Những "hộp diêm" đáng sợ
Nhiều căn phòng chật chội, kín mít như "hộp diêm" gối lên nhau là thực tế rất đáng lo, bởi nếu có hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường
Ngày nào bà H. (69 tuổi, làm nghề bán vé số) cũng vịn lan can lên xuống những bậc thang với bề rộng vừa đủ cho một người trong nhà trọ cao tầng ở hẻm 5, đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM. Với tuổi của mình, chỉ gặp một người bước từ hướng ngược lại, việc nép vào, lách qua đối với bà đã rất khó nhọc.
Sống trong phập phồng
Nơi bà H. thuê trọ có 4 tầng, mỗi tầng chia thành nhiều phòng diện tích trên dưới 10 m2, sắp xếp như những "hộp diêm" gối lên nhau. Lối đi lại giữa các tầng hẹp và tối, ban công dù có nhưng bị che chắn bởi nhiều vật dụng bằng nhựa, mút, xốp. Vì gần bệnh viện, khách thuê chủ yếu là người bệnh cùng thân nhân với thỏa thuận theo giờ, ngày hoặc dài ngày. Nơi thoát hiểm duy nhất của nhà trọ là cửa ra ở tầng trệt.
Bà H. cho biết ở đây được 1 năm, trước bà chọn vì rẻ và tiện qua lại để chữa bệnh. Giờ khỏi bệnh, bà tiếp tục bám trụ đi bán vé số.
"Mẹ con tôi thuê ở đây theo ngày, hôm nào không có tiền thì ở tạm bên ngoài. Ở đây có vài chục khách thuê, nấu nướng được bố trí ở tầng trệt, mỗi tầng đều có bình cứu hỏa nhưng nếu chẳng may xảy ra cháy, nổ thì không biết thế nào?" - bà H. kể và cho biết chỗ bà ở là một trong nhiều nhà trọ cao tầng trong khu vực có mối nguy như vậy.
Một “hộp diêm” tại nhà trọ trên đường Nơ Trang Long
Nhìn đâu cũng lo
Theo tìm hiểu, tại TP HCM, những nơi người dân có tâm trạng phập phồng, bất an trước "bà hỏa" như tại hẻm 5, đường Nơ Trang Long không hiếm. Chỉ trong thời gian ngắn chạy qua nhiều địa phương, phóng viên đã phát hiện nhiều điểm rất nguy cơ.
Như một nhà trọ trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM. Công trình này có 5 tầng, 5 phòng với chừng 15 m2 mỗi phòng. Không gian đi lại giữa các phòng bị đặt nhiều đồ đạc, quần áo phơi lộn xộn và không hề có bình chữa cháy. Lối đi, cũng là lối thoát hiểm duy nhất ở đây, là cầu thang bộ bằng sắt đặt ngoài trời nhưng hẹp và trơn.
Phòng trọ 5 tầng trên đường Kha Vạn Cân
Hay ở đường Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình, nơi tập trung nhiều nhà cho thuê trọ. Liên hệ với một phụ nữ tên V. để xem phòng ở hẻm 104 của đường này, chúng tôi được dẫn vào căn nhà 4 tầng. Cầu thang lên các tầng rộng hơn 1 m, các tầng được chia thành nhiều phòng dạng căn hộ mini.
Nhiều nơi trọ phóng viên tới đa phần chỉ đi chung ở cầu thang, không có lối thoát hiểm thứ hai. Thực tế cho thấy nhiều người đang sống trong các phòng trọ cao tầng lo lắng về vấn đề an toàn PCCC và hiểm họa cháy, nổ. |
Theo quan sát, phía trước căn nhà là những ô được dựng lên bằng thép, nhô ra như "chuồng cọp". Tầng trệt là nơi để xe máy với hàng chục phương tiện dựng sát nhau. Buổi tối, bãi giữ xe sẽ được hạ cửa cuốn để chống trộm. Trước lo ngại của chúng tôi, bà V. trấn an rằng công trình được thiết kế an toàn, mỗi tầng đều có bình chữa cháy nên "cứ yên tâm".
Cách đó không xa là căn nhà 5 tầng khác được phân thành nhiều phòng để cho thuê. Cũng trong vai người có nhu cầu, phóng viên được người đàn ông tên H. dẫn đi xem phòng. Nhắc đến vấn đề cháy nổ, ông H. cũng nói chắc nịch "ở đây an toàn". Tuy nhiên, chỉ bằng trực quan, phóng viên phát hiện chỗ này không có lối thoát lên trên, cầu thang chỉ đủ cho một người đi, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) và không gian sinh hoạt bị tận dụng triệt để.
Theo người ở trọ tại đây, khi tới thuê, họ không được chủ nhà phổ biến về an toàn PCCC, không biết bình chữa cháy được đặt ở đâu và liệu có không.
Cư dân chung cư Ngô Gia Tự cho biết ở đây bình chữa cháy cũng hiếm
Nhiều chung cư nguy không kém
Không riêng phòng trọ cao tầng, nhiều chung cư cũng mang mối nguy tương tự. Đơn cử như chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10). Theo đó, công trình được xây dựng từ năm 1968, gồm 16 lô, nay đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều năm qua, không gian chật hẹp nên nhiều hộ dân đã cơi nới phần ban công để tận dụng diện tích, hành lang cũng được dùng để kê đồ đạc. Trong khi đó, cư dân than phiền khu vực cầu thang không có bình chữa cháy, hầu hết các hộ cũng không có.
"Theo dõi vụ cháy ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng thấy thật sự thương tâm. Nghĩ tới chỗ ở của mình, tôi bất giác có cảm giác rờn rợn" - ông Huỳnh Hòa, sống nhiều năm tại đây, nói.
Liên quan tới mối nguy hỏa hoạn ở chung cư, từ cuối tháng 6-2023, tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội thành phố, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, nêu đích danh 25 chung cư không bảo đảm về an toàn PCCC, chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Trong đó, nhiều chung cư cao cấp, đông cư dân; có chung cư né tránh khắc phục vi phạm an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Đến cuối tháng 9-2023, phóng viên quay lại một số điểm được nhắc tên. Nơi đầu tiên là căn hộ Mỹ Vinh, phường Võ Thị Sáu, quận 3. Chị T., cư dân ở đây, nói không lạ trước thông tin chung cư chưa tiến hành nghiệm thu về PCCC. Theo chị T., hiện chung cư không có ban quản trị, hệ thống PCCC cũng chẳng đâu vào đâu. Năm 2019, khi chung cư Carina, quận 8 bị cháy gây thiệt hại nghiêm trọng thì chủ đầu tư mới gắn thiết bị báo cháy ở phòng khách nhưng bình chữa cháy thì chẳng thấy đâu.
"Có nhiều sai phạm tại chung cư nhưng đến nay chủ đầu tư không có động thái phản hồi rõ ràng. Cư dân luôn sống trong thấp thỏm, lo sợ cháy, nổ nên tôi mong có chế tài xử lý những chủ đầu tư chây ì, đừng để mất bò mới lo làm chuồng" - chị T. bức xúc.
Bà Trần Thị Năm - 55 tuổi, cư dân chung cư New City, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP HCM - tỏ ra bất ngờ trước thông tin chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC.
Sống ở đây 3 năm qua nhưng bà Năm cho hay không biết hệ thống PCCC hoạt động được không. "Giờ biết chung cư chưa bảo đảm an toàn PCCC cũng thấy sợ" - bà Năm nói.
Trên 1.500 cơ sở vi phạm Chiều 28-9, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết mới đây công an các địa phương đã kiểm tra 10.000 cơ sở, phát hiện, xử lý 1.541 cơ sở vi phạm về PCCC với tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, tạm đình chỉ 3 cơ sở. Những cơ sở này gồm chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ... Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, việc kiểm tra, xử lý được thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ theo các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu. P.Anh |
Ám ảnh tăng theo thời gian Có mặt tại chung cư La Bonita (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM), cư dân sống tại đây cho biết có nhiều nỗi bất an về an toàn PCCC. Nhiều năm nay, thời gian trôi đi bao nhiêu là nỗi ám ảnh về cháy, nổ nhiều lên bấy nhiêu. Theo chia sẻ của cư dân, năm 2018, chủ đầu tư vướng vòng lao lý nên tòa nhà không thể hoàn công ở nhiều hạng mục như PCCC, hệ thống điện, xử lý chất thải... Khu vực tầng hầm để xe đang xây dựng dang dở, hệ thống ánh sáng khá yếu nên họ rất lo ngại về an toàn PCCC tại đây. Cư dân chung cư La Bonita luôn thấp thỏm nỗi lo cháy, nổ Theo ghi nhận tại hầm giữ xe cho thấy hệ thống điện giăng mắc, câu nối chằng chịt, nhiều cầu dao điện lộ ra gây nguy hiểm khi ngay bên dưới là cả trăm xe máy để lộn xộn. Ở các tầng tủ PCCC không có vòi và bình chữa cháy, cửa thoát hiểm rộng chưa đến 1 m, nhiều cầu thang thoát hiểm cũng dựng đứng và rất tối, khó di chuyển khi cháy, nổ. "Chúng tôi nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng để tìm giải pháp nhưng đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm. Cư dân thì thấp thỏm lo sợ cháy, nổ" - một người dân chia sẻ. |
(Còn tiếp)
Ngày 26/9, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chung cư mini biến tướng: Giải pháp nào để an toàn cho người dân?”, nhằm đánh giá thực trạng phát triển chung cư mini...
Nguồn: [Link nguồn]