Những đứa trẻ không có Tết

Không đi học, không được người thân lì xì đầu năm, sáng mùng 1 Tết đã phải lang thang bán hàng… Đó là cuộc sống của nhiều em bé đang hàng ngày vạ vật kiếm sống ở Hà Nội.

Kiếm tiền chờ bố ở trại cai nghiện

Sáng nào cũng vậy, người dân ở khu hồ Ngọc Khánh, phố Láng Hạ lại thấy ba mẹ con lóc nhóc bế nhau đi bán hàng rong. Người mẹ gày gò, vẹo sườn bế đứa con bé mới 26 tháng tuổi trên tay. Phía trước cô, đứa con gái lớn mới 5 tuổi chạy lon ton. Trên tay cháu bé lủng lẳng giỏ kẹo cao su, tăm tre, bật lửa.

Nguyễn Thị Thủy - mẹ của hai bé cho biết cô quê ở xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa. Cách đây 20 năm, mẹ của Thủy cũng lang thang ở Hà Nội kiếm ăn qua ngày. Vì tính cách bà mẹ Thủy  hơi ngẩn ngơ nên chỉ người con trai đầu lòng của bà có bố rõ ràng. Thủy và người em sau này, khi sinh ra đã không biết mặt bố. Năm 22 tuổi, nhờ bạn bè giới thiệu, Thủy quen Thu - một thanh niên cùng quê. Họ về sống với nhau rồi ra Hà Nội, kẻ bán hàng rong, người đánh giày kiếm sống.

Những đứa trẻ không có Tết - 1

Những đứa trẻ không có Tết - 1

Ba mẹ con chị Thủy. Ảnh: T.G

Thủy cho biết, cô chưa từng được học hành, không biết mặt chữ. Giờ vợ chồng cô đã có hai mặt con với nhau nhưng cũng chỉ là “gá tạm” cuộc đời chứ không có hôn thú. “Từ bé, em đã không có tình thương của người thân nên thấy anh ấy quan tâm thì em yêu. Đứa con trai đầu lòng em sinh non nên cháu đã ra đi. Hai đứa con gái sau này chả có cháo sữa gì, hôm nào bán có tiền thì mua gói cháo ăn liền, không thì cứ mì tôm với mẹ”, Thủy nói trong nỗi buồn vời vợi.

Thủy kể, năm 2013, khi cô vừa sinh đứa con gái út được 3 tháng thì chồng bị đưa vào trại cai nghiện. “Lúc đó em mới tá hỏa là chồng có dính vào thứ chết tiệt ấy, chứ hàng ngày anh ấy vẫn đi đánh giày, vẫn chăm con và không hề lấy tiền của em để hút, chích. May được phát hiện kịp thời nên các anh ở trại nói, chỉ sau nửa tháng, anh ấy đã cắt cơn và làm việc được. Từ khi chồng vào trại cai nghiện, em một nách 2 con, lếch thếch hết phố nọ đến phố kia ở Hà Nội để bán hàng dạo. Hồi con gái út mới 3 tháng tuổi, em lấy cái khăn buộc vào cánh tay để ôm con đến bại cả tay. Ba mẹ con đi bộ mỗi ngày khoảng 40km, nếu không đi bán dạo thì biết lấy gì để sống”, Thủy ngậm ngùi.

Hiện, ba mẹ con Thủy đang thuê phòng trọ ở phố Đê La Thành. Gọi là phòng trọ cho oai chứ theo Thủy, chỗ chui ra chui vào ấy chỉ dài 2,4m và rộng 1,4m. Thủy bảo: “Hồi chồng em còn đi đánh giày thì đỡ nhưng bây giờ, với giá tiền thuê nhà 700.000 đồng/tháng đã trở thành gánh nặng quá lớn. Thế nên, Tết này em cũng không về quê đâu. Tết năm ngoái, mẹ con em ở lại Hà Nội, mua được cái bánh chưng, tí thịt kho cho các con gọi là ăn Tết. Sáng mùng 1, mẹ con ôm nhau lên Phủ Tây Hồ bán rong. Nhiều người thương tình, lì xì cho các cháu nên cả đợt Tết, em kiếm được 1 triệu đồng đấy”, Thủy nói.

“Đừng bắt cháu vào trại”

Ở khu vực đường Nguyên Hồng, ngày nào người dân cũng thấy một cậu bé gày gò đi bán kẹo. Năm nay, cậu đã 13 tuổi rồi nhưng trông bé tẹo như một em bé mới vào lớp 1. Cậu bé cho biết quê ở Thanh Hóa, ra Hà Nội bán hàng rong cùng với mẹ. Hai mẹ con thuê nhà ở Đê La Thành. Cậu bé rất thích đi học nhưng gia đình không có điều kiện nên đã 13 tuổi cậu vẫn phải lang thang, vạ vật kiếm sống.

Nhiều người dân ở đây cho biết, cậu bé làm thuê cho một đầu nậu cầm đầu nhóm người bán hàng rong, cuối tháng phải nộp cho chủ một số tiền, còn lại mình được hưởng. Cậu bé cho biết, khoảng 29 Tết mẹ con cậu sẽ về quê và mùng 6 Tết lại ra Hà Nội kiếm sống. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tên và bố mẹ ra sao thì cậu bé giật bắn mình: “Cô hỏi cháu làm gì? Để bắt cháu vào trại à?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì cậu bé đã bỏ chạy thục mạng. Thì ra cậu chạy trốn  vì sợ bị bắt vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Câu chuyện của cậu bé không biết tên ấy khiến chúng tôi nhớ lại câu nói của cháu Nguyễn Thị Ngân - con gái lớn của Thủy. Khi chúng tôi hỏi “Cháu thích đi bán hàng kiếm tiền không?”, Ngân lắc đầu quầy quậy: “Cháu không thích. Cháu thích đi học cơ”. Nhìn con gái, Thủy ngậm ngùi: “Có hôm ba mẹ con đi bán hàng đến đêm mệt quá, Ngân nói với em: Mẹ ơi đừng bán hàng nữa, nhọc lắm. Sao mẹ không ở nhà cho con đi học? Câu hỏi ngây thơ của con khiến nước mắt em cứ ứa ra. Đời em coi như chẳng còn gì. Chồng đang trong trại cai nghiện, con thì quá thơ dại nhưng cũng phải vạ vật đi kiếm sống với mẹ. Hôm em lên thăm chồng, các anh ở Trung tâm Lao động xã hội số 3 có nói, nếu chứng minh được chồng em có nghề ở quê thì anh ấy sẽ được về sớm 2 năm để đỡ khổ cho mẹ con em. Thế nên, em sẽ khuyên anh ấy về quê đi biển và cho con gái lớn đi học. Ấy là mong ước lớn nhất của em lúc này”.

Theo kết quả cuộc điều tra Quốc gia về lao động trẻ em  được Bộ LĐ-TB&XH công bố vào đầu năm 2014, có khoảng 1,75 triệu trẻ em đang làm việc được thống kê vào nhóm lao động trẻ em. Còn theo một nghiên cứu cũng của Bộ LĐ-TB&XH tại 8 tỉnh thành (bao gồm: Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Rai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và TPHCM) thì có khoảng 50% số lao động trẻ em được khảo sát phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyên (Giadinh.net.vn)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN