Những khu đô thị ‘vàng’ chưa phát triển giữa trung tâm TP.HCM

Sự kiện: Nhịp sống 24h

“Chinatown” ở quận 5, khu Bàn Cờ quận 3 hay khu Mả Lạng - Cống Quỳnh quận 1… là những khu đô thị tiềm năng phát triển còn sót lại của trung tâm TP.HCM.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 mà UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP đánh giá quận 1 là quận mang màu sắc và kiến trúc Pháp thời Đông Dương, là một loại không gian đô thị rất đặc thù, không phải bản địa, cũng không hoàn toàn là Pháp.

Đây là khu vực được cho là hấp dẫn nhất của TP.HCM, đặc biệt đối với người Việt cũng như du khách. Cấu trúc khu này bao gồm khu trung tâm phố Pháp kết nối rất chặt chẽ, từ không gian đô thị, hạ tầng tới kiến trúc và không gian dân cư lịch sử hiện hữu phía Tây đường Cách mạng tháng Tám và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

“Tuy nhiên, khu vực ở quận 1 còn chưa phát huy hết tiềm năng của khu đô thị truyền thống là khu vực Cống Quỳnh - Mả Lạng (nằm gần trung tâm nhưng chất lượng đô thị thấp)”, đồ án nêu.

Gần trung tâm nhưng chất lượng đô thị thấp

Thật vậy, “lọt thỏm” giữa không gian sầm uất của quận 1, khu Mả Lạng hiện nay có hàng trăm hộ dân sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, đa số những căn nhà có diện tích chỉ hơn 10m2 mà có đến 3-4 người ở, một số căn nhà còn dưới 10 m2.

Len vào một con hẻm tại đường Nguyễn Trãi, nhiều căn nhà nhỏ, cũ kỹ, xuống cấp, ẩm thấp, hẻm nhỏ có đoạn chỉ đủ một chiếc xe máy lọt qua. Nỗi lo khi mới đặt chân vào khu vực này là vấn đề phòng cháy chữa cháy, hẻm quá nhỏ nên việc thoát khỏi khi có sự cố là điều khó khăn. Thậm chí nhiều gia đình còn kê bếp trước cửa để nấu ăn.

Anh Nguyễn Hữu Toàn (đường Nguyễn Trãi, quận 1), cho biết đã sống cùng bốn thành viên trong căn nhà tầm 15m2 nhiều năm. Phần lớn những căn nhà ở đây có diện tích 15-20m2, nhiều căn diện tích nhỏ hơn 10m2 nhưng gia đình rất đông nhân khẩu. Đa số người dân ở đây đều lao động chân tay, hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà mấy thế hệ mới ở cùng nhau trong căn nhà quá chật chội, ánh nắng không thể len vào trong. Bên cạnh đó vấn đề cháy nổ cũng là nỗi lo của người dân nơi đây.

"Địa phương cũng có hướng dẫn người dân về phòng cháy chữa cháy, mà hẻm nhỏ xíu thì đường nào mà chạy khi có cháy. Nhà san sát, dân đông, nghe mấy vụ cháy liên tục tụi tui cũng sợ lắm, mà nghèo quá tiền đâu mua nhà chỗ khác để ở"- anh Toàn nói.

Cô Phước (đường Nguyễn Trãi, quận 1) hơn 60 tuổi có mấy chục năm ở đây cho biết, nhiều lần địa phương cũng có quyết định thu hồi đất, rồi sau đó thông báo không thu hồi nữa, dân ở đây không biết sao để tính toán, có đi hay ở.

"Khổ thì ở riết cũng quen, nhưng cũng phải rõ ràng cho dân biết là tương lai chúng tôi sẽ như thế nào. Lúc vầy lúc khác chúng tôi không biết sao để tính. Ai cũng muốn cho mình có cuộc sống tốt hơn, vậy mà mấy mươi năm nay cứ thay đổi liên tục", cô Phước bộc bạch.

Khu Mả Lạng, quận 1 với nhiều nhà chật hẹp, ngõ nhỏ, ẩm thấp dự kiến sẽ được "khoác áo mới" trong thời gian tới. Ảnh: K.C

Khu Mả Lạng, quận 1 với nhiều nhà chật hẹp, ngõ nhỏ, ẩm thấp dự kiến sẽ được "khoác áo mới" trong thời gian tới. Ảnh: K.C

Nhiều khu tiềm năng phát triển chưa xứng tầm

Ngoài khu Mả Lạng, quận 1, một khu vực cũng được xem là có cơ hội phát triển vượt bậc, nét chấm phá cho quận 3 là khu vực quanh phố chợ Bàn Cờ. Khu vực xung quanh phố chợ Bàn Cờ giới hạn bởi đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thái Tổ được đánh giá có giá trị đặc biệt cao.

“Đây là khu vực cũng có cấu trúc chia ô bàn cờ kết nối tốt với xung quanh, tỉ lệ thương mại dịch vụ trong khu vực khá cao, chiếm đến khoảng 60%. Hệ thống đường giao thông được chia nhỏ đến từng dãy công trình, hệ thống đường hẻm có mặt cắt nhỏ (5-7m) không có vỉa hè, tốc độ giao thông nhỏ. Chính vì vậy toàn bộ không gian giao thông trong khu vực được coi như một hệ thống không gian quảng trường công cộng, có dịch vụ hai bên sẽ tạo thành khu phố chợ rất sầm uất”, đồ án phân tích.

Trong các báo cáo trước đó của đồ án thì khu Bàn Cờ thậm chí còn được xem là khu phố Bùi Viện 2 của TP.HCM nếu được tổ chức và phát triển tốt.

Ngoài các khu này, một địa điểm không gian nổi tiếng mà TP.HCM có thể khai thác là khu “Chinatown” quận 5. Bản chất của quận 5 là một vùng chợ lớn, khu vực Chợ Lớn từ lịch sử là một trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, dạng phố chợ, đồng thời là một Chinatown (khu ở tập trung đông người gốc Trung quốc).

Một địa điểm không gian nổi tiếng mà TP.HCM có thể khai thác là khu “Chinatown” quận 5. Ảnh: NGUYỆT NHI

Một địa điểm không gian nổi tiếng mà TP.HCM có thể khai thác là khu “Chinatown” quận 5. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Đặc biệt, đây là một khu Chinatown rất lâu đời, đặc thù và vẫn là điểm kết nối với Trung Quốc và các đối tác tiếng Trung về mọi lĩnh vực, từ kết nối làm ăn, kinh doanh, dòng hàng hoá và điểm đến của du lịch tiếng Trung”, đồ án cho biết.

Một loạt cơ sở dịch vụ hạ tầng xã hội lớn cấp thành phố và vùng như bệnh viện, đại học được tập trung trung ở đây, dọc theo các tuyến giao thông chính như Hồng Bàng, Nguyễn Chí Thanh, ngoài ra còn có các cơ sở kho tàng, công nghiệp với quỹ đất khá lớn…Do đó, đây là một cực động lực về kinh tế của thành phố, đồ án nói rõ.

“Quận 5 có tiềm năng trở thành một điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế, dưới dạng một Chinatown còn khá đậm bản sắc và sinh động. Đây là đầu mối giao thương và giao diện quốc tế với toàn bộ cộng đồng ảnh hưởng văn hoá Hán ở Châu Á. Nên lấy vai trò đầu mối giao thương và giao diện quốc tế với toàn bộ cộng đồng ảnh hưởng văn hoá Hán ở châu Á làm định hướng chủ đạo”, đồ án đề xuất.

Bên cạnh đó, đồ án cũng đề xuất nên khai thác tốt, phù hợp quỹ đất của Tổng đài Ra Đa (có cư xá ra đa) ở quận 6 (khu vực sát vòng xoay Phú Lâm, nơi có diện tích khoảng 5ha).

Hay khu C30 quận 10 là khu vực nằm trong trung tâm lịch sử tuy nhiên chưa được khai thác với chức năng đô thị mà mang nhiều tính chất của khu đô thị tái phát triển từ đất hạ tầng, đất công nghiệp.

Với hạ tầng sẵn có là Trung tâm bưu chính liên tỉnh khu vực 2 và quỹ đất có khả năng tái phát triển, khu C30 có tiềm năng trở thành một trung tâm việc làm, dịch vụ, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, kết hợp với Đại học Bách Khoa ngay bên cạnh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, chia sẻ vào năm 2000, TP đã có chủ trương chỉnh trang khu Mả Lạng, đã giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó công ty này đã không thể thực hiện. Đến năm 2007, TP đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Bitexco đầu tư để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại nhưng dự án này cũng không thực hiện được sau nhiều năm.

Tháng 3-2023, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã có kết luận về việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1 đã thu hồi huỷ bỏ 1.424 thông báo thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Lý do thu hồi, hủy bỏ là do không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh theo các căn cứ pháp luật dự án đầu tư trước đây và quy định xử lý chuyển tiếp tại Luật đầu tư năm 2014 và Luật đầu tư năm 2020.

Theo quyết định này, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, UBND phường Nguyễn Cư Trinh sẽ giao quyết định thu hồi, hủy bỏ thông báo thu hồi đất cho hộ gia đình, các nhân, các tổ chức có liên quan. Theo đó, người sử dụng đất tại đây sẽ được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

TP HCM - Hàng trăm căn nhà siêu nhỏ, lụp xụp với nhiều thế hệ chung sống, những con hẻm được tận dụng để làm nơi nấu ăn, rửa chén… là những gì đang diễn ra tại khu Mả Lạng, quận 1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KIÊN CƯỜNG - NGUYỄN CHÂU ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN