Những gián điệp ngoại cảm triệu đô của CIA

Những người tham gia chương trình gián điệp ngoại cảm của Mỹ được yêu cầu sử dụng khả năng “nhìn xa” của mình để phát hiện các căn cứ bí mật của Liên Xô cách hàng ngàn cây số.

Trong lịch sử loài người, thế giới tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến con người vừa sợ hãi vừa khao khát muốn khám phá. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chúng ta vẫn chưa giải thích được thấu đáo về việc có hay không thế giới tâm linh. Chính bởi thế, những nhà ngoại cảm, những người được cho là có khả năng giao tiếp với thế giới đầy bí ẩn này đã luôn được các quốc gia trên thế giới, từ những nước kém phát triển cho tới những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao như Nga, Mỹ, Anh... coi là những đối tượng đặc biệt cần nghiên cứu để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những dự án nghiên cứu về khả năng ngoại cảm của các quốc gia này từng rất thịnh hành trong thế kỷ 20.

Sau khi nắm được thông tin Liên Xô đang triển khai chương trình nghiên cứu năng lực ngoại cảm của con người để ứng dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, Mỹ không thể khoanh tay chịu thua trên mặt trận vô hình này, và cuộc đua trên mặt trận ngoại cảm của Mỹ cũng bắt đầu.

Từ lâu, Phòng Nghiên cứu Dự án Phòng vệ Tiến bộ Mỹ (DARPA) đã nổi tiếng trong việc thách thức mọi giới hạn của khoa học và công nghệ trong quá trình tìm kiếm những phương thức đem lại ưu thế tuyệt đối về công nghệ quân sự cho nước Mỹ, chẳng hạn như dự án nghiên cứu động vật robot, các phương tiện tự lái hay nhiên liệu máy bay sinh học.

Tuy nhiên, ít người biết được rằng cơ quan này đã thực hiện một dự án nghiên cứu lớn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh về khả năng ứng dụng các hiện tượng siêu nhiên như “khả năng ngoại cảm” phục vụ cho mục đích quốc phòng để tạo ưu thế cho Mỹ trước kình địch Liên Xô cũng như để chống lại những vũ khí “ngoại cảm” mà Liên Xô đang nghiên cứu và phát triển.

Trong quá trình hợp tác nghiên cứu với tổ chức tư vấn RAND ở Washington, DARPA cho rằng công trình nghiên cứu ngoại cảm mà Liên Xô đang thực hiện đã chú trọng vào khoa học vật lý, kỹ thuật và các kết quả định lượng, trong khi đối thủ Mỹ chỉ đầu tư nghiên cứu sâu hơn nhằm khám phá bộ não của con người.

Trong một nghiên cứu do DARPA thực hiện năm 1973 với tựa đề “Hiện tượng Siêu nhiên”, cơ quan này đã kết luận: “Mỹ đã thất bại trong việc thúc đẩy nghiên cứu các hiểu biết về hiện tượng siêu nhiên.”

Các tác giả của báo cáo này đã lo ngại rằng Liên Xô sẽ giành thắng lợi trong cuộc đua sử dụng sức mạnh siêu nhiên để đạt được ưu thế về quân sự giống như chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ nhiều thập kỷ trước khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik đầu tiên vào vũ trụ.

Các chuyên gia phân tích của RAND đi đến kết luận: “Nếu như các hiện tượng siêu nhiên có tồn tại, rõ ràng là nghiên cứu của Liên Xô có sức mạnh vượt trội hơn trong việc khai thác, kiểm soát và ứng dụng hơn nghiên cứu của Mỹ.”

Đó chính là lý do mà người Mỹ đã tích cực thúc đẩy chương trình nghiên cứu năng lực ngoại cảm nhằm bắt kịp Liên Xô trên mặt trận này. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của một chương trình nghiên cứu đồ sộ trong suốt một thời gian dài mang tên “Star Gate” mà chính phủ Mỹ đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức và tiền bạc để xây dựng.  

“Star Gate” là mật danh đặt cho một chương trình nghiên cứu khả năng ngoại cảm phục vụ cho hoạt động tình báo của Mỹ, bao gồm nhiều tiểu dự án khác nhau với sự tham gia của Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cục Tình báo Quốc phòng (DIA) và nhiều cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ cùng hợp lực tiến hành trong suốt thời gian hàng chục năm.

Những gián điệp ngoại cảm triệu đô của CIA - 1

Biểu tượng chương trình Stargate của Mỹ

Những tài liệu được giải mật năm 1995 của CIA cho thấy họ đã xây dựng một chương trình huấn luyện công phu mang tên “Thấu thị” nhằm giúp các cá nhân tham gia chương trình này có khả năng nhìn thấu những hoạt động đang diễn ra từ xa và cả các sự kiện diễn ra trong tương lai.

Chương trình huấn luyện nghe như chuyện viễn tưởng này đã được bí mật thử nghiệm và triển khai nhằm thu thập dữ liệu về các hoạt động gián điệp ở nước ngoài, phục vụ cho các chiến dịch chống khủng bố, thăm dò các căn cứ quân sự ở nước ngoài và phát hiện các hầm tên lửa của đối phương.

Trong chương trình này, các chuyên gia CIA cho rằng một số người có những năng lực tâm linh cố hữu, và họ sẽ giúp các cá nhân này khai thác năng lực hay “quyền năng” đặc biệt này vào mục đích thu thập những thông tin tình báo có giá trị nhất.

Cuộc thử nghiệm đầu tiên được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Stanford (SRI), nơi CIA thực hiện hàng loạt cuộc điều tra về năng lực tinh thần của con người vượt quá các giới hạn về thời gian và không gian. CIA và các cơ quan khác của chính phủ Mỹ đã bỏ ra rất nhiều tiền để tài trợ cho công trình nghiên cứu này của SRI.

Cha đẻ của chương trình nghiên cứu tuyệt mật này là Russell Targ, Hal Puthoff và Ingo Swann, và nhiệm vụ của họ là tìm hiểu các khả năng tâm linh của con người để sử dụng vào việc thu thập thông tin tình báo đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những người này tin rằng con người có thể nhanh chóng học được khả năng thấu thị, và có thể tích hợp khả năng hiểu biết về thế giới hiện tại và tương lai vào cuộc sống của họ.

Những người tham gia dự án này được gọi là “Gián điệp Ngoại cảm”, và nhiệm vụ của họ là sử dụng khả năng “nhìn xa” của mình để phát hiện các căn cứ bí mật của Liên Xô cách đó hàng ngàn cây số, xác định các nạn nhân trong cuộc khủng hoảng con tin ở Israel, tìm ra địa điểm các tên lửa Scud trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất…

Những gián điệp ngoại cảm triệu đô của CIA - 2

Russell Targ, một trong những người triển khai dự án tuyệt mật Stargate

Năm 1974, sau một thời gian triển khai chương trình, Russell Targ tổ chức một cuộc “trình diễn” khả năng ngoại cảm dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo CIA. “Gián điệp Ngoại cảm” được lựa chọn để biểu diễn là Pat Price, một sĩ quan cảnh sát về hưu. Ông này được cho biết tọa độ của cái được cho là một cơ sở thử nghiệm vũ khí bí mật của Liên Xô ở vùng Siberia và được yêu cầu mô tả về địa điểm đó.

Sau khi tập trung tinh thần để đạt được khả năng “thấu thị”, Price đã mô tả rằng ông nhìn thấy những “cần cẩu khổng lồ” và mô tả một vài đặc điểm bên trong và bên ngoài của cơ sở thử nghiệm vũ khí này.

Các quan chức CIA đã ấn tượng với kết quả của cuộc thử nghiệm này đến mức họ phải mở cuộc điều tra xem các thông tin an ninh quốc gia có bị rò rỉ hay không, và sau đó đồng ý cấp ngân sách lên đến 750.000 USD để tiếp tục thực hiện dự án “Star Gate” trong vòng 15 năm nữa.

Tuy nhiên, sau thành công “không thể kiểm chứng” này, dự án “Star Gate” tuy ngốn rất nhiều ngân sách nhưng kết quả thu về hầu như không có gì. Các quan chức CIA rất sốt ruột và mong muốn được chứng kiến những kỳ tích ngoại cảm khác, song “ngôi sao ngoại cảm” Pat Price cũng không đem đến nhiều hy vọng cho họ.

Cũng trong thời gian đó, chính trường nước Mỹ trở nên rối ren với vụ bê bối nghe lén Wartergate làm sụp đổ sự nghiệp của Tổng thống Richard Nixon, trong đó sự dính líu của CIA cũng bị dư luận chỉ trích nặng nề khiến các lãnh đạo của cơ quan tình báo này không còn mặn mà với chương trình “gián điệp ngoại cảm”.

Từ 22 gián điệp ngoại cảm và nhân viên quân sự chuyên cung cấp thông tin ban đầu, số nhà ngoại cảm tham gia vào dự án này giảm xuống chỉ còn 3 người khi nó chính thức đóng cửa vào năm 1995. Báo cáo đánh giá cuối cùng của CIA được thực hiện cho thấy các thông tin mà “gián điệp ngoại cảm” cung cấp phần lớn đều mơ hồ và chung chung về bản chất.

Báo cáo đánh giá này cho thấy mặc dù các "gián điệp ngoại cảm" đã cung cấp được một số thông tin đúng, song tỉ lệ thành công của họ không hề cao hơn xác suất đoán mò của những người bình thường không có năng lực gì đặc biệt.

Dựa trên các kết luận này, CIA đã quyết định chấm dứt dự án Stargate vốn đã tiêu tốn của nước Mỹ 20 triệu USD với lý do thiếu bằng chứng thuyết phục cho thấy chương trình này mang lại bất cứ giá trị nào cho cộng đồng tình báo Mỹ.

Joseph McMoneagle, một cựu “điệp viên ngoại cảm” trong chương trình Stargate của Mỹ cay đắng nhận xét: “Quân đội Mỹ chưa bao giờ có một cái nhìn thực sự cởi mở đối với vai trò của các nhà ngoại cảm”, và trong quân đội Mỹ vào thời kỳ đó cũng có một câu nói rất phổ biến, đó là: “Tôi không muốn chết bên cạnh một nhà ngoại cảm!"

_________________________

Bộ Quốc phòng Anh đã chi 18.000 bảng cho một dự án nghiên cứu lớn về ngoại cảm, trong đó có việc thử nghiệm bịt mắt các tình nguyện viên và yêu cầu họ “nhìn ra” những vật dụng để bên trong một chiếc phong bì màu xám dán kín. Chi tiết về chương trình này, mời bạn xem trong bài đăng vào tối 31/10/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN