Những đêm trắng giành giật sự sống cho F0

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bệnh nhân có thể vừa trò chuyện đó thôi, lát sau lên cơn khó thở, tử vong trước mặt mình luôn. Việc kiểm soát cảm xúc cũng vô cùng khó khăn...

“Em chỉ khóc một chút thôi, căng thẳng và áp lực quá. Giờ thì ổn rồi, em sẽ tiếp tục quay lại vị trí của mình”. Đó là chia sẻ của một bác sĩ trẻ trong cuộc chiến giành giật lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 giữa tâm dịch TP.HCM.

Suốt nhiều tháng, những chiến sĩ áo trắng rời xa gia đình, con cái và chưa từng nghĩ sẽ rời bỏ công việc đầy hiểm nguy của mình.

Các y, bác sĩ căng mình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại BV Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM

Các y, bác sĩ căng mình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại BV Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM

Những giọt nước mắt nơi tuyến đầu

Tranh thủ những giây phút ngoài ca trực, BS. Trần Oai Hùng, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy lại lui ra góc hành lang gọi điện cho 3 con nhỏ ở nhà.

Những câu chuyện không đầu không cuối khi lũ nhỏ ríu rít tranh nhau gọi: “Ba, ba ơi… chừng nào ba về với tụi con?”. “Ba đi trị bệnh cho các cô, các chú nên chưa về được. Mấy con ngoan nghen. Hết dịch là ba về thăm các con nghen”…

Với BS. Hùng, được ngắm nhìn, trò chuyện đôi ba câu với lũ trẻ mỗi ngày như liều doping giúp anh mạnh mẽ hơn cùng đồng đội vượt qua những tháng ngày “chưa từng thấy” trong cuộc đời làm nghề của mình.

Nhắc đến gia đình, đôi mắt điều dưỡng Trương Thị Kim Dung, Khoa ngoại Thần kinh, BV Chợ Rẫy bỗng ngân ngấn lệ. “Lượng bệnh nhân cứ ngày một tăng chưa biết khi nào dừng lại. Gần 3 tháng rồi em chưa được gặp các con”, chị nói.

Theo lời chị Dung, cuối tháng 5, sau khi lũ trẻ hoàn thành kỳ thi, chị gửi con về quê với ông bà ngoại, chưa kịp đón con lên thì dịch bệnh ập đến.

Cũng từ đó, chị chưa gặp lại con. Nỗi lo dịch bệnh bùng phát khắp nơi, trong khi ở nhà chỉ có con nhỏ, cha mẹ già khiến chị thắt lòng. Dẫu vậy, chị không thể rời vị trí vì bao bệnh nhân cần chị và các đồng nghiệp.

“Chỉ cần mình bất cẩn một chút có thể lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân. Giờ chỉ biết cố gắng hết sức mình mong sớm hết dịch, bệnh nhân mau khỏe để được ra viện và mình cũng được đoàn tụ với gia đình”, chị Dung chia sẻ.

Nói về các đồng nghiệp, chị Trần Thị Thúy, Điều dưỡng trưởng, Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy kể: “Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, đa số các bạn ấy chọn cách ở luôn BV để tiện chăm sóc người bệnh. Nhiều bạn gửi con về quê để chuyên tâm với nhiệm vụ tại BV, dù con chỉ mới 6 - 7 tháng tuổi...”.

“Nhiều lần mình bắt gặp các em ra khỏi khu cách ly là bật khóc vì mệt quá, áp lực quá. Nhưng chỉ 15 - 30 phút sau, các em quay trở lại với công việc. Cứ như vậy suốt 3 tháng ròng. Mong muốn lớn nhất lúc này là được thay đổi nhân lực vì quá tải nhưng điều đó khó vô cùng…”, chị Thúy nói.

Kề vai sát cánh với các đồng nghiệp TP.HCM trong “trận chiến” này còn có hàng vạn y, bác sĩ, sinh viên khối trường Y dược trên toàn quốc.

Tất cả họ đều bỏ lại sau lưng những nỗi niềm riêng tư, đến với tâm dịch để san sẻ công việc với đồng nghiệp, hỗ trợ bệnh nhân.

Đó là kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Đình Hoàng (Phú Thọ). Anh chỉ vừa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn được 10 ngày, chưa kịp tổ chức hôn lễ đã tình nguyện lên đường vào TP.HCM, hiện đang làm nhiệm vụ tại BV Hồi sức Covid-19. Ngày chia tay vợ, anh hứa sẽ giữ gìn sức khỏe để khi trở về sẽ mua tặng vợ chiếc váy cô dâu thật đẹp.

Cũng tại tâm dịch, có đôi bạn trẻ là bác sĩ đã gác lại chuyện tình, giấu nỗi lo cho nhau để lăn xả tại khu Hồi sức ICU 2A (khu bệnh nặng hồi sức tích cực của BV Hồi sức Covid-19) giành giật sự sống cho người bệnh. Và còn biết bao chiến sĩ tuyến đầu giấu nước mắt vào trong khi không thể về quê nhà chịu tang cha, mẹ...

Chế độ trực chiến 24/7

Từ tháng 6, số bệnh nhân mắc Covid-19 liên tục gia tăng, BV Chợ Rẫy cũng như nhiều BV khác bật “đèn đỏ”, chuyển sang chế độ trực chiến, sẵn sàng tiếp nhận các ca F0 nặng.

Sang tháng 7, các y, bác sĩ của BV không ai bảo ai đều ngầm hiểu và lặng lẽ thu xếp công việc gia đình, kéo vali vào BV chấp nhận trực chiến 24/7.

Họ tự nhủ, trong “trận chiến” này, nếu không cùng kề vai, sát cánh thì không thể vượt qua. Mọi nỗ lực giờ đây được tính bằng giây, phút bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của mỗi bệnh nhân F0 đều vô cùng mong manh.

BS. Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Chúng tôi không biết hôm nay thứ mấy, không ngày nghỉ, không biết đến cuối tuần, bởi ngày nào cũng vậy.

Đôi khi, ngay cả tin nhắn động viên của gia đình, bạn bè cũng không có thời gian đọc. Những đêm trắng nhiều lắm, vì ráng giải phóng bệnh nhân, khi nhiều người khác đang xếp hàng. Công việc cứ nối tiếp, triền miên, vì đây là tuyến cuối. Khi bệnh nhân đến đây là lúc họ không còn bất kỳ sự lựa chọn nào nữa”.

Ca bệnh vẫn tăng không ngừng, suốt nhiều tháng ròng, nhưng với đội ngũ cán bộ y tế ở khắp các cơ sở tại TP.HCM, không phải sự vất vả mà nỗi đau lớn nhất là mỗi lần chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân sau mọi cố gắng đến cạn kiệt của mình. “Đợt này, tình trạng sức khỏe bệnh nhân diễn biến rất nhanh.

Thật sự rất mệt mỏi, đuối sức nhưng chúng tôi không cho phép mình được dừng lại, buông xuôi. Các anh em cứ động viên nhau, còn bệnh nhân đó, còn những người nặng đó thì mọi người cùng nắm tay lại với nhau, vì người bệnh, phải ráng làm sao tiếp nhận được nhiều bệnh nhân nhất, phải ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh nhân nhất.

BS. Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy

Có thể vừa trò chuyện đó thôi, lát sau lên cơn khó thở, tử vong trước mặt mình luôn. Việc kiểm soát cảm xúc cũng vô cùng khó khăn nhưng bắt buộc phải kìm nén lại, luôn tự trấn an mình để tiếp tục cấp cứu cho các bệnh nhân khác”, BS. Phạm Trần Chiến, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ và cho biết, với bản thân anh và các đồng nghiệp, sự phục hồi của mỗi bệnh nhân là nguồn động viên tinh thần, ý chí rất lớn để có thêm năng lượng bám “trận địa”.

BS. Trần Thanh Linh vẫn nhớ mãi cuộc gọi cầu cứu lúc 3h sáng ngày 28/7 của một đồng nghiệp đang công tác BV Nhi Đồng TP.HCM.

Cuộc gọi khẩn thiết với đề nghị những bác sĩ hàng đầu hội chẩn can thiệp ECMO cho chị C.N.L.Đ. (31 tuổi), hiện đang mang thai 31 tuần và cũng là một bác sĩ của BV Nhi Đồng TP.HCM không may mắc Covid-19 rất nguy kịch, phải thở máy tại BV Trưng Vương.

Qua trao đổi chớp nhoáng, ê-kip các bác sĩ Hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy đang phụ trách BV Hồi sức Covid-19 đã nhanh chóng có mặt, phối hợp cùng Khoa Sản BV Trưng Vương, Khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi Đồng TP.HCM mổ cứu thai nhi và tiến hành đặt ECMO cho người mẹ.

Sau ca mổ, bé trai nặng 2kg được đưa về BV Nhi Đồng TP.HCM tiếp tục theo dõi sức khỏe, người mẹ được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực 2A BV Hồi sức Covid-19.

Sau 1 tuần được can thiệp bằng kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu tích cực, bệnh nhân và cũng là bác sĩ Đ. đã được cai máy thở, rút nội khí quản và cai ECMO thành công.

“Được nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ, người đồng nghiệp, khi ngắm nhìn con mình vẫn đang khỏe mạnh qua cuộc gọi video, đã giúp chúng tôi trút đi rất nhiều mệt mỏi trong những đêm trắng giành giật từng mạng sống của bệnh nhân nguy kịch tại BV Hồi sức Covid-19”, BS. Linh chia sẻ...

Nguồn: [Link nguồn]

Công an chặn xe mượn bình oxy, ống thở cứu F0 nguy cấp giữa đường

Đang làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT – TT Công an quận Tân Bình (TP.HCM) nhận được sự cầu cứu của người chồng chở vợ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Vũ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN