Những dự án giao thông ngàn tỷ mới làm đã hỏng
3 năm sau khi hoàn thành dự án nâng cấp và mở rộng, nhiều cung đoạn trên đường QL1A qua địa phận hai tỉnh Bình Định, Phú Yên hư hỏng nghiêm trọng, thậm chí nhiều nơi mặt đường nát bét với những "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Sau những cơn mưa đầu mùa đông năm nay, nhiều hiểm họa trên mặt đường đã lộ diện rõ nét, khiến cho giới lái xe và cư dân sinh sống ven QL1A ở hai địa phương nêu trên thật sự đau xót...
Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa phận tỉnh Bình Định do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với chiều dài 118km, tổng kinh phí 7.798 tỷ đồng và được phân chia thành 3 dự án thành phần. Dự án BOT Bắc Bình Định có chiều dài gần 29 km qua địa phận huyện Hoài Nhơn, tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.645 tỷ đồng, do Tổng Công ty CP BOT Bắc Bình Định đảm nhiệm thực hiện.
Nhiều cung đoạn trên QL1A qua Bình Định hư hỏng nghiêm trọng.
Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có chiều dài hơn 60 km qua địa phận hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thị xã An Nhơn, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 4.109 tỉ đồng, do Ban quản lý (BQL) Dự án đường Hồ Chí Minh thuộc Tổng cục đường bộ - Bộ GTVT đảm nhiệm thực hiện. Dự án BOT Nam Bình Định có chiều dài gần 41km, trong đó có gần 19 km ở địa phận tỉnh Bình Định và 22km ở địa phận tỉnh Phú Yên, tổng nguồn vốn đầu tư 2.045 tỉ đồng, do Công ty CP BOT Bình Định thực hiện.
3 dự án thành phần nêu trên khởi công vào đầu năm 2013 và do BQL dự án II thuộc Tổng cục đường bộ đảm trách quản lý. Do tiến độ thi công ì ạch, nhiều cung đoạn chậm như… rùa bò, chỉ vì một số nhà thầu không đủ năng lực, trong khi BQL dự án II không có biện pháp kiên quyết trong công tác kiểm tra, chỉ đạo khiến cho các địa phương bức xúc đến mức UBND tỉnh Bình Định phải có văn bản kiến nghị Bộ GTVT thay đổi một số nhà thầu thi công dự án. Theo đó, trong tháng 2-2015, Bộ GTVT đã phải đưa BQL dự án đường Hồ Chí Minh thay thế BQL dự án 2 và yêu cầu rà soát lại năng lực của các nhà đầu tư…
Đến giữa tháng 10-2015, dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa phận Bình Định chính thức thông xe toàn tuyến. Thế nhưng niềm vui của người dân địa phương và giới lái xe xuôi Nam ngược Bắc chưa được bao lâu thì nhiều cung đoạn hư hỏng, bong tróc vụn vỡ những mảng lớn, mảng nhỏ cơ hồ như tấm áo rách chưa kịp vá. Khi các nhà thầu thi công tu sửa thì những cung đoạn khác lại xuất hiện những "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu".
Nhiều tài xế điều khiển ôtô trên đường phẳng bất ngờ vấp phải những "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu" không kịp đánh lái lách tránh đã phải kêu trời, thậm chí có lái xe ví von một số cung đường trên tuyến QL1A qua Bình Định như thửa ruộng mới cày ải. Đã có trường hợp nhà thầu xử lý tạm thời bằng biện pháp, đổ đá dăm và xi măng vào bao tải để lấp "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu"; trộn đá dăm với xi măng đổ xuống những đoạn đường bong tróc mới được vài giờ đã biến thành vũng sình lầy nhầy nhụa sau những chuyến xe qua.
Sau những cơn mưa đầu tháng 10-2018, nhiều cung đoạn trên QL1A qua địa phận Bình Định càng lộ diện chất lượng và kết cấu kỹ thuật nền đường. Chỉ trong hành trình dài hơn 50km qua địa phận huyện Tuy Phước và Phù Mỹ (Bình Định) có rất nhiều nơi hư hỏng nghiêm trọng.
Nổi cộm nhất là cung đoạn qua xã Phước Lộc và thị trấn Tuy Phước có mật độ "ổ gà", "ổ trâu" rất nhiều. Mặt đường qua địa phận các xã Cát Tân, Cát Hanh - huyện Phù Cát; xã Mỹ Phong, thị trấn Phù Mỹ - huyện Phù Mỹ cũng bong tróc, lồi lõm nhiều nơi.
Ông Trần Văn Khánh - một người dân ở gần ngã tư cầu Bà Di thuộc địa phận huyện Tuy Phước cho biết, do mặt đường hư hỏng nặng nên đêm 2-10-2018, một thanh niên điều khiển xe máy bị té ngã sau khi sa bẫy "ổ gà", phải đưa đi cấp cứu. Đáng lo ngại hơn là có nơi đang được nhà thầu thi công đào xới mặt đường để chắp vá "ổ gà", "ổ trâu" nhưng không lắp đặt biển báo kịp thời!?
Ông Lê Văn Hải - tài xế xe tải ở thị xã An Nhơn cho rằng, suốt chặng QL1A qua địa phận miền Trung, có lẽ tuyến đường ở Bình Định xấu nhất, không ít cung đoạn gập ghềnh tưởng chừng như đang vận hành qua đường hương lộ ở nông thôn chưa được bê tông hóa, trong khi phí đường bộ vẫn phải chi trả cho chủ đầu tư gói thầu dự án không thiếu một đồng!
Không riêng Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa phận Phú Yên do BQL dự án Thăng Long - Bộ GTVT đảm nhiệm cũng lâm vào tình trạng hư hỏng nhiều cung đoạn. Dự án này có chiều dài 66km, tổng nguồn vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng, được khởi công từ đầu tháng 9-2013 và chính thức thông xe vào cuối năm 2015.
Sau một thời gian sử dụng, cung đoạn qua địa phận xã An Hiệp, huyện Tuy An bị bong tróc, hư hỏng nhiều mảng, "ổ gà", "ổ trâu" hình thành rải rác. Đáng lo ngại hơn là trên cung đường đèo Quán Cau mặt đường lún xuống thành vệt dài theo vết bánh xe ôtô trông như rảnh thoát nước. Nhà thầu dự án xử lý sự cố chưa được bao lâu thì tình trạng hư hỏng tái diễn.
Công ty CP BOT Bình Định khắc phục sửa chữa hư hỏng trên QL1A đoạn qua huyện Tuy Phước.
Đề cập đến hiện trạng QL1A hư hỏng, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền địa phương đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục đường bộ yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần khẩn trương khắc phục sửa chữa ngay sau khi phát sinh sự cố bong tróc, "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu", thế nhưng các nhà thầu chưa thật sự tích cực. Trong khi đó bà Lý Tiết Hạnh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho hay, cuối năm ngoái, khi QL1A hư hỏng nhiều nơi, nhiều cử tri lên tiếng vì bức xúc.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV vào đầu tháng 6-2018, đại biểu Lý Tiết Hạnh đã kiến nghị không thể để các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm dây dưa, trong khi chất lượng an toàn kỹ thuật đường bộ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Lúc đó Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã hứa trước Quốc hội sẽ chỉ đạo khắc phục sửa chữa QL1A qua địa phận Bình Định trước mùa mưa lũ năm nay.
Trong cuộc tiếp xúc báo chí đầu tháng 10-2018, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định - chủ đầu tư dự án BOT Nam Bình Định thừa nhận một số nơi mặt đường bị bong tróc, hư hỏng, nhưng lại lý giải nguyên nhân do... mưa lớn, riêng đoạn đường ở khu vực ngã tư cầu Bà Di đã hư hỏng trước đó, công nhân vừa mới đào xới, bóc tách lớp nhựa mặt đường cũ để thảm nhựa mới thì mưa lớn ập đến.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành BQL Dự án đường Hồ Chí Minh - Chủ đầu tư dự án nâng cấp mở rộng QL1A qua Bình Định trên cung đoạn sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng lý giải rằng, công nhân đang tập trung sửa chữa, thảm nhựa tăng cường thì mưa lớn ấp xuống khiến cho một số nơi bong tróc, hư hỏng.
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, một trong những nguyên nhân khiến cho QL1A qua địa phận Bình Định hư hỏng là do mùa đông hai năm 2016 -2017 nhiều trận mưa lũ tái diễn, trong khi vật liệu xây lắp đường bộ chưa đảm bảo, độ bám của đá sử dụng trên bề mặt đường có độ bám thấp, đến lúc phát sinh hư hỏng trong thời gian bảo hành, các nhà thầu thi công xử lý kỹ thuật chưa đảm bảo bền vững khi sửa chữa.
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý triển khai phương án thảm nhựa tăng cường mặt đường trên tuyến QL1A qua Bình Định, nên việc khắc phục sửa chữa hư hỏng đang được thực hiện bằng hai biện pháp. Những đoạn đường có kết cấu nền đường ổn định thì thảm nhựa tăng cường bằng polymer. Những đoạn có kết cấu nền đường yếu, hư hỏng nặng thì phải bóc dỡ, xử lý bằng bê tông, nhựa đường...
Trong cuộc kiểm tra hiện trạng QL1A và làm việc với UBND tỉnh Bình Định ngày 8-10-2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng những phản ánh khiếm khuyết về hạ tầng giao thông ở địa phương này là đúng thực tế, đồng thời yêu cầu Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng trên QL1A.
Những đoạn đường thuộc dự án BOT phải đảm bảo chất lượng như hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mặt đường hư hỏng mà vẫn thu phí. Yêu cầu BQL dự án đường Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thi công nâng cấp, mở rộng QL1A bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải khẩn trương sửa chữa mặt đường đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để bàn giao cho nhà thầu thảm nhựa bê tông tăng cường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Bình Định tăng cường công tác giám sát, kịp thời kiến nghị Bộ GTVT xử lý sai phạm tai các dự án BOT để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đối tượng sử dụng dịch vụ đường bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an toàn kỹ thuật mặt đường đúng hồ sơ thiết kế dự án đã được phê duyệt, các chủ đầu tư cần rà soát chất lượng để xử lý kết cấu bền vững những cung đoạn hư hỏng, bong tróc, không thể "nay chắp vá, mai san lấp".
Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các cơ quan chức trách cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sửa chữa đường bộ ở những đoạn hư hỏng để chủ động bảo đảm an toàn giao thông, góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn. Mặt khác cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ chất lượng công trình để xử lý theo pháp.
Ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhận trách nhiệm của người đứng...