Những "kịch bản" ăn xin đầy nước mắt

Vợ chồng con cái bế nhau ra giữa đường khóc lóc xin tiền, cụ già lê lết trong chợ run rẩy xin bố thí, mẹ bồng con đi ăn xin ngoài bến xe… Nhiều người xót thương sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người "bất hạnh" mà không biết đó là những kịch bản được dàn dựng.

Những “số phận” thê thảm

Chiều 22/1, trên phố Trần Duy Hưng – đoạn gần Big C Thăng Long, Hà Nội, nhiều người đi đường chứng kiến cảnh một gia đình trẻ lăn lê giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ cầu xin giúp đỡ. Người vợ run rẩy, trùm khăn gần như kín mặt, người chồng khoảng 30 tuổi, râu ria rậm rạp, gương mặt khắc khổ, bế đứa trẻ trên tay. Với bất cứ ai dừng lại để hỏi thăm, anh chồng đều cất giọng thống thiết kể khổ: Con bị ốm nặng đưa lên Hà Nội chữa trị, chưa khỏi thì mẹ cũng đổ bệnh. Cả nhà khánh kiệt, không có tiền về quê…

“Chiêu bài” tưởng quen thuộc, nhưng cũng đã móc túi được không ít hành khách nhẹ dạ cả tin. Nhiều người dân sống gần đó cũng bị mắc lừa, cất công vượt cả 2 làn xe cộ đông đúc để tới hỏi han, an ủi và chia sẻ với cặp vợ chồng bất hạnh.

Vài tiếng đồng hồ sau, gã chồng rút điện thoại gọi, một lúc thì có người đàn ông đi xe máy tới tạt vào bãi cỏ gần đó. Chỉ đợi có thể, cả 2 vợ chồng bế bổng đứa bé, nhanh chân trèo lên xe, phóng vèo đi.

Những "kịch bản" ăn xin đầy nước mắt - 1

Ăn xin "thời vụ" cũng xuất hiện nhiều ở các lễ hội. Ảnh: GDVN

Vào khoảng 7h tối tại chợ Xanh – Xuân Thủy, Cầu Giấy những ngày gần đây thường xuất hiện một cụ bà rách rưới ôm chiếc rổ nhựa nhỏ xíu đi khắp chợ xin tiền. Ai cho tiền thì nhận, còn hỏi gì bà cũng không nói, ngoài “bà năm nay 83 tuổi”.

Vòng quanh chợ được một lượt, bà cụ lùi vào một ngách nhỏ ngồi lại nhặt tiền, nhét tất cả vào tay nải rồi rẽ vào lối tắt ra cổng sau của ĐH Sư phạm Hà Nội (thông với lối đi trong chợ Xanh). Ở đó, có một chiếc xe ôm đã chờ sẵn, chở cụ phóng vù ra đường Xuân Thủy rồi chạy thẳng theo hướng Hồ Tùng Mậu.

Mẹ khuyết tật bế con mồ côi đi ăn xin


Tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên thường xuyên có một người phụ nữ nhỏ thó, gù lưng bế đứa bé trai khoảng 2-3 tuổi ngồi xin ăn. Cô gái thẫn thờ nhìn vào dòng người và dòng xe cộ tấp nập, thỉnh thoảng cầm chiếc gương, chốc chốc lại đưa gương lên vuốt tóc. Thằng bé oằn lưng, ngủ miết trong tay mẹ.

Gương mặt khắc khổ, mái tóc rối lòa xòa trên gương mặt xương xương xương với hai con mắt trũng sâu, Dương (quê Hưng Yên)– cô gái ăn xin khiến không ít người thương cảm. Dương cho biết mình đã 24 tuổi nhưng thoạt nhìn cô như chỉ 14, 15 với thân hình nhỏ thó, và cái bướu gù lớn trên lưng khiến người cô còng rạp xuống.
 
“Cháu tên là Hoàng Anh, 3 tuổi” – Dương khào khào nói, ánh mắt vẫn lạnh lùng không nhìn vào mặt người đối diện. Cậu bé xinh xắn nhưng ăn mặc rách rưới, ngồi trong vòng tay mẹ trông như chị bồng em.

Dương lặng lẽ kể về hoàn cảnh thương tâm của mình: Mồ côi từ năm 7 tuổi, ở với người dì ruột. Sau đó, dì đi lấy chồng, bỏ cô một mình tự bươn trải kiếm sống. Cô lấy chồng, rồi sinh con, cháu được 4 tháng thì chồng cô mất vì tai nạn giao thông. Con nhỏ, sức yếu, không biết làm gì ra tiền nên người mẹ bồng bế con đi ăn xin, mặc kệ số phận.

Những "kịch bản" ăn xin đầy nước mắt - 2

Ngày nào Dương cũng ra đây ngồi ôm con xin tiền

Dương cho biết cô thuê trọ ở Phúc Xá – Ba Đình, Hà Nội với một cụ già bán hoa quả trong chợ Long Biên.

“Biết đi xin thế này là khổ, nhưng em không muốn vào trung tâm bảo trợ xã hội hay gửi cháu vào đó vì đó không được tự do. Có lần, em đã bị người ta đưa vào trung tâm nhưng ở được vài ngày em phải xin về” – Dương kể.

Một người mẹ khuyết tật, một đứa con thơ ngồi dặt dẹo từ sáng sớm tới tối mịt ở bến xe khiến không ít người thương cảm. Có người cho tiền, có người cho đồ ăn thức uống, cứ thế qua ngày.

Không biết thực hư gia cảnh chị Dương thê thảm đến đâu, nhưng theo quan sát của PV, hằng ngày, cứ khoảng 7h tối hai mẹ con Dương lại gọi một chiếc xe ôm quen để về nhà. Người phụ nữ bé nhỏ, ốm yếu, còng rạp bỗng trở nên hoạt bát nhanh nhẹn lạ lùng. Chị thậm chí còn có thể đứng thẳng, thoăn thoắt ôm đứa trẻ trèo lên xe. Chỉ trong nháy mắt, chiếc xe phóng vút đi, hòa vào dòng xe cộ như mắc cửi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Dung - Minh Tâm (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN