Những công văn gây “bão dư luận”
Công văn ủng hộ nhắn tin cho thí sinh The Voice Kids không phải là công văn đầu tiên khiến dư luận sửng sốt.
Lùm xùm "công văn ủng hộ" The Voice Kids
Sau Đêm chung kết The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí tối 7/9, thí sinh Nguyễn Quang Anh đến từ Thanh Hóa đã giành vị trí quán quân. Nhưng hai văn bản của Sở GD&ĐT Thanh Hóa và UBND Phường Đông Sơn (TP. Thanh Hóa) lại khiến dư luận xôn xao.
"Mỗi tin nhắn của chúng ta là Quang Anh được chắp thêm đôi cánh để bay cao và xa hơn" – trích văn bản của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Tương tự, công văn của UBND do Phó chủ tịch UBND Phường Đông Sơn ký ghi rõ: “Đề nghị các phố thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phố và vận động nhân dân hãy bình chọn cho em Quang Anh - người con của phường Đông Sơn - Thành phố Thanh Hóa để em vươn xa với ước mơ ca hát của mình”.
Hai công văn từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa
Trả lời Khampha.vn, ông Hoàng Tiến Hiện, Phó GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết Sở không chỉ đạo ai phải nhắn tin ủng hộ, Sở chỉ có thông báo để các học sinh và thầy cô giáo ủng hộ cháu Quang Anh.
Theo ông Hiện, đây là việc làm văn hóa, tương tự trong cuộc thi bình chọn Vịnh Hạ Long....
Trong khi nhiều người cho rằng việc địa phương kêu gọi người dân bình chọn cho thí sinh quê nhà không có gì sai trái; nhiều ý kiến khác lại khẳng định việc gửi "công văn" như cho thấy sự hơn thua của người lớn, ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của con trẻ.
Huy động công an, quân đội đi… cổ vũ bóng đá
Ngày 26/3/2013, UBND tỉnh Kon Tum ra công văn có dấu Khẩn về việc điều động cán bộ và nhân dân đến xem và cổ vũ các trận bóng đá U19 Quốc gia năm 2013.
UBND tỉnh đề nghị các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các địa phương huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động của đơn vị tham dự bảo đảm số lượng người tại các trận đấu và chịu trách nhiệm quản lý lực lượng của từng đơn vị.
Công văn này cũng phân chia lực lượng cán bộ đi cổ vũ cho các trận đấu. Theo đó, mỗi trận đấu sẽ huy động đội cổ vũ khoảng 800 người gồm quân đội, công an, các sở ban ngành; riêng trận chung kết là gần 1.500 người.
Điều đáng nói là một số trận đấu diễn ra trong giờ hành chính, việc huy động cán bộ, công chức đi cổ vũ bóng đá sẽ ảnh hưởng đến công tác của từng đơn vị.
Công văn có dấu Khẩn về việc điều động cán bộ và nhân dân đến xem và cổ vũ các trận bóng đá U19 Quốc gia năm 2013
Trả lời báo chí về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho biết đây là động viên chứ không hề có sức ép từ phía tỉnh. Ông Hùng nói thêm: “Trong giờ làm việc, ai cho phép được huy động cán bộ đi xem bóng đá. Chỉ có những trận ngoài giờ thì mới được đi xem thôi”.
Lý giải về công văn huy động cán bộ đi xem bóng đá nhưng đóng dấu “Khẩn”, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho biết vì mọi sốt ruột hô hào anh em nhanh nhanh cổ vũ nên mới đóng dấu “Khẩn” vào công văn.
Vị lãnh đạo tỉnh cũng cho biết đã tổ chức họp và kiểm điểm về việc này. Tỉnh sẽ rút kinh nghiệm và đính chính ngay.
Điều hơn 60 cán bộ, công chức đi phục vụ tang lễ
Giữa tháng 6 vừa qua, Bảng phân công trực phục vụ đám tang một cán bộ hưu trí khiến dư luận sửng sốt. Bảng phân công có dấu của Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng ghi rõ tên của gần 60 công chức với sự phân công rõ ràng.
Theo đó, những người này sẽ đến phục vụ đám tang từ 7 giờ sáng đến 21 giờ tối, với nhiệm vụ chính là tiếp nước, dọn dẹp…
Việc điều động gần 60 công chức nhà nước bỏ công việc trong giờ hành chính để phục vụ đám tang đã gây bức xúc trong dư luận.
Danh sách cán bộ, công chức được điều động đi phục vụ đám tang
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết ông rất buồn trước việc điều động này. Ông Khương cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình tang gia khó khăn, chồng bị bại liệt hơn 20 năm, người con trai cũng bại liệt. “Nay cô ấy mất, cũng không biết ai nuôi hai người đó chắc cũng phải tính hỗ trợ, anh em văn phòng chỉ xuất phát từ tình cảm” – ông Khương nói.
Theo vị Phó Chủ tịch TP, tình cảm là tốt nhưng chỉ nên khéo léo giao mỗi phòng sắp xếp công việc cắt cử người giúp gia đình tang gia.
Ông Khương cũng khẳng định UBND TP không biết về bảng phân công cán bộ công chức phục vụ lễ tang. “Chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm” – Ông Khương nhấn mạnh.
Công văn “xin” tiền Tết doanh nghiệp
Đầu năm 2010, với nội dung để phục vụ cho công tác bảo vệ dịp Tết Canh Dần, Trưởng Công an phường P. ở Hà Nội đã soạn văn bản, đóng dấu gửi đến các cơ quan, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ giúp đỡ kinh phí.
Công văn có đoạn: “Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay các cơ quan doanh nghiệp nghỉ nhiều ngày. Để phục vụ cho công tác bảo vệ trước, trong và sau Tết Canh Dần và động viên cán bộ chiến sĩ trực làm nhiệm vụ trong dịp Tết, đề nghị lãnh đạo cơ quan doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ kinh phí cho công an phường với số tiền là...”.
Giám đốc Công an TP Hà Nội (khi đó là Tướng Nguyễn Đức Nhanh) đã quyết định kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức vụ vị Trưởng Công an phường ra công văn này do vi phạm quy định ngành. Cảnh sát khu vực mang công văn đến xin tiền các doanh nghiệp cũng bị điều chuyển công tác.