Những đặc công đa tài
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 429 (Binh chủng Đặc công) không chỉ giỏi võ, thuần thục kỹ, chiến thuật mà còn có nhiều sáng kiến cải tiến mô hình học cụ rất hiệu quả.
Thượng úy Nguyễn Văn Hoài (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội bên “Thiết bị bảo hiểm leo trèo nhà cao tầng”.
Vườn hoa sáng kiến
Nổi bật giữa vườn hoa sáng kiến là những cái tên luôn được đồng đội yêu mến và cảm phục mỗi khi nhắc đến hiệu quả những “công trình” của họ.
Đó là chiến đấu viên (CĐV) thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Văn Hoài với sáng kiến “Thiết bị bảo hiểm leo trèo nhà cao tầng”; CĐV thượng úy QNCN Lê Văn Mạnh với “Thiết bị bảo hiểm dây tử thần”; đại úy Nguyễn Văn Thảo với “Bộ âm thanh huấn luyện đội ngũ chiến thuật”; đại úy Phạm Đình Huân với “Cơ cấu kẹp đạn bắn gián tiếp cho súng cối 82mm”; đại úy Nguyễn Quang Dũng với “Phần mềm quản lý vật tư hàng hóa”; trung tá Đặng Anh Thắm với “Mô hình mỗi tuần học một điều luật”…
Đặc biệt, gương mặt dạn dày kinh nghiệm, trung tá Nguyễn Đăng Đồng, với sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ trong huấn luyện kỹ, chiến thuật ” thể hiện rõ nét tính đặc thù chuyên ngành đặc công bộ để ứng dụng vào trong huấn luyện. Hằng năm, anh đầu tư nhiều công sức để cho ra nhiều sáng kiến cải tiến học cụ huấn luyện.
Đại tá Lê Hồng Phong, Lữ đoàn trưởng Đặc công 429 cho biết: “Năm nào Lữ đoàn cũng tổ chức “Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ”. Chứng kiến nhiều cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình, hăng hái tham gia Hội thi, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi.
Hàng chục sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ được cán bộ, sĩ quan trẻ và CĐV tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu rất phù hợp với công tác học tập, huấn luyện cho bộ đội đặc công theo từng khoa mục kỹ, chiến thuật. Điều đó chứng tỏ khả năng nghiên cứu khoa học luôn tiềm ẩn trong mỗi người chiến sĩ đặc công hôm nay”.
Vừa qua, Lữ đoàn Đặc công 429 đã tổ chức Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ năm 2016 với gần 60 “công trình” tham gia. Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 17 giải B và 10 giải C. Để tham dự Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ Binh chủng Đặc công trong tháng 7 tới, Lữ đoàn Đặc công 429 đã chắt lọc rất khắt khe từ trên 50 sáng kiến tại đơn vị để chọn ra 11 sáng kiến, cải tiến nổi trội nhất sẽ mang đến Hội thi cấp Binh chủng.
Những sáng kiến giá trị
Chứng kiến tính năng, tác dụng của sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ trong huấn luyện kỹ, chiến thuật” của trung tá Nguyễn Đăng Đồng (Liên đội trưởng Liên đội 8, Lữ đoàn Đặc công 429), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đa năng của thiết bị. Trung tá Đồng cho biết: “Từ tình hình thực tiễn đơn vị những năm qua, trong huấn luyện việc nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, tôi đã nghiên cứu và quyết định trình làng sáng kiến này tại Hội thi của Lữ đoàn vừa qua”.
“Năm nào Lữ đoàn cũng tổ chức “Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ”. Chứng kiến nhiều cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình, hăng hái tham gia Hội thi, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Hàng chục sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ được cán bộ, sĩ quan trẻ và CĐV tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu rất phù hợp với công tác học tập, huấn luyện cho bộ đội đặc công theo từng khoa mục kỹ, chiến thuật. Điều đó chứng tỏ khả năng nghiên cứu khoa học luôn tiềm ẩn trong mỗi người chiến sĩ đặc công hôm nay”. Đại tá Lê Hồng Phong |
Ghé thăm Đội CKB, chúng tôi gặp thượng úy Nguyễn Văn Hoài (CĐV, Đội CKB, Lữ đoàn Đặc công 429), người luôn trăn trở với vấn đề “an toàn” khi huấn luyện leo trèo nhà cao tầng.
Anh tâm sự: “Huấn luyện leo trèo nhà cao tầng là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng đặc công và trong tác chiến. Ngoài yêu cầu bảo đảm thuần thục kỹ thuật động tác vận dụng tốt trong điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn trong huấn luyện là nội dung quan trọng không thể thiếu và được đặc biệt quan tâm. Thiết bị bảo hiểm leo trèo nhà cao tầng sẽ giúp công tác bảo đảm an toàn được tuyệt đối trong quá trình huấn luyện”.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Đặc công 429 đã luôn động viên, khuyến khích cán bộ, sĩ quan trẻ, CĐV phát huy hết khả năng của bản thân để hoàn thành các “công trình” mang ra thực nghiệm, ứng dụng trực tiếp vào quá trình huấn luyện bộ đội.
Theo đại tá Lê Hồng Phong, nhiều cán bộ, sĩ quan trẻ và CĐV của Lữ đoàn là những “cây sáng kiến” có nhiều triển vọng của đơn vị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo nhỏ tại từng đội, phân đội để anh em cán bộ, chiến sĩ trực tiếp góp ý, chỉnh sửa từng chi tiết của mỗi “sản phẩm”, rồi chọn lọc thi cấp Lữ đoàn và các cấp trên. Những “đề tài” nào có tính ưu việt cao, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong công tác huấn luyện sẽ được đầu tư cả về thời gian và kinh phí.