Những điểm đáng chú ý tại phiên xét xử Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh
Bị hại mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh bày tỏ mong muốn sớm nhận lại tiền, nhiều người trong số họ đề nghị HĐXX giảm án ‘hết mức có thể’ cho ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm; Viện kiểm sát thay đổi mức án đề nghị theo chiều hướng có lợi cho bị cáo; Khắc phục nhanh hoàn toàn hậu quả vụ án với số tiền lớn nhất từ trước tới nay...
HĐXX TAND TP Hà Nội đang trong thời gian nghị án dài ngày, dự kiến đưa ra phán quyết với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng, cùng 14 đồng phạm vào chiều 27/3.
Trước đó, trong 4 ngày xét xử và luận tội, PV nhận thấy phiên tòa có một số tình tiết diễn biến đáng chú ý.
Chưa nhận lại tiền, hơn 1.400 bị hại vẫn xin giảm án cho bị cáo
Ngày đầu xét xử, dù trời mưa phùn gió lạnh, gần nghìn bị hại có mặt từ 5h sáng xếp hàng ngoài cổng trụ sở TAND TP Hà Nội làm thủ tục vào tham dự phiên tòa.
Có bị hại di chuyển từ các tỉnh xa xôi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… như chị Trần Thị M. (SN 1984) xuất hiện tại sân tòa trên tay bồng đứa con trai 3 tuổi cho biết, chị lặn lội từ Nghệ An ra để đòi quyền lợi với khoản tiền 150 triệu đồng mua trái phiếu.
Khi xét hỏi, nhiều bị hại đứng lên phát biểu với thái độ bức xúc có, song họ vẫn giữ lòng bao dung. Điển hình như bà Nguyễn Thị L. (Hà Nội) cho hay, đã dùng toàn bộ tài sản gia đình mua trái phiếu Tân Hoàng Minh nhưng bà cho rằng, Tân Hoàng Minh không phải bên duy nhất có lỗi mà cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán, các ngân hàng cũng sai phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị can Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) cho hay, 4 ngày trước phiên tòa khai mạc, 1.420 người bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ cho cha con ông Đỗ Anh Dũng. |
Đối với khoản tiền Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp khắc phục vào Kho bạc Nhà nước, bà L. quan điểm rằng "người làm sai bị giam giữ không thể làm gì” nên bà không đòi hỏi lãi.
Anh Nguyễn Anh T. (Hà Nội) phát biểu, cùng nhiều bị hại khác 5 lần viết đơn xin tại ngoại cho cha con ông Đỗ Anh Dũng, dù số tiền 1,2 tỷ đồng anh mua trái phiếu vẫn chưa được thanh toán.
Diễn biến xét xử ghi nhận thêm một số bị hại “đòi hỏi” về khoản lãi mua trái phiếu, chẳng hạn như chị Nguyễn Thị H. (đại diện cho nhóm 73 người) nói, bà đã tập hơn được 73 bị hại, số này có người mua trái phiếu hợp đồng lẽ ra phải được thanh quyết toán trước khi vụ án được khởi tố, đến nay vẫn chưa được trả, tòa nên xem xét đảm bảo khoản lợi nhuận như đã ký với công ty.
Trước khi phiên tòa khép lại phần tranh luận, nhiều bị hại liên tiếp đứng lên xin tòa khoan hồng, giảm thêm hình phạt với bị cáo.
“Chúng tôi mong HĐXX sớm đưa ra phán quyết để lấy lại tiền làm ăn. Với nhóm bị cáo, bây giờ phạt nặng cũng không có nghĩa gì hãy khoan hồng cho họ sớm ra ngoài tiếp lao động, giúp sức cống hiến cho xã hội”, một bị hại bày tỏ.
Đáp lại ý kiến của bị hại, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng khẳng định, các khoản tiền lãi trong hợp đồng giữa tập đoàn này và nhà đầu tư mà đến hạn trước thời điểm bị cáo bị bắt, bị cáo xin nhận trách nhiệm.
"Còn những khoản tiền lãi tính từ sau thời điểm tôi bị bắt, tôi tuân theo quyết định của HĐXX", bị cáo Đỗ Anh Dũng nói.
Nhà đầu tư làm thủ tục
Chủ tịch Tân Hoàng Minh nhận hết trách nhiệm về mình
Về phần mình, xuyên suốt 4 ngày xét hỏi, ông Đỗ Anh Dũng cùng 14 đồng phạm đều thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn, hối lỗi về sai lầm gây ra.
Bị cáo buộc giữ vai trò cao nhất, ông Dũng nhận về mình trách nhiệm chính, không đổ lỗi cho cấp dưới, cũng không buộc cấp dưới phải nộp tiền khắc phục hậu quả.
“Ngay khi phát hành trái phiếu, thâm tâm tôi chưa từng có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua. Tôi chỉ nghĩ đây là huy động tiền sử dụng cho mục đích kinh doanh", Chủ tịch Tân Hoàng Minh giãi bày.
Tương tự, con trai ông, bị cáo Đỗ Hoàng Việt thừa nhận đã cùng nhóm nhân viên thuộc Tân Hoàng Minh tham gia các khâu thủ tục có sai phạm để được phát hành trái phiếu. Khi bị khởi tố, Việt đề nghị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho phép tiếp cận với người nhà để làm nghĩa vụ khắc phục hậu quả. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn bị cáo cùng cha đã huy động đủ hơn 8.600 tỷ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Viện kiểm sát đề nghị giảm thêm hình phạt cho bị cáo
Đáng chú ý, diễn biến xét xử cũng ghi nhận ông Đỗ Anh Dũng cho biết đã nộp khắc phục thừa hơn 1 tỷ đồng; đại diện Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh) cũng công bố biên lai nộp thêm 2 tỷ đồng với mong muốn được ‘san sẻ” cùng nhà đầu tư.
Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, đây là tình tiết mới của vụ án nên cần thiết phải xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Từ đó, Viện kiểm sát thay đổi đề nghị mức án bị cáo Đỗ Anh Dũng từ 8 - 9 năm tù (mức án đề nghị ban đầu từ 9 -10 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt được giảm xuống còn 4 – 5 năm tù (trước đó Việt bị đề nghị 5 – 6 năm tù); nhóm bị cáo còn lại được đề nghị chuyển từ tù giam sang tù treo hoặc giảm từ 6 tháng đến 1 năm.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa.
Khắc phục nhanh số tiền lớn nhất từ trước tới nay
Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng) thay mặt thân chủ cảm ơn sự bao dung của nhiều bị hại. Trích dẫn bút lục lời khai của thân chủ tại cơ quan điều tra, luật sư nêu khi phát hành trái phiếu, ông Dũng xác định "không có những nhà đầu tư chiến lược này thì phương án kinh doanh khó có thể thành công, do vậy không có suy nghĩ sẽ lừa người dân".
Theo luật sư, thời điểm đó Tân Hoàng Minh đang phát triển rất nhiều dự án, sau khi bị khởi tố, ông Dũng đã khắc phục đầy đủ hơn 8.600 tỷ đồng để giảm thiệt hại đến mức tối đa cho các nhà đầu tư. Số tiền khắc phục này được luật sư cho rằng "lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án" liên quan tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nói sau hai năm vướng lao lý, từ tập đoàn kinh tế hơn 2.000 nhân viên, Tân Hoàng Minh chỉ còn hơn 100 nhân sự, luật sư Thanh mong HĐXX khoan hồng để các bị cáo sớm trở về khôi phục hoạt động doanh nghiệp.
Nói lời sau cùng trước khi nghị án, ông Đỗ Anh Dũng cảm ơn HĐXX, Viện kiểm sát đã tạo điều kiện cho bị cáo trong phiên tòa được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Khoảng 15 phút trình bày, ông nhiều lần nghẹn khóc xin cho các 'đồng sự' phải hầu tòa cùng ông.
“Tôi thấu hiểu các nhà đầu tư ngồi đây, trong hai năm qua dù tôi không gặp mặt nhưng đã tiết kiệm đồng tiền nhàn rỗi tin tưởng vào chúng tôi mua trái phiếu... Xin cho tôi được chia sẻ với nhọc nhằn quý vị đã gặp phải, ngày hôm nay đứng trước phiên tòa này tôi thành thật xin lỗi và cảm ơn đã bao dung…”, ông Đỗ Anh Dũng cúi người nói.
Theo chuyên gia về luật, trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật
Nguồn: [Link nguồn]