Những đôi mắt đầy ám ảnh ở ngôi làng ung thư

Sự kiện: Ung thư

Từ khi mang tiếng là làng ung thư đến nay đã 20 năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn để người dân của ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Nưa (Thanh Hóa) khắc khoải vì chưa đưa ra nguyên nhân dẫn đến căn bệnh quái ác này

Trong cuốn sổ ghi chép số người chết vì ung thư của ông Trần Minh Hán - ngụ làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa - tính từ năm 1993 đến nay, ở đây đã có gần 100 nạn nhân. “Đó là những người chết có bệnh án rõ ràng, còn số trường hợp nghi bị ung thư thì nhiều lắm” - ông Hán lo ngại.

“Án tử” lơ lửng trên đầu

Theo chân ông Hán, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Cao Thị Đào, có chồng chết vì ung thư cách đây 2 năm. Trong căn nhà nhỏ, bà Đào vẫn chưa hết đau đớn khi nhớ lại: “Vợ chồng tôi cố gắng làm lụng, chắt chiu từng đồng, đến khi xây được nhà thì ông ấy đổ bệnh. Đến bệnh viện, ông bị phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Gia đình đưa về nhà được 2 tháng thì ông ấy mất”.

Những đôi mắt đầy ám ảnh ở ngôi làng ung thư - 1

Người dân Thổ Vị nghi sợi amiăng trong đá vữa ra, ngấm vào lòng đất và nguồn nước gây ung thư

Cách đó không xa là nhà ông Vũ Văn Hi (78 tuổi), gia đình có tới 3 người mang căn bệnh ung thư quái ác. Trong căn nhà nhỏ lạnh lẽo, ông Hi thở dài: “Tôi ngần này tuổi rồi, có chết cũng được  nhưng 2 đứa con, một 40 và một 46 tuổi, còn trẻ mà đã mang “án tử” lơ lửng trên đầu. Người dân chúng tôi mong cơ quan chức năng tìm ra được nguyên nhân chính thức để biết cách phòng tránh bệnh tật và yên tâm làm ăn” .

Những đôi mắt đầy ám ảnh ở ngôi làng ung thư - 2

Ông Trần Minh Hán và cuốn sổ ghi chép số người chết do ung thư ở làng Thổ Vị mà ông đã thống kê

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Tế Thắng, từ năm 1992 đến tháng 4-2014, toàn xã có 159 người chết vì ung thư, trong đó làng Thổ Vị có tới 90 người, chủ yếu do bị ung thư gan, phổi, dạ dày, máu... Trong đó, số người chết dưới 60 tuổi chiếm quá nửa. Rất nhiều gia đình ở làng Thổ Vị có tới 2-3 người chết vì ung thư. Thậm chí, gia đình  ông Vũ Đình Dung có đến 4 người chết vì căn bệnh nan y này. Anh Vũ Đình Vương, con trai ông Dung, cho hay gia đình đang sống yên vui, đầm ấm thì bất ngờ người cha đổ bệnh, sau đó tới mẹ và 2 anh. “Chẳng bao lâu sau thì “thần chết” đã đưa họ đi hết. Chúng tôi chẳng biết thế nào mà ở đây lại có nhiều người chết vì ung thư đến thế” - anh Vương buồn bã.

Ngôi làng nhỏ dưới chân núi Nưa này đang có 5-7 người bị ung thư nằm chờ chết, phần vì bệnh quá nặng, phần vì gia đình không có tiền chạy chữa.

Vẫn là ẩn số

Ông Trần Minh Hán cho biết năm 1963, tại chân núi Nưa có một đoàn địa chất về khai thác mỏ để lấy quặng amiăng. Cũng từ thời điểm đó, xã phát động người dân xây giếng để lấy nước sinh hoạt.

“Toàn bộ đá dùng để kè giếng đều được lấy từ chân núi Nưa. Rồi nhà cửa, tường rào, đường sá đi lại của người dân làng Thổ Vị đều phủ kín đá núi Nưa. Loại đá này có rất nhiều vỉa bột trắng là các sợi amiăng. Theo thời gian, các vỉa amiăng gặp mưa vữa ra, hòa vào nước chảy xuống ao, hồ và ngấm vào lòng đất. Có thể đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư” - ông Hán dự đoán.

Rất nhiều đoàn công tác của các cơ quan chức năng đã về Thổ Vị lấy mẫu đất, nước đưa đi phân tích. Kết quả cho thấy nguồn nước ở đây dù bị nhiễm asen, nhiễm mặn và nhiều sắt nhưng nếu qua lắng lọc thì vẫn có thể sử dụng được. Tuy nhiên, quặng amiăng lại không thấy nhắc đến. Từ đó, cả làng không ai dám dùng nước giếng nữa.

“Hiện trong xã có trên 90% hộ dân dùng nước mưa để ăn uống. Khâu tắm giặt thì nhiều hộ vẫn phải dùng nước giếng khơi hoặc giếng khoan. Khi tỉ lệ dùng nước mưa của người dân tăng thì tình hình ung thư có giảm” - ông Hán cho hay.

Ngoài Thổ Vị, xã Tế Thắng còn 2 ngôi làng có số người chết vì ung thư rất cao là Yên Cách (trên 20 người) và Giá Mai (14 người). Hai làng này cách xa khu núi Nưa nên nguyên nhân người dân mắc bệnh lại càng mập mờ.

Ông Hoàng Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng, cho biết người dân làng Thổ Vị chết nhiều do ung thư là có thật. Thế nhưng, địa phương cũng chẳng biết nguyên nhân do đâu. “Bà con cho rằng do nước nhiễm chất độc amiăng. Chúng tôi thấy cũng có lý nhưng đó chỉ là phỏng đoán vì chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra từ các cơ quan chức năng hay các nhà khoa học” - ông Khánh băn khoăn.

Theo ông Trần Minh Hán, trước đây, vài đoàn về Thổ Vị khảo sát nguồn nước đã hứa sẽ xây dựng, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân nhưng mãi không thấy đâu. Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết huyện rất lo lắng về tình trạng ung thư ở làng Thổ Vị. Tuy nhiên, để xây dựng được nguồn nước sạch cho làng thì quá sức đối với địa phương vì ngân sách hạn hẹp.

Rời làng ung thư dưới chân núi Nưa, chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi những ánh mắt như cầu cứu, van xin của bà con Thổ Vị. Họ chẳng mong ước gì cao siêu, chỉ muốn biết nguyên nhân chính xác nhất về căn bệnh ung thư đang “gặm nhấm” mảnh đất vốn rất đỗi yên bình này.

Làng ung thư cạnh công ty thuốc trừ sâu

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trong vòng 10 năm qua, toàn xã có tới 150 người chết vì ung thư và hiện nay, có rất nhiều trường hợp đang mắc bệnh này. Số người chết vì ung thư tập trung chủ yếu ở các thôn Cao Khánh (37 trường hợp), Thắng Long (38), Hành Chính (12)…

Xã Yên Lâm nằm ngay cạnh Công ty CP Nicotex Thanh Thái. Đây là công ty chuyên sản xuất và sang chiết thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2013, công ty này đã bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xử phạt trên 400 triệu đồng vì xả chất thải độc hại ra môi trường. Người dân xã Yên Lâm cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến số người chết vì ung thư và mắc các bệnh hiểm nghèo trong xã tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN