Những đứa trẻ đón Trung Thu cùng hóa chất
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có không ít bệnh nhi phải đón Tết Trung Thu cùng những chai hóa chất và dây truyền chằng chịt.
Trái ngược với không khí sôi động trong hội trường Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là nỗi buồn của không ít bà mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo. Họ bật khóc vì đứa con thân yêu đang phải đối mặt với “án tử”.
Chị Đoạn Thị Quyên (Văn Quan, Lạng Sơn) có 3 con bị ung thư máu, trong đó, 2 đứa đã vĩnh viễn ra đi. Vừa cầm chai hóa chất, vừa xem văn nghệ cùng con, chị Quyên nói: “Mình còn một đứa là hy vọng cuối cùng, mong sao cháu khỏi bệnh để được đi học, vui đùa cùng bạn bè”.
Có mặt tại hội trường, bệnh nhi Nguyễn Văn Báu (Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết, đây là mùa Trung Thu thứ 2 em không được về nhà.
Báu kể, em bị ung thư hạch và u sàn hàm mãn tính. Năm nay, Báu đã 14 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 3 kg. Bệnh nặng, Báu phải nghỉ học để điều trị. Hai năm nằm viện cũng là hàng chục đợt Báu phải truyền hóa chất.
Nhắc đến Tết Trung Thu, Báu nói: “Trung Thu cháu buồn lắm, ngồi xem các bạn biểu diễn mà cháu chỉ mong khỏi bệnh quá để được về nhà”. Những câu nói không tròn vành rõ chữ của Báu khiến ai cũng ứa nước mắt, xót thương.
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bệnh viện đã trực tiếp tổ chức ngày hội “Trung thu cho em - 2013”. “Chúng tôi hy vọng ngày hội sẽ kêu gọi cộng đồng cùng thể hiện tình nhân ái, yêu thương, đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho các em nhỏ không may mắn phải vào viện điều trị trong dịp Tết Trung Thu”, GS Trí nói.
GS Trí cho biết, ngày hội sẽ làm vơi đi nỗi đau của các em. Đây không đơn thuần là sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng với các bệnh nhân nhỏ tuổi, mà còn khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống hiện đại. Tổ chức Trung Thu cho bệnh nhi tại bệnh viện là “món quà sự sống” và món quà tinh thần dành tặng cho các em đang điều trị tại đây.
Theo GS Trí, căn bệnh ung thư máu quái ác khiến các cháu không có cơ hội sum vầy cùng gia đình, bạn bè trong dịp Trung Thu này. Hiểu được nỗi buồn tủi của những bệnh nhân và thân nhân phải đón tết trong bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã cố gắng bằng mọi cách để chia sẻ, giúp họ tạm quên đi nỗi đau bệnh tật.
Chị Đoạn Thị Quyên (Văn Quan, Lạng Sơn) cho biết, chị đã mất 2 con vì bệnh tan máu bẩm sinh, còn đứa thứ 3 đang điều trị tại bệnh viện
Bệnh nhi háo hức chơi trò chơi
Ánh mắt hồn nhiên không làm vơi đi sự mệt mỏi của bé gái mắc bệnh hiểm nghèo
Người mẹ ứa nước mắt cùng bé Hiền Linh đón Trung thu tại viện
Không chỉ phải truyền máu, các em nhỏ còn phải truyền đủ các loại thuốc khác để hỗ trợ sức đề kháng
Bé Ngân (20 tháng tuổi) mắc bệnh tiểu cầu, giờ đây máu quyết định tâm trạng và sự sống của em, bởi sau mỗi lần truyền, em đỡ mệt mỏi và đỡ đau đớn hơn
Đồ chơi trên giường bệnh cũng không thể làm các em vơi đi cơn đau bệnh tật
Không còn đủ sức dù chỉ mở một nụ cười, các em nằm đó thiếp đi
Đôi lúc, các em cố nhướng đôi mắt như những đốm lửa nhỏ nhoi của hy vọng và sự sống
Phần lớn những đứa trẻ vào đây đều mắc những căn bệnh hiếm gặp, khó chữa
Anh Chu Văn Chiến cùng con đón Trung Thu
Rất nhiều người coi hiến máu là món quà Trung Thu dành tặng cho các em
Bé trai mắc bệnh nặng thích ca hát cùng các bạn nhưng giờ chỉ biết cười