Những điểm mới trên thẻ ‘căn cước' so với 'căn cước công dân’

Thẻ căn cước sẽ không in vân tay, đặc điểm nhân dạng lên trên mặt thẻ, thông tin “quê quán” được thay bằng “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” được thay bằng “nơi cư trú”.

Quốc hội vừa thông qua dự thảo Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, thay thế cho Luật Căn cước công dân.

Theo đó, thẻ “căn cước công dân” được đổi tên thành thẻ “căn cước”.

Không in vân tay, đặc điểm nhân dạng lên mặt thẻ căn cước

Về mặt nhìn, bên cạnh việc đổi tên, trên thẻ căn cước cũng có một số thay đổi so với thẻ căn cước công dân.

Cụ thể, theo quy định mới, thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “CĂN CƯỚC”, ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng, nơi cấp.

Như vậy, so với mẫu thẻ CCCD hiện nay, thông tin “quê quán” được thay bằng “nơi đăng ký khai sinh”; “nơi thường trú” được thay bằng “nơi cư trú”. Thẻ căn cước cũng sẽ không có thông tin về vân tay, đặc điểm nhân dạng của công dân.

Thay vào đó, thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, nhóm máu, số CMND 9 số, tôn giáo, thông tin nhân dạng, thẻ BHYT, giấy phép lái xe… sẽ được mã hóa, lưu trữ trong chip.

Đại biểu bấm nút thông qua Luật Căn cước.

Đại biểu bấm nút thông qua Luật Căn cước.

Thẻ căn cước công dân còn hạn sử dụng không cần đổi

Về mặt ý nghĩa, Luật Căn cước 2023 quy định: Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người; thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước là phù hợp, bao hàm đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân cũng như các thông tin trên các loại giấy tờ khác để phục vụ các hoạt động khác trong xã hội như: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái trong việc kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, việc đổi tên thẻ căn cước không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Bởi, Luật quy định người dân có thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.

Ngoài trường hợp trên, những thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước, Điều 24 của Luật Căn cước cũng không quy định phải đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước nếu thẻ đang còn thời hạn sử dụng.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước

Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. NGỌC ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN