Những dự tính ban đầu cho bình thường mới ở TP.HCM
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới vẫn có virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, vì vậy không nóng vội mà hãy trang bị dần năng lực thích nghi.
Sau ngày làm việc với huyện Củ Chi, sáng 5-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của Thành ủy đã có buổi làm việc với quận 7 về công tác phòng chống dịch. Quận 7 và huyện Củ Chi là hai địa phương dự kiến sẽ triển khai các mô hình bình thường mới trong giai đoạn tới, làm tiền đề để TP nghiên cứu, xem xét, rút ra bài học và tìm cách cải thiện, nhân rộng ra các khu vực khác.
Sẽ tính toán xây nhanh nhà ở xã hội, sau khi kiểm soát dịch Trước đề xuất của quận 7 về việc sử dụng một số khu đất trống do Nhà nước quản lý để thực hiện chính sách giãn dân, ông nguyễn văn Nên cho rằng đề xuất này chính đáng và TP sẽ xem xét dựa vào tính pháp lý, phù hợp với điều kiện dịch bệnh. “Có người hỏi rằng sau khi TP kiểm soát được dịch thì việc cần làm là gì, tôi nói trước tiên là xây nhà ở xã hội. Khi chúng ta có đất thì có thể kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư, xây nhà nhanh để phục vụ cho người dân có thể tồn tại về lâu dài (với hiện diện của virus SARS-CoV-2)” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói. |
Những hình dung về bình thường mới
Bí thư Nguyễn Văn Nên mong người dân đừng nóng vội mà xảy ra tình trạng lơ là trong chống dịch. Mọi người cần hiểu rõ cuộc sống bình thường trước đây rất khác so với trạng thái bình thường mới sắp tới. Bình thường mới được hiểu là tình trạng có virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tương tự như việc sống chung với lũ, bình thường mới đòi hỏi các biện pháp ứng phó. Ví dụ, những người dân tiêm đủ hai mũi vaccine thì có thể đến tập thể dục ở những công viên lớn, đông người; nếu chỉ mới tiêm một mũi thì đến nơi vắng hơn; còn khi chưa tiêm vaccine thì hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, chúng ta cũng cần có thuốc chữa bệnh và một hệ thống y tế vững mạnh, có khả năng tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho người dân. Song song đó, người dân vẫn phải tuân thủ 5K, giữ cho môi trường thông thoáng và nâng cao sức khỏe để loại bỏ mầm bệnh ngay khi chúng xâm nhập. Nếu không may nhiễm bệnh thì biết tự phát hiện, cách ly, điều trị dưới sự hỗ trợ của hệ thống y tế, sau đó quay lại cuộc sống bình thường. Tâm thế và thói quen sống của từng người dân là cực kỳ quan trọng để thích nghi với virus SARS-CoV-2.
Về hoạt động sản xuất, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định TP cũng không thể siết chặt giãn cách mãi được, mà phải dần mở ra. Với đặc thù nền kinh tế của TP phần lớn là dịch vụ thì việc siết giãn cách càng lâu sẽ gây ra càng nhiều hệ lụy. TP cần phải quay trở lại sản xuất, kinh doanh để bảo vệ sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu mở cửa không khéo, không quản lý được thì dịch có thể tái bùng phát. Vì vậy, phải duy trì sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP đang giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng, bao gồm đội ngũ chuyên gia kinh tế, thầy thuốc, các nhà xã hội học, tâm lý học... nghiên cứu nới giãn cách dần dần, chắc chắn, “mở tới đâu, quản lý được tới đó” với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. TP xây dựng kế hoạch trên cơ sở khoa học, thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của các nước khác. Việc nghiên cứu liên quan tới tất cả vấn đề về con người và môi trường sống trong điều kiện có dịch và phải theo kịp sự biến đổi của virus.
Mỗi địa phương đều cần sáng tạo, quyết liệt
Với các địa phương dự kiến sẽ thí điểm kịch bản bình thường mới như quận 7 và huyện Củ Chi, Bí thư Nguyễn Văn Nên đều đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và sức sáng tạo của chính quyền và nhân nhân tại những nơi này. Mỗi địa phương có đặc thù dân số, nền kinh tế, đời sống xã hội, điều kiện y tế… khác nhau nên phải có những cách tiếp cận bình thường mới phù hợp đặc thù. Với quận 7, ông Nên khẳng định việc quận 7 tự đánh giá kiểm soát được dịch bệnh là có cơ sở, có tính thuyết phục cao và ghi nhận đây là kết quả rất đáng trân trọng. Nói cách khác, không phải nói “kiểm soát được dịch” bằng cảm tính, mà dựa vào từng chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể.
Ví dụ, trong nhiều tuần liền, số ca F0 và tử vong giảm xuống mức thấp; tỉ lệ dương tính khi xét nghiệm thấp; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 gần 100%, trong đó nhóm người già và có bệnh lý nền được tiêm đầy đủ; bệnh viện đủ khả năng chăm sóc cho F0 trung bình, nặng; các F0 tự chăm sóc, chữa trị tại nhà được hỗ trợ kịp thời; tỉ lệ vùng xanh, cận xanh chiếm đa số; các đơn vị từ hộ gia đình, tổ dân phố, phường… đều có thể phối hợp nhuần nhuyễn, đảm bảo các điều kiện y tế và sinh kế cho người dân.
Sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” tại một công ty ở TP.HCM trong mùa dịch. Ảnh: TTXVN
Bí thư Nguyễn Văn Nên kết luận: Quận 7 góp phần quan trọng để TP tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bổ sung cho chiến lược ứng phó dịch bệnh trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ tiếp theo của quận 7 là tiên phong xây dựng mô hình bình thường mới. TP sẽ đầu tư các nguồn lực như vaccine, thuốc điều trị, hệ thống y tế… để quận 7 hoàn thành nhiệm vụ này. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh rằng trở lại cuộc sống bình thường mới không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo quận 7 và của TP.HCM mà còn là mong mỏi của người dân.
Đối với huyện Củ Chi, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao việc huyện thực hiện nghiêm giãn cách, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, quản lý F0 và tổ chức tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao. Điều quan trọng là huyện đã có những mô hình sáng kiến để người dân vẫn có một số chợ hoạt động; vẫn có cách để tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong mùa dịch. Đó là những sáng tạo rất thiết thực, đáng tuyên dương xuất phát từ cấp cơ sở.
Nhìn về bình diện rộng, TP cần tiến tới bình thường mới không chỉ ở một vài quận, huyện mà cả địa bàn TP, thậm chí rộng hơn là cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định: Mỗi địa phương không thể độc lập kiểm soát người đi lại mà cần đồng bộ bằng công nghệ. TP hướng tới sử dụng các loại giấy thông hành y tế, trong đó có giấy thông hành vaccine. Đây là điều nhiều nước đã làm tốt.•
Phương án dự kiến của quận 7
UBND quận 7 hôm 4-9 đã ban hành phương án dự kiến về thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo đó, đối với các loại hình thiết yếu (cửa hàng thuốc, xăng dầu, gas, thiết bị điện, nước…), hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa bảo trì nhà ở, vận tải hàng hóa thiết yếu, kho bãi… sẽ có thể dần mở cửa nếu đáp ứng một số yêu cầu như tiêm vaccine mũi 2, hoạt động kinh doanh phải đảm bảo 5K của Bộ Y tế, chỉ bán mang về, hoạt động theo phương án ba tại chỗ… Dự kiến áp dụng từ ngày 20-9 đến 20-10 đối với các hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện. Quận dự kiến sẽ vận động giảm giá thuê mặt bằng, miễn thuế năm 2021, vay vốn cho hộ kinh doanh, hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh, các gói an sinh, hỗ trợ các thủ tục hành chính như nộp hồ sơ online, giải quyết nhanh thủ tục.
Đối với chợ, các thương nhân kinh doanh lương thực, thực phẩm cần đáp ứng các điều kiện dự kiến: 100% quản lý, thương nhân, người lao động tại chợ tiêm vaccine mũi 2; xét nghiệm âm tính trước khi quay lại làm việc; vệ sinh, khử khuẩn theo quy định; khai báo y tế hằng ngày; không đi làm nếu có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2; tổ chức quản lý tốt người đến chợ; kiểm soát mật độ người đi chợ; tổ chức vị trí mua - bán đảm bảo giãn cách… Chính quyền dự kiến sẽ hỗ trợ giảm giá cho thuê sạp, miễn thuế năm 2021, vay vốn cho thương nhân, hỗ trợ xét nghiệm nhanh và các gói an sinh khác.
Tương tự, quận 7 cũng dự kiến kế hoạch mở hoạt động trở lại theo lộ trình đối với hoạt động kinh doanh của trung tâm thương mại và siêu thị, hộ kinh doanh mới đăng ký thành lập, DN, DN mới đăng ký thành lập… Tất cả đều phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch khi bắt đầu hoạt động trở lại và trong suốt thời gian sau đó. Chính quyền sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ để người dân, DN có điều kiện hoạt động trong bối cảnh vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng chống dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau thời gian dài sử dụng sản phẩm đã qua chế biến, nhu cầu thực phẩm tươi sống của người dân đang tăng cao. Trên cơ...