Những điểm đáng chú ý trong phiên xử bà Nguyễn Phương Hằng
Bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần nghẹn lời cho biết bản thân bị người khác tấn công, công kích trước và đã bị tạm giam 18 tháng là cái giá quá đắt.
Sau một ngày xét xử, phiên toà sơ thẩm vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng đồng phạm thực hiện đã khép lại.
Tòa tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; tiến sĩ luật Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù. Ba nhân viên của bà Hằng là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù.
Đây là vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì người thực hiện hành vi phạm tội là có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Chính vì vậy mà an ninh bảo vệ phiên toà cũng được siết chặt.
Cả VKS và HĐXX đều nhận định bị cáo Hằng là người khởi xướng, chủ mưu và đứng ra tổ chức các buổi livestream tại nhà riêng và tại Công ty Đại Nam để đưa ra những thông tin bịa đặt, chưa được kiểm chứng xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của 10 cá nhân có đơn tố cáo.
Bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng bản thân bị người khác công kích trước nên bị kích động. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, nhiều lần người thân của bà Hằng đã có đơn xin bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm để được tại ngoại nhưng không được cơ quan tố tụng chấp nhận. Tính đến ngày xét xử bà Phương Hằng đã bị tạm giam 18 tháng. Cũng chính vì thế mà trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra, bà Hằng nhiều lần nghẹn lời nhắc lại câu nói: "Bị cáo đã bị tạm giam 18 tháng, đây là cái giá quá đắt mà bị cáo đã nhận".
Trong quá trình xét hỏi, ngoại trừ Luật sư (LS) bào chữa cho mình và LS bào chữa cho bị cáo Quân thì bà Hằng hầu như không trả lời những câu hỏi các LS còn lại. Bà Hằng chỉ nói ngắn gọn: "Tất cả nội dung đã thể hiện trong cáo trạng, đề nghị luật sư đọc lại cáo trạng".
Trong vụ án có tổng cộng 10 cá nhân bị bà Hằng xúc phạm có đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Tại toà 10 cá nhân này đều có yêu cầu đề nghị HĐXX buộc bà Hằng phải xin lỗi. Tuy nhiên bà Phương Hằng cho rằng bản thân mình mới là bị hại và bị tấn công, công kích trên mạng trước và cũng đã phải trả cái giá quá đắt nên không đồng ý xin lỗi. Tuy nhiên, bà Hằng gửi lời xin lỗi tới những người mà mình đã vô tình xúc phạm trong quá trình livestream.
Đối với tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, ông Quân cho rằng mục đích mình tham gia livestream chung với bà Hằng là để phản biện những sự việc tiêu cực trong xã hội, phân tích quy định để phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Đối đáp lại những lập luận của bị cáo Quân, VKS nói "Bị cáo nói tham gia là phản biện xã hội nhưng bị cáo lại quên phản biện người gần mình nhất là bị cáo Hằng. Thấy bị cáo Hằng vu khống, xúc phạm người khác mà không phản biện, vẫn để bị cáo Hằng tiếp tục xúc phạm người khác".
Toà kiến nghị tiếp tục làm rõ hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng Theo HĐXX, theo quy định của bộ luật Tố tụng Hình sự thì HĐXX chỉ xét xử trong phạm vi cáo trạng truy tố. Đối với hành vi của ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng - PV), TAND TP.HCM cũng đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với cá nhân này. Tuy nhiên sau khi có kết luận điều tra bổ sung, trong cáo trạng mới của VKSND TP.HCM nhận định không có cơ sở để khởi tố đối với ông Dũng. Song, trong quá trình chuẩn bị xét xử, HĐXX nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Quang Tuấn (con bà Hằng) tố cáo vai trò đồng phạm của ông Dũng. Việc kiến nghị phòng ngừa tội phạm thuộc thẩm quyền của HĐXX nên HĐXX kiến nghị làm rõ hành vi của ông Dũng theo đơn tố cáo kèm theo kèm tài liệu của ông Nguyễn Quang Tuấn. Nếu đủ cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo quy định. |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng ba năm tù, Đặng Anh Quân 30 tháng tù, ba bị cáo còn lại mỗi người 18 tháng tù.