Những kiểu đón Tết kỳ lạ nhất thế giới
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có cách đón năm mới riêng của mình. Ngoài những truyền thống khá "thuần" ra, trên thế giới cũng tồn tại không ít phong tục đón Tết rất "dị", đem đến đủ mọi cung bậc cảm xúc cho con người.
Vương quốc Anh chào năm mới bằng ê hề rượu thịt
Đánh bài chờ đón giao thừa là truyền thống nghìn đời nay của người dân đảo quốc sương mù. Khi thời khắc thiêng liêng đến, mỗi người viết 3 điều ước lên một mẩu giấy nhỏ, đốt cháy mẩu giấy ấy thành tro rồi hòa tan vào cốc rượu sâm banh của mình. Tất cả cùng nâng ly uống cạn. Họ tin rằng, ít nhất thì sẽ phải có 1 điều ước ấy thành sự thật, với điều kiện không được tiết lộ chúng với bất kỳ ai.
Trong ngày cuối năm, tủ bếp của mọi hộ dân Anh đều chật cứng rượu và thịt, bởi người ta quan niệm rằng, nếu trong ngày đầu năm mà rượu thịt không dư dả thì cả năm sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ, đói khát. Điều thú vị là những cư dân châu Âu này cũng có 2 phong tục giống ở Việt Nam, đó là chọn người xông đất và kiêng quét dọn nhà cửa trong những ngày đầu năm. Người xông đất trong thủ tục "Bước chân đầu tiên" (The First Footing) phải không được có mái tóc màu vàng hoặc đỏ, vì theo quan niệm, đó là hai màu của quỷ sứ.
Một vài đồ vật cũ được gia chủ để ở góc khuất của phòng khách, và người xông đất sẽ tiến thẳng vào, túm lấy chúng đem vứt đi qua cửa sau. Đó là cách họ giúp chủ nhà tống tiễn năm cũ để nghênh đón năm mới. Sau khi làm xong việc này, hai bên mới cất lời chúc tụng, mời mọc nhau. Từ sau thời điểm này, người ta kiêng quét dọn nhà cửa bởi như vậy là quét dọn luôn cả sự may mắn vừa đến với nhà mình. Trong suốt những ngày đầu năm mới, người Anh gần như lang thang suốt ngày ngoài đường chứ ít khi ở trong nhà. Họ tập trung nhảy múa hát ca ở các nơi công cộng, và ăn uống luôn ở đó. Thực phẩm, rượu chè từ nhà được khuân theo, và Tết chỉ hết khi mọi ngăn tủ bếp đều đã trống rỗng.
Người dân thị trấn Talca (Chile) đón năm mới ở... nghĩa trang.
Người Pháp, Đức khá "mê tín"
Không đổ ra đường như các nước khác, cách đón năm mới của người Đức có vẻ khá trầm lặng và có phần… căng thẳng, bởi trong đêm giao thừa, họ sẽ thực hiện việc bói xem năm mới của mình sẽ thế nào. Khi thời điểm 12 giờ đêm trôi qua, mỗi người sẽ nung chảy một miếng thiếc nhỏ hình móng ngựa trên chiếc thìa nhôm, rồi rót nó vào bát nước lạnh. Sau khi miếng thiếc đóng rắn trở lại, họ sẽ vớt nó lên và đoán định tương lai của mình căn cứ vào hình thù mới của miếng thiếc ấy. Đại loại như: hình đồng xu nghĩa là sẽ giàu có, hình chiếc nhẫn nghĩa là sẽ kết hôn, hình chiếc giày nghĩa là sẽ có chuyến đi xa trong năm tới… Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải trong bữa tiệc đêm giao thừa sẽ mang đến sự ổn định về tài chính và sức khỏe.
Người Pháp lại cầu tài lộc bằng cách nhắc nhau nhớ ngậm một đồng tiền vàng trong miệng vào lúc giao thừa, với hy vọng sẽ phát đạt, giàu sang trong năm mới. Tại miền Tây nước Pháp có tục lệ thanh niên nam nữ dắt nhau vào rừng tìm cây tầm gửi trong buổi chiều cuối năm. Anh chàng nào tìm thấy, mang về trước tiên thì được coi là "vua tầm gửi" và suốt ngày mồng 1 Tết sẽ được quyền… ôm hôn những cô gái đẹp đi qua nhà mình. Còn ở thủ đô Paris, người ta lại quan niệm rằng trong lần xuất hành đầu năm mà gặp 1 hoặc 3 người lính thủy thì sẽ may mắn cả năm. Vì thế, ở con phố nào của Paris trong ngày đầu Năm mới cũng có đặt… hình nộm của 1 hoặc 3 người lính thủy, để người dân nào cũng được gặp "thần may mắn" phù hộ cho mình.
Càng đau càng tốt
Thổ dân Maori ở New Zealand có truyền thống… cụng trán nhau thay cho lời chúc mừng năm mới. Cụng càng mạnh, càng đau thì càng nhận được nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Thế nên Tết đến, già trẻ lớn bé của bộ tộc này ai nấy đều bươu trán hết cả. Dù khá đau đớn nhưng mọi người vẫn cười tươi, và chính những người lành lặn mới phải nhăn nhó vì chưa được "hên" bằng bạn bằng bè.
Ở một số đảo thuộc Philippines lại có tục khi gặp nhau vào dịp Tết thì điều trước tiên là phải… cắn vào vai nhau. Cắn càng đau càng biểu lộ tình cảm nồng nàn, gắn bó, thiết tha... Thật đúng là "Yêu nhau lắm, cắn nhau đau". Dễ chịu hơn một chút là tục… cọ mũi vào nhau ở miền đông bắc Ấn Độ. Cũng giống như tục cụng trán hay cắn vai kể trên, cọ mũi càng mạnh thì làm ăn mới gặp nhiều may mắn, suôn sẻ...
Té nước - thông điệp gửi lời chúc tốt lành
Tại Thái Lan và Lào có tục té nước nhau vào ngày đầu năm vì họ cho rằng, nước là nguồn hạnh phúc cho nên đầu năm gặp nhau mừng vài xô nước vào mình để tẩy hết mọi điều xúi quẩy trong năm cũ là tốt nhất. Phong tục này hóa ra lại khá thịnh hành. Ở Myanmar ngày đầu năm, già trẻ, gái trai cũng đều té nước lẫn nhau. Họ cho rằng, quần áo càng ướt bao nhiêu càng may mắn bấy nhiêu. Ở các thành phố lớn, người ta thậm chí còn để sẵn các thùng đựng nước dọc các đường phố. Mọi người có thể thoải mái té ướt nhau dù quen hay lạ, để chúc nhau những điều tốt đẹp. Nghi thức độc đáo này còn xuất hiện ở cả 2 nước châu Âu là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia (Tiệp Khắc cũ), nhưng chỉ dành cho các cô cậu thanh niên tranh thủ tán tỉnh nhau mà thôi. Các chàng trai sẽ té nước vào người cô gái mà anh ta thích. Nếu cũng "khoái", cô gái sẽ té lại như là một cách "bật đèn xanh" cho anh chàng tiến tới cưa cẩm. Còn nếu không ưa đối tượng đó, cô gái sẽ chỉ mỉm cười và tìm cách tránh nước. Chàng trai biết ý, và thôi không té cô này nữa.
Sởn da gà với những phong tục đón Tết kỳ quái
Trong khi đa phần mọi người đều chọn cách ăn uống, chúc tụng, nhảy múa để mừng năm mới thì ở một số nơi, cư dân lại có cách đón Tết theo cách chẳng giống ai, khiến người lạ chỉ nghe kể thôi cũng đủ… lạnh sống lưng. Người Maya và người Aztec (tập trung chủ yếu ở Mexico và Colombia) tin rằng, con người có thể giao tiếp với "linh hồn" của những người thân đã chết, và thời điểm duy nhất trong năm có thể thực hiện được điều này chính là ngày đầu tiên của năm mới, bắt đầu từ thời khắc giao thừa. Ở Mexico có hẳn các trung tâm hợp pháp để người dân đến gọi "hồn". Thông thường, người ta phải bỏ ra 15 USD cho một lần gọi hồn kéo dài khoảng 15 phút, được thực hiện bởi các cô đồng chuyên nghiệp. Để có thể dễ dàng liên lạc với người thân từ thế giới bên kia, từ trước đó mấy hôm, người ta thường đến thăm mộ của người chết, mang theo những hoa cúc vạn thọ và những loại thực phẩm, đồ uống yêu thích của người đó. Theo các tài liệu cổ đại thì truyền thống này đã tồn tại được hơn 3.000 năm nay.
Còn người dân thị trấn Talca (Chile) có nơi đón năm mới hãi hùng nhất đó là… nghĩa trang. Những cánh cổng của tất cả các nghĩa trang trong thị trấn này đều được mở vào đúng 23 giờ ngày 31/12 hằng năm, để mọi người tập trung đón giao thừa cùng nhau bên phần mộ những người thân đã khuất. Truyền thống này được bắt đầu vào năm 1995 khi một gia đình địa phương trèo hàng rào vào nghĩa trang đúng đêm giao thừa để đón năm mới bên mộ người cha của họ. Trong các năm tiếp theo, nhiều gia đình khác cũng hưởng ứng cách đón năm mới kỳ lạ này, bởi họ cùng chung ý niệm rằng không muốn để phần mộ người thân phải lạnh lẽo trong đêm giao thừa. Cho đến nay, thì việc làm này đã trở thành truyền thống của toàn thị trấn. Không những thế, nhiều du khách tò mò còn đổ về đây để trải nghiệm cảm giác mới lạ và không kém phần rùng rợn này.
Ấm áp nhất phải kể đến phong tục đốt bù nhìn của người Ecuador, tiếng địa phương gọi là "Ano Viejo". Đây là một truyền thống độc đáo mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Người Ecuador tin rằng đốt cháy bù nhìn cũng chính là đốt cháy tất cả những điều xấu xa đã xảy ra với họ trong năm cũ, chỉ những điều tốt đẹp là còn lại trong năm mới. Cũng có người cho rằng bù nhìn có thể đuổi vận xấu cũng giống cái cách mà nó đuổi lũ chim hại lúa trên cánh đồng. Người ta có thể mua hoặc tự làm bù nhìn cho gia đình của mình, và dựng nó ở một khoảnh đất trống gần nhà. Bên trên bù nhìn là các mẩu giấy ghi lại những sự việc không hay đã xảy ra, hoặc các đồ vật liên quan đến chúng. Nhiều người thậm chí còn… đấm đá bù nhìn trước khi đốt, như là cách để trút hết bực dọc, phiền muộn của cả năm vừa qua. Đúng 0 giờ đêm giao thừa, người chủ gia đình sẽ nổi lửa đốt bù nhìn, đốt đi cả những điều không hay đã gặp phải. Lửa cháy bù nhìn càng to thì chứng tỏ sang Năm mới họ sẽ càng gặp nhiều may mắn. Khi lửa tàn, người ta quay về nhà và cùng nhau ăn uống linh đình.