Những giải Ig Nobel hài hước nhất thế giới
Những phát minh đầy hài hước được trao giải Ig Nobel khiến người ta phải bật cười và suy ngẫm.
Ngày 19/9, giải Ig Nobel lần thứ 24 đã được tổ chức tại Đại học Havard, Mỹ để “vinh danh” những nhà nghiên cứu, những phát minh khoa học buồn cười nhất, thú vị nhất những cũng đáng để suy ngẫm nhất.
Một lễ trao giải Ig Nobel
Sau đây là tổng hợp những giải Ig Nobel hài hước nhất từng được trao cho các nhà nghiên cứu và thậm chí là cả một chính phủ trong suốt 24 năm qua
1. Súng phun lửa chống trộm trên xe ô tô
Sau một lần bị mất xe ở Johannesburg, Nam Phi vào năm 1998, hai nhà khoa học Charl Fourie và Michelle Wong đã phát minh ra một loại thiết bị chống trộm có thể khiến những kẻ trộm cướp gặp “đen” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Vũ khí lợi hại chống trộm cướp của ô tô
Thiết bị mang tên Blaster này phụt ra một luồng lửa cực mạnh từ bên sườn xe khi chủ nhân nhấn một cần đạp đặc biệt. Ngọn lửa cực nóng này được tạo thành từ khí hóa lỏng được đặt ở dưới gầm xe và được đốt cháy trong một chiếc ống kim loại. Năm 1999, hai nhà phát minh trên được trao giải Ig Nobel với “vũ khí chống trộm” mà không phải ai cũng dám áp dụng này.
2. Tivi cho tài xế
Năm 1993, nhà phát minh Jay Schiffman được trao giải Ig Nobel cho Công nghệ Nghe nhìn trên Ô tô (AutoVision), một thiết bị giúp chúng ta có thể vừa xem tivi vừa lái xe.
Ý tưởng xem tivi khi đang lái xe được trao giải Ig Nobel
AutoVision sử dụng một máy chiếu nhỏ trên trần xe và một tấm gương trên kính lái để tạo thành một chiếc tivi ngay phía trước tầm mắt của người lái xe, giúp họ không phải cúi xuống mà vẫn xem được những chương trình tivi yêu thích.
Tuy nhiên, giải Ig Nobel không giúp cho phát minh của Schiffman bị nhà chức trách Mỹ ở bang Michigan cấm sử dụng vì lo sợ về vấn đề an toàn cho tài xế và người đi đường.
3. Xác suất thống kê ứng dụng với bò
Nằm xuống càng lâu, bò càng mất thời gian đứng lên
Năm 2010, giải Ig Nobel được trao cho một nhóm nghiên cứu người Anh khi họ chỉ ra rằng bò càng mất thời gian để nằm xuống thì cũng sẽ đứng lên lâu như thế, và khi con bò đứng dậy, bài toán xác suất kết thúc bởi rất khó để có thể dự đoán được khi nào những con bò này sẽ nằm xuống.
4. Nghiêng sang trái sẽ thấy mọi vật nhỏ hơn
Năm 2012, giải Ig Nobel về tâm lý học được trao cho một nhóm nghiên cứu đã giải quyết được câu hỏi về ảnh hưởng của tư thế nhìn đối với kích thước của sự vật.
Nghiêng sang trái, bạn sẽ thấy tháp Eiffel nhỏ hơn
Theo nghiên cứu mang tên “Nghiêng sang trái làm tháp Eiffel có vẻ nhỏ hơn” của họ, hóa ra khi chúng ta nghiêng sang trái, những vật to lớn như tháp Eiffel sẽ trông nhỏ hơn, còn khi nghiêng sang phải, chúng ta sẽ thấy tháp Eiffel cao hơn.
5. Phụ nữ có thai không thể lăn tròn
Vì sao các bà bầu không thể lăn tròn?
Năm 2009, giải Ig Nobel vật lý được trao cho công trình nghiên cứu mang tên “Khối lượng bào thai và sự phát triển của chứng ưỡn cột sống ở người” để giải thích vì sao những phụ nữ “bụng chửa vượt mặt” không thể lăn tròn.
6. Siêu báo cáo của chính phủ Mỹ giật giải Ig Nobel
Mặc dù giải Ig Nobel chủ yếu được trao cho những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, ban tổ chức cũng không hề bỏ qua lĩnh vực văn học khi họ trao giải cho chính phủ Mỹ vào năm 2012 vì đã có một hành động hiếm thấy.
Các nhân viên của chính phủ Mỹ cũng có "vinh dự" được trao giải Ig Nobel
Hành động hiếm thấy giúp chính phủ Mỹ đoạt giải Ig Nobel là việc tạo ra một “báo cáo về các báo cáo về những báo cáo khuyến nghị về quá trình chuẩn bị báo cáo về báo cáo về các báo cáo về những báo cáo”.
Tên chính thức của báo cáo này là “Các hành động cần thiết để đánh giá tác động của các nỗ lực nhằm ước tính chi phí của các báo cáo và nghiên cứu”.
7. Chim gõ kiến không cần thuốc giảm đau
Năm 2006, một số nhà khoa học sau khi quan sát chim gõ kiến mổ liên tục vào thân cây để tìm mồi đã nảy ra một câu hỏi: “Liệu chúng có bị đau đầu vì những cú mổ liên tục như vậy không?”, và họ quyết tâm nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.
Chim gõ kiến không bị đau đầu dù mổ liên tục vào thân cây
Công trình nghiên cứu của họ đã được trao giải Ig Nobel sau khi họ đưa ra kết luận: Chim gõ kiến không hề bị đau đầu vì những cú mổ đó, đó là lý do chúng có thể mổ được liên tục như vậy.
8. Cách làm bim bim ngon hơn
Người ta thường để ý đến mùi vị của thức ăn mà không mấy chú trọng đến những âm thanh do chúng tạo ra trong quá trình ăn. Tuy nhiên, điều này đã khiến một nhà nghiên cứu châu Âu chú ý và bỏ công nghiên cứu về cách làm cho bim bim khoai tây ngon hơn bằng âm thanh giòn rụm của nó.
Cách làm bim bim nghe có vẻ ngon hơn cũng đoạt giải Ig Nobel
Nhà nghiên cứu này đã đoạt giải Ig Nobel về dinh dưỡng sau khi tìm cách điều chỉnh âm thanh của bim bim phát ra để người ăn có cảm giác rằng nó ngon hơn so với thực tế.
9. Định luật phân rã dạng hàm mũ của bọt bia
Năm 2002, giải Ig Nobel được trao cho một nhà nghiên cứu của Đại học Munich (Đức) sau khi ông này giải quyết được vấn đề tranh luận từ xa xưa là bọt bia có tuân theo định luật phân rã dạng hàm mũ hay không.
Càng để lâu, bọt bia càng phân rã chậm hơn
Sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi quan sát và thu thập dữ liệu, nhà nghiên cứu Arnd Leike đã phát hiện ra rằng bọt bia tuân theo đúng định luật này. Ông đã bỏ rất nhiều thời gian để quan sát xem bọt bia mất bao lâu để biến mất hết khi rót những loại bia khác nhau.
Ông Leike kết luận rằng ngay sau khi bia được rót, bọt bia biến mất rất nhanh, và bia càng để lâu trong cốc, tốc độ biến mất của bọt càng chậm đi. Công trình nghiên cứu của Leike đã được xuất bản trên tạp chí Vật lý châu Âu.