Những đứa trẻ chết thương tâm sau tiêm chủng
Sự việc nhiều người tự giới thiệu là nhân viên y tế phường tới từng nhà dân gõ cửa để tiêm chủng cho trẻ rồi thu phí khiến nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ tai biến, sốc phản vệ với vaccine ở trẻ.
Những lo ngại này không hề viển vông khi mà từ năm 2007 đến nay liên tiếp có nhiều trẻ đã tử vong do tiêm chủng.
Năm 2007 được coi là năm tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 20 năm tiêm chủng mở rộng với sự cố liên tiếp 8 trẻ tử vong liên quan đến tiêm chủng. Tính từ tháng 4/2007 đến 3/2008 thì con số lên tới hơn 12 trường hợp tử vong.
Chính vì thế, cũng vào năm 2007, Sở Y tế Hà Nội phải đưa ra lệnh cấm triệt để việc tiêm chủng tại nhà với các quận, huyện thuộc địa bàn.
Sự việc phải kể đến trong năm 2007 là cái chết của 2 cháu bé sơ sinh hai ngày tuổi vào ngày 23/4/2007, tại khoa sản Trung tâm y tế thị xã Hà Tĩnh, sau khi tiêm vaccine phòng viêm gan B được ít phút. Theo kết luận thì nguyên nhân tử vong của 2 cháu bé là do sốc vaccine, nhiều khả năng là sốc phản vệ.
Trước đó cháu Đinh Thị Bé Ngân, 2 tháng tuổi, người dân tộc H’re, đã tử vong ngày 15/3/2007, sau 30 phút được nhân viên y tế xã tiêm các vaccine phòng lao và viêm gan B tại nhà (xóm Kra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).
Phụ huynh nên đưa trẻ đến các TT y tế để tiêm phòng (Ảnh minh họa)
Tối ngày 2/3/2009, bé gái mới sinh 2 ngày tuổi (chưa đặt tên) con chị Nguyễn Thị Yến ở xóm Nam Kênh, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tử vong sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B được 6 giờ đồng hồ. Nguyên nhân cái chết cũng được xác định là do sốc phản vệ sau khi tiêm chủng.
Ngay sau đó, một cháu bé 3 tháng rưỡi, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội tử vong sau khi tiêm mũi vaccine 6 trong 1 vào sáng 18/4/2009 tại trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc.
Tiếp đó, sáng 6/5/2009, hai cháu Thiện và Thành (sinh ngày 28/1/2009) ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được đưa đến trạm y tế xã tiêm vaccine phòng bệnh lao. Sau khi tiêm về, hai cháu đều có biểu hiện bỏ ăn, ngủ li bì.
Đến sáng 8/5/2009, cháu Thành (ở thôn Quyết Thắng, xã Mông Sơn) bắt đầu tím tái, khó thở. Gia đình đưa cháu đi bệnh viện nhưng mới rời nhà được một đoạn thì cháu đã tử vong. Sau đó, cháu Thiện cũng biểu hiện giống cháu Thành và chết lúc 17h30 cùng ngày. Mặc dù trước đó, sức khỏe các cháu bình thường.
Trong báo cáo về kết quả tiêm vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2011 thì có 7 trường hợp trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm, trong đó 5 trường hợp tử vong. Đến năm 2012, tuy chưa ghi nhận trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn.
Điều đáng nói là nguy cơ tử vong khi trẻ tiêm chủng tại nhà đã được khuyến cáo là cao hơn nhiều lần so với đưa trẻ đi tiêm chủng tập trung nhưng đến nay nhiều đối tượng vẫn đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ để đến tận nhà giới thiệu là nhân viên y tế phường và tiêm chủng cho các bé.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc tiêm tại nhà nhiều khi không đảm bảo vô khuẩn và đây cũng là một yếu tố gây tai biến. Thêm nữa, tiêm vaccine là tiêm một tác nhân lạ vào trong cơ thể nên có tỷ lệ phản ứng nhất định (các vaccine hiệu quả nhất cũng có thể gây phản ứng, nhưng các phản ứng này thường nhẹ và tự mất đi), nếu khi xảy ra tại nhà, bạn sẽ không có đủ phương tiện để xử trí.