Những hình ảnh xúc động trong mùa Vu Lan báo hiếu
Hàng ngàn người đã đổ về chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình) để tỏ lòng thành kính tổ tiên, tưởng nhớ công ơn cha mẹ trong Đại lễ Vu Lan báo hiếu.
Những giọt nước mắt rơi khi nhớ về mẹ trong Đại lễ Vu Lan báo hiếu
Đêm (6/8), tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình), Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức “Đại lễ Vu Lan báo hiếu”. Buổi lễ đã thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử trong vùng cũng như đông đảo phật tử Hà Nội có mặt.
Đại lễ tại diễn ra các nghi thức tâm linh như lễ tiếp linh, lễ cúng phật – quy vong, lễ tụng kinh cầu siêu, lễ cấp mã cho vong, cúng thí thực cô hồn, niệm phật cầu gia bị, dâng y cúng dàng chư tăng,..và đặc biệt là nghi lễ “bông hồng cài áo”.
Dù già hay trẻ, trai hay gái, đến dự lễ Vu Lan đều thành kính khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc vì "còn cha còn mẹ là còn tất cả", còn đoá hồng màu trắng thể hiện nỗi buồn, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung của người đã mất cả cha mẹ.
Tại buổi lễ, những lời cảm niệm về cha mẹ và hình ảnh cài hoa hồng đã làm nhiều người xúc động khi nghĩ về mẹ cha và đâu đó những giọt nước mắt hối hận khi nhớ lại những lỗi lầm đã gây ra khiến cha mẹ phải buồn lòng, phiền muộn.
Lễ Vu Lan, không chỉ dành riêng cho người con Phật mà đã trở thành ngày lễ văn hóa tình người của dân tộc. Lễ cài hoa hồng được xem là một phần nghi thức quan trọng, bởi lẽ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng khi được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm trong ngày Vu lan báo hiếu.
Cùng đó là nghi thức thả đèn hoa đăng cầu siêu độ vong linh, nhằm thắp sáng những giá trị tinh thần, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngoài ra, việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau.
Những hình ảnh cảm động trong đêm Đại lễ báo hiếu Vu Lan:
Lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ như truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Lễ Vu Lan không chỉ dành riêng cho người con Phật mà đã trở thành ngày lễ văn hóa tình người của dân tộc.
Những lời chia sẻ về công ơn sinh thành, giáo dưỡng của hai bậc sinh thành trong Đại lễ Vu Lan làm nhiều người bồi hồi nhớ về những ngày tháng hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ.
Chị Đỗ Kim Hương (Hà Nội) không thể ngăn dòng nước mắt khi nhớ về mẹ, chị tâm sự: "Mẹ tôi mới mất được hơn một năm. Mẹ tôi an nghỉ ở đây, tôi cảm tưởng như được gặp mẹ trong giây phút thiêng liêng này"
Bà Nguyễn Thị Hà (Hòa Bình) tâm sự trong dòng nước mắt chảy dài trên gò má, chỉ nói nên được những lời ngắn ngủi "thương mẹ, nhớ mẹ"....
"Mẹ tôi đã mất khi tôi mới lên 9 tuổi nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh của mẹ", bà Hà xúc động nói.
Bà Dương Thị Nhượng, 52 tuổi (Hà Nội) tâm sự: "Nghe những lời nói về công ơn của hai đấng sinh thành, tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi đã làm mẹ, làm bà nên tôi càng nhớ, cảm phục những tình cảm của mẹ mình giành hết cho con khi mẹ còn sống".
"Bông hồng cài áo” là một trong những hành động đầy ý nghĩa trong ngày lễ Vu Lan. Đây được xem là một phần nghi thức quan trọng, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng khi được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm trong ngày Vu Lan báo hiếu. Trong nghi lễ “bông hồng cài áo”, mỗi màu của bông hồng lại mang một ý nghĩa riêng
Những ai đẵ mất cha, mất mẹ sẽ được cài lên ngực áo bông hồng màu trắng
Những ai còn cha mất mẹ hay còn mẹ mất cha sẽ được cài lên ngực bông hoa hồng màu phớt hồng.
Những ai còn cha, còn mẹ sẽ được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ. Đây có lẽ là những ngời hạnh phúc nhất
Các em nhỏ vui sướng được gắn một bông hồng màu đỏ trên ngực
Kết thúc buổi lễ là ghi thức "thả đèn hoa đăng". Mỗi người đều cầm trên tay 1 đèn hoa đăng để tham gia nghi lễ thả đèn
Việc thả đèn hoa đăng xuống dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên, thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau.
Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.