Những côn trùng khủng nhất thế giới
Đây là những con vật có kích thước lớn nhất và vẻ ngoài đáng sợ nhất trong thế giới côn trùng.
Côn trùng đã xuất hiện trên trái đất từ hơn 300 triệu năm trước đây, và số lượng của chúng tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ. Chúng đã tiến hóa thành nhiều chủng loài khác nhau để thích nghi với điều kiện khí hậu khác nhau ở các vùng trên thế giới.
Phần lớn các loài côn trùng chỉ khiến con người cảm thấy sợ hãi khi cắn hoặc thình lình bò lên mặt chúng ta. Tuy nhiên cũng có những loài côn trùng mà mới nhìn qua bạn đã có thể thấy sợ phát khiếp. Sau đây là những loài côn trùng lớn nhất và đáng sợ nhất hành tinh.
1. Nhện Goliath ăn thịt chim
Loài nhện Goliath ăn thịt chim là động vật lớp nhện thuộc họ nhện đen nhiệt đới tarantula. Về sải chân, đây là loài nhện lớn thứ hai thế giới sau nhện săn khổng lồ, tuy nhiên nếu xét về khối lượng thì nó lại là loài nhện nặng nhất.
Nhện ăn thịt chim Goliath là loài sinh vật bản địa sống ở các khu rừng nhiệt đới Bắc Mỹ. Nó có trọng lượng trên 170 gam với những chiếc chân dài trên 30 cm. Chúng sống trong những hang hốc tự đào hoặc do các loài khác để lại.
Loài nhện này được đặt tên như vậy khi một nhà thám hiểm thời Victoria trông thấy nó ăn một con chim ruồi.
Nhện cái trưởng thành trong vòng từ 3 đến 4 năm và có tuổi thọ trung bình từ 15 đến 25 năm. Con đực chết ngay sau khi trưởng thành và có tuổi thọ chỉ khoảng 3-6 năm.
2. Bướm Nữ hoàng Alexandra
Loài bướm lớn nhất thế giới này được đặt tên theo tên của Hoàng hậu Alexandra, vợ Vua Edward VII của Anh. Bướm cái lớn hơn bướm đực nhiều, với sải cánh có thể lên đến 31cm, thân dài 8cm và cân nặng đến 12g, lớn hơn bất kỳ loài bướm nào khác trên thế giới.
Cánh bướm cái màu nâu với những vết màu trắng, thân màu kem và một đốm lông nhỏ màu đỏ ở ức. Trong khi đó bướm đực có sải cánh không quá 20cm. Cánh bướm đực cũng màu nâu nhưng có các vết màu xanh dương và xanh lá cây lóng lánh, bụng màu vàng sáng. Điểm đặc biệt để nhận dạng ra bướm đực là có những đốm màu vàng kim ở cánh sau.
Bướm Nữ hoàng Alexandra sinh sống ở vùng nhiệt đới phía Bắc Papua New Guinea. Từ khi còn là ấu trùng, bướm Nữ hoàng Alexandra đã ăn lá và vỏ của pipevine có chứa chất độc acid aristoloic và chất độc này tích tụ trong cơ thể của bướm trưởng thành. Chất độc này đủ làm cho con vật săn mồi bị ngộ độc và nó trở thành vũ khí tự vệ lợi hại của loài côn trùng này trước kẻ thù.
3. Chân giống khổng lồ
Về lý thuyết, chân giống khổng lồ không phải là một loài côn trùng mà là một thành viên thuộc chi giáp xác giống như tôm hùm và cua. Tuy chúng sống ở độ sâu hơn 700 mét dưới đáy biển nhưng hình dạng của chúng lại rất giống bọ cánh cứng thường thấy trong vườn.
Bên cạnh đó, chân giống khổng lồ còn là các giáp xác ăn thịt. Do nguồn thức ăn vô cùng khan hiếm, chúng dần quen với việc phải ăn bất cứ thứ gì từ trên mặt nước rơi xuống và ăn thịt một số loài động vật nhỏ ở cùng ở độ sâu.
Chiều dài mà chân giống khổng lồ có thể đạt tới là từ 19 đến 37cm nhưng khi bị đe doạ chúng sẽ cuộn tròn lại để được bảo vệ trong chiếc vỏ giáp rất cứng. Chân gống khổng lồ có cấu tạo vòm miệng khá phức tạp để đảm bảo đầy đủ các chức năng của một loài ăn thịt: đâm thủng, xâu xé, mổ bụng con mồi.
Chân giống khổng lồ có thịt khá ngon và nó tương đối phổ biến trong các nhà hàng hải sản ở một số quốc gia Đông Á.
4. Nhện lạc đà khổng lồ
Nhện lạc đà khổng lồ là loài côn trùng có nguồn gốc từ các sa mạc ở Iraq, tuy nhiên chúng cũng xuất hiện ở Mexico, vùng tây nam nước Mỹ và các hoang mạc ở Trung Đông. Chúng có kích thước tới hơn 25 cm và những chiếc chân dài giúp chúng chạy nhanh với tốc độ lên tới 16 km/h.
Chúng rất thích ẩn náu trong túi ngủ hoặc vật dụng của con người khiến nhiều người kinh hoảng. Tuy loài nhện này lại không có độc nhưng chúng có hàm răng rất sắc như dao và khỏe như càng cua.
Là loài ăn thịt, chúng dùng răng tấn công côn trùng, động vật gặm nhấm, rắn và các loài chim nhỏ. Sau khi giết chết con mồi, chúng tiết ra một enzyme làm thịt hoá lỏng rồi hút vào dạ dày.
5. Bọ Titan (Titan Beatle)
Bọ Titan là tên của loài bọ cánh cứng lớn nhất trong thế giới côn trùng. Một con bọ Titan trưởng thành có chiều dài lên đến 16,7 cm và sở hữu một bộ răng hết sức sắc bén, có thể cắn gãy đôi một cây bút chì. Tuy có vẻ ngoài khá đáng sợ nhưng loài bọ này lại vô hại đối với con người.
Bọ Titan thường ẩn náu trong các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Chúng dự trữ năng lượng từ lúc còn là nhộng và thường không ăn gì từ khi rời tổ đến khi trưởng thành và đi kiếm bạn tình.
Khi gặp nguy hiểm bọ Titan thường rít lên để cảnh báo và dùng đôi hàm lớn của mình tấn công kẻ thù. Bên cạnh đó chùng còn có đôi chân to khỏe với móng vuốt sắc nhọn, có thể xé nát con mồi. Tuy vậy, bọ Titan khá lành tính, chúng thường không tấn công nếu không bị đe dọa.
6. Bọ que khổng lồ (Giant Stick Insects)
Đây là loài bọ dài nhất trên thế giới với chiều dài có thể lên tới 61 cm. Loài bọ que khổng lồ sinh sống ở vùng Đông Nam Á này đã tiến hóa theo hướng “kéo dài” cơ thể như vậy để ngụy trang trong các cành cây trước những kẻ săn mồi.
Một số loài bọ que còn có thể phóng ra mùi hôi rất khó chịu để tự vệ, tuy nhiên chúng hầu như không gây hại cho con người và thường được nuôi làm cảnh.
7. Bướm đêm Atlas (Atlas Moth)
Loài bướm đêm này được đặt tên như vậy vì các hoa văn trên cánh của nó trông giống như các bản đồ Atlas. Đây là loài bướm đêm thuộc họ Ngài Hoàng đế sinh sống ở các rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Đông Nam Á.
Bướm đêm Atlas được xem là loài bướm đêm lớn nhất trên thế giới với tổng diện tích bề mặt cánh lên tới khoảng 400 cm2. Sải cánh của chúng cũng thuộc loại lớn nhất, từ 25–30 cm. Bướm cái có kích thước lớn hơn và trọng lượng nặng hơn bướm đực.
Ở Việt Nam, loài bướm này hay được gọi là bướm khế vì nó thường đẻ trứng và sinh sống trên cây khế. Đây là một trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ Việt Nam gồm bướm khế, bướm đuôi dài và bướm phượng.
8. Dế Weta khổng lồ (Giant Weta)
Loài dế khổng lồ này chủ yếu xuất hiện ở New Zealand và là một ví dụ điển hình về những loài vật “khủng” trên hòn đảo bị cô lập. Loài dế này có chiều dài lên tới 15 cm và nặng tới 71g.
Trước khi loài chuột xuất hiện trên hòn đảo này, dế Weta khổng lồ với bộ răng sắc nhọn và cực khỏe của mình đóng vai trò như một loài gặm nhấm nhỏ trong hệ sinh thái. Tuy nhiên loài dế khổng lồ này không gây hại cho con người. Ban ngày chúng thường ẩn nấp ở những nơi kín đáo và chỉ ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm.
9. Bọ Héc-quyn (Hercules Beetle)
Bọ Héc-quyn là loài lớn nhất và nổi tiếng nhất trong họ Kiến Dương (Rhinoceros Beetle). Chúng có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribbees.
Chúng có tên gọi này nhờ sức khỏe phi thường với khả năng nâng bổng trọng lượng gấp 850 lần trọng lượng cơ thể và một số con đực có thể dài tới 17 cm. Con cái thường có cơ thể lớn hơn nhưng ngắn hơn rất nhiều so với con đực vì con đực có 2 chiếc sừng rất dài. Một chiếc sừng ở ngực cong lên trời, còn chiếc sừng ở đầu chĩa xuống đất trông như một gọng kìm.
Giai đoạn ấu trùng của bọ Héc-quyn có thể kéo dài từ 1 đến 2 năm, và ấu trùng có thể đạt tới chiều dài 11 cm và nặng 28g. Ấu trùng dành phần lớn thời gian để đục khoét các thân gỗ mục làm thức ăn. Sau khi biến thành bọ trưởng thành, chúng sẽ lang thang khắp rừng để đi tìm các loại hoa quả thối rữa.
10. Bướm Phù thủy trắng (White Witch Moth)
Tuy bướm đêm Atlas có tổng diện tích cánh lớn nhất nhưng chức vô địch về bề rộng của cánh phải thuộc về bướm Phù thủy trắng. Loài bướm này có kích thước cánh từ đầu này sang đầu bên kia lên tới 31 cm.
Loài bướm này là một thành viên của họ Noctuidae sinh sống ở Texas, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Loài bướm đêm này thường bị nhầm với các sinh vật bay khác như dơi vì sải cánh rộng của chúng. Các hoa văn trên đôi cánh khổng lồ của chúng là một công cụ ngụy trang rất tuyệt vời, đặc biệt là khi đậu trên một cành cây.