Những điểm yếu "chết người" của tàu Liêu Ninh

Trong khi tàu Liêu Ninh hùng hổ kéo xuống Biển Đông, báo chí Trung Quốc lại vạch ra những điểm yếu chết người của con tàu này.

Với việc điều tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông, Bắc Kinh đang nhắm đến việc kiểm soát hiệu quả hơn các quần đảo đang tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực, và động thái này của Trung Quốc cũng đã khiến các quốc gia này, đặc biệt là Philippines tỏ ra vô cùng quan ngại.

Nhưng liệu tàu Liêu Ninh có thực sự trở thành một con “át chủ bài” của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, khi mà con tàu này đang tồn tại những điểm yếu “chết người” khiến nó không thể sánh được với các tàu sân bay của Mỹ. Những điểm yếu này của tàu sân bay Liêu Ninh đã được chính báo chí chính thống của Trung Quốc vạch ra hôm 6/12.

Những điểm yếu "chết người" của tàu Liêu Ninh - 1

Cụm tàu sân bay chiến đấu Liêu Ninh

Tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho rằng với việc tiến xuống Biển Đông để tiến hành các nhiệm vụ huấn luyện, tàu Liêu Ninh và hạm đội hộ tống của mình sẽ có điều kiện quen thuộc hơn với điều kiện hàng hải tại vùng biển được coi là “sàn diễn” chính của chiếc tàu sân bay đầu tiên trong biên chế hải quân Trung Quốc này.

Tuy nhiên tàu sân bay Liêu Ninh sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể trở thành mẫu hạm của một cụm tàu sân bay chiến đấu đích thực bởi nó vẫn còn tồn tại năm điểm yếu “chết người” sau đây.

Thứ nhất, tàu Liêu Ninh phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ đóng tàu của Nga, bởi nó là phiên bản cải hoán của một chiếc tàu cũ của Liên Xô trước đây. Tiền thân của tàu Liêu Ninh chính là tàu sân bay đa dụng Riga lớp Đô đốc Kuznetsov được biên chế cho hải quân Liên Xô vào năm 1988, và sau đó được đổi tên thành Varyag vào năm 1990.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, con tàu này được rao bán, và Trung Quốc đã mua lại rồi kéo về cảng Đại Liên vào năm 1998, và họ đã mất một thời gian dài để cải hoán lại tàu Varyag để biên chế cho hải quân của mình vào năm 2012.

Những điểm yếu "chết người" của tàu Liêu Ninh - 2

Tàu sân bay Liêu Ninh được cải hoán từ tàu Varyag

Chính những công nghệ vốn đã rất cũ kỹ và lạc hậu từ những năm 1990 này đã hạn chế rất nhiều đến phạm vi hoạt động cũng như tính hữu dụng của con tàu ở các vùng biển lớn.

Thứ hai, tàu sân bay Liêu Ninh không thể nào sánh được về sức mạnh và khả năng so với những chiếc tàu sân bay khác của Mỹ đang hoạt động trong khu vực. Hiện nay tàu sân bay Mỹ trong Hạm đội 7 hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương có khả năng phóng những chiến đấu cơ không người lái với tầm hoạt động lên tới 200 hải lý, một khả năng mà cho đến nay tàu Liêu Ninh vẫn đang “bó tay”.

Với ưu thế cất cánh từ tàu sân bay, những chiến đấu cơ không người lái mang tên X-47B của Mỹ có thể dễ dàng xâm nhập sâu bên trong không phận đối phương. Với khả năng đánh bom, bắn tên lửa, tiếp nhiện liệu trên không, trở thành máy bay cung cấp nhiên liệu hay hạ cánh gọn nhẹ trên các hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, X-47B thực sự trở thành nỗi “ám ảnh” đối với tàu sân bay Liêu Ninh và các chiến đấu cơ Trung Quốc.

Những điểm yếu "chết người" của tàu Liêu Ninh - 3

Máy bay không người lái X-47B hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ

Thứ ba, các hệ thống điện tử và vũ khí trên tàu sân bay Liêu Ninh còn kém xa so với trang bị của tàu sân bay Mỹ. Chiến đấu cơ J-15, “đòn chủ lực” của tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa thể so sánh được với những chiếc chiến đấu cơ tàng hình FA-18 E/F Super Hornet của Mỹ.

Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc được cho là một bản sao của máy bay hạng nặng Su-33 Falcon-D của Nga, tuy nhiên chiếc “Cá mập bay” J-15 này đã bị các chuyên gia hàng không chê “tơi bời” vì những hạn chế của nó, đặc biệt là hệ thống động cơ không thể nào so sánh được với nguyên mẫu Su-33.

Ngoài ra, chiến đấu cơ J-15 cũng mới chỉ luyện tập cất hạ cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một thời gian ngắn, và trình độ tác chiến cũng như khả năng phối hợp giữa các chiến đấu cơ này với tàu sân bay Liêu Ninh vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Những điểm yếu "chết người" của tàu Liêu Ninh - 4

Chiến đấu cơ J-15 tập cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Một điểm yếu nữa của tàu Liêu Ninh đó chính là khả năng trinh sát kém xa so với tàu sân bay Mỹ. Hiện tại tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị máy bay trực thăng trinh sát Kamov KA-31 do Nga chế tạo. Mặc dù được trang bị một số công nghệ và tính năng tiên tiến, song “Cá hổ kình” KA-31 không thể nào đọ được với máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của tàu sân bay Mỹ so về trần bay và phạm vi hoạt động.

KA-31 có tốc độ bay tối đa 250 km/h và tầm hoạt động 600 km, trong khi E-2 Hawkeye của hải quân Mỹ có tầm hoạt động 2.700 km với tốc độ bay tối đa 650 km/h. Ngoài ra máy bay cảnh báo sớm của Mỹ có thể phát hiện máy bay địch từ khoảng cách 400-650 km và giám sát đồng thời 40 mục tiêu cùng một lúc.

Điểm yếu cuối cùng của tàu sân bay Liêu Ninh là lực lượng hộ tống. Cụm tàu sân bay chiến đấu Liêu Ninh kéo xuống Biển Đông chỉ có 2 tàu khu trục tên lửa và 2 tàu hộ vệ tên lửa, lực lượng này không đủ lớn để có thể bảo vệ mẫu hạm của mình trong tình huống đối mặt với một cụm tàu sân bay chiến đấu có lực lượng hộ tống hùng hậu và đông đảo như của Mỹ.

Với những điểm yếu “chết người” trên, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc nhận định rằng tàu sân bay Liêu Ninh vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để có thể tự hoàn thiện mình, và với khả năng phối hợp tác chiến như hiện nay, nếu tham gia chiến đấu, tàu Liêu Ninh chẳng khác nào đâm đầu vào chỗ chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNA) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN