ lập biên bản xác nhận vi phạm và tạm giữ phương tiện.
Tối 25-1, Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay Trần Não (phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng, một nam thanh niên vi phạm có mức đo nồng độ cồn vượt 0,5 mg/lít khí thở (mức cao nhất của khung vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy) liên tục nhận được cuộc gọi của bạn bè nài nỉ quay lại để uống "tới bến". Qua điện thoại, nam thanh niên phải nói lời từ chối: "Anh em ở lại chơi, tôi kịch khung rồi".
Theo cán bộ xử lý, với lỗi vi phạm này, người đàn ông sẽ bị phạt 7 triệu đồng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày và bị tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Tối 19-12, Đội CSGT Cát Lái (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế ô tô trên đường Mai Chí Thọ qua phường An Phú (TP Thủ Đức).
Sau khi bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, người đàn ông "cố thủ" trong ô tô đến hết thời gian làm việc tại chốt của CSGT.
Trong gần 2 giờ làm việc, lực lượng chức năng đã tổng kiểm tra hơn 100 ô tô lưu thông qua khu vực. Qua đó, phát hiện 2 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Đáng nói, 1 trường hợp đã "cố thủ" trong suốt thời gian CSGT làm việc tại chốt.
Cụ thể, khoảng 21 giờ, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một người đàn ông đang điều khiển ô tô chở vợ và hai con nhỏ hướng về hầm Thủ Thiêm vi phạm nồng độ cồn trong khí thở.
Kết quả đo nồng độ cồn của người đàn ông này là 0.139mg/l khí thở. Với lỗi này, tài xế sẽ bị phạt 7 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Làm việc với CSGT, người đàn ông thừa nhận trưa cùng ngày có ngồi "lai rai" cùng bạn. Sau đó, người này đã được bạn đưa về nhà nghỉ ngơi, đến lúc tỉnh táo mới điều khiển ôtô chở vợ và 2 con vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng chuẩn bị lập biên bản xử lý vi phạm, người đàn ông bất ngờ lên ôtô chốt cửa, tắt đèn.
Người này thông báo với CSGT do không mang đủ giấy tờ xe nên đề nghị được ngồi đợi người nhà mang giấy tờ đến hiện trường. Khoảng 30 phút sau, do chờ đợi quá lâu, người vợ phải xuống xe xin nước uống cho con vì khát. Trong khi đó, người đàn ông vẫn "cố thủ" ở vị trí lái.
Xử lý phải có... "nghệ thuật"
Một cán bộ CSGT Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết trường hợp người vi phạm nồng độ cồn bất hợp tác, cố thủ trong xe khi CSGT kiểm tra là chuyện hiếm gặp. Trong khi, CSGT không có chức năng cưỡng chế, ra quyết định niêm phong tài sản trên xe nếu người này không có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng.
Kể với chúng tôi, vị này nói do có chút men nên nhiều tài xế lè nhè, cù nhây, thậm chí la ó, bất hợp tác gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Nhiều tài xế dù "tự thú" đã uống rượu, bia nhưng vẫn nằng nặc cho rằng bản thân còn tỉnh táo vì… chưa đủ "đô".
Có trường hợp khi bị CSGT dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn liên tục gọi cho người nhà, tự xưng quen biết CSGT. Sau khi thấy người nhà dù quen biết CSGT cũng không giải quyết được gì thì tìm cách… "bỏ của chạy lấy người", để lại phương tiện cho CSGT tự xử lý.
Ngoài ra, không ít trường hợp người điều khiển phương tiện còn lấy lý do sợ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 nên không hợp tác thổi vào máy đo. Thế nên, CSGT phải mất rất nhiều thời gian để giải thích mỗi người đều được thổi ống riêng để bảo đảm phòng, chống dịch. Thậm chí, CSGT còn đưa ống thổi cho người bị kiểm tra tự tay xé bọc nhựa bên ngoài thì mới chấp hành đo nồng độ cồn.
Vị này cũng nói thêm, thời gian quan, việc tăng cường xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, kết hợp với các biện pháp khác, đã thật sự làm giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông. Từ đó khuyến cáo người dân nên chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Công tác này không làm mất nhiều thời gian của tài xế nhưng bảo đảm được an toàn cho cá nhân và những người cùng lưu thông trên đường.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Cục CSGT, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, trong đó nồng độ cồn là vi phạm...