Những chuyện bi hài khi sống trong con hẻm hẹp 0,7 mét ở Cần Thơ

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Ngay cả khi có người chết, việc đưa quan tài ra ngoài cũng vô cùng khó khăn…

Đó là con hẻm 75, đường Trần Phú, thuộc tổ 6, khu vực 2, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - người dân địa phương vẫn quen gọi là “hẻm bến đò giữa”.

Phía trước con hẻm chật hẹp, vì bị xây dựng lấn chiếm

Phía trước con hẻm chật hẹp, vì bị xây dựng lấn chiếm

Vào hẻm vài chục mét, phía bên trái có một ngã rẽ nhỏ hẹp, mà nhìn thoáng qua không ai biết đó là con đường dẫn vào nơi sinh sống của hơn 10 hộ dân, với những cảnh tù túng, bức bối và ngột ngạt.

Bà Trần Thị Thái (71 tuổi, có nhà ở khu vực này) cho biết: Trước đây, lối dẫn vào hẻm tuy không rộng lắm, nhưng xe cộ vẫn di chuyển thoải mái. Nhưng bây giờ đã bị các hộ dân ở phía trước xây nhà lấn chiếm. Hiện bề ngang của lối vào chỉ còn khoảng 7 tấc (0,7 mét).

“Nhiều năm qua, bà con phải sống trong cảnh khổ sở, muốn sửa nhà cũng không được, vì lối đi quá nhỏ, không thể mang VLXD vào bên trong. Thậm chí, có người đau yếu bệnh hoạn, muốn đưa đi bệnh viện cũng rất khó khăn”, bà Thái nói.

Không gian tù túng của con hẻm

Không gian tù túng của con hẻm

Theo ghi nhận của PV, hẻm nhánh này chỉ vừa đủ để một chiếc xe máy đi qua. Gặp trường hợp hai xe đối đầu nhau, một trong hai phải đi lùi để nhường đường, vì không cách nào qua được.

Hai bên hẻm là vách tường của hai nhà dân, trong đó, có một căn xây dựng ban công ở trên lầu chiếm hết không gian, khiến cho con hẻm càng trở nên tù túng.

Thêm vào đó, do phía trên bị ẩm thấp, thường xuyên chảy nước, trong khi hệ thống dây điện chằng chịt, có nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.

Ông Quách Văn Út, cũng là người dân sở tại bức xúc: “Dạo trước con hẻm này có nhiều ngã để đi ra, trong đó có lối đi rộng gần 2 mét, nhưng đã bị người dân xây dựng lấn chiếm hết.

Người dân bức xúc chỉ vị trí một lối đi bên trong hẻm trước đây rộng gần 2 mét, nay cũng bị lấn chiếm bít bùng

Người dân bức xúc chỉ vị trí một lối đi bên trong hẻm trước đây rộng gần 2 mét, nay cũng bị lấn chiếm bít bùng

Ở phía trước, đường đi nhỏ hẹp, còn bên trong không còn lối thoát. Khu vực này giờ giống như “nhà tù”, người dân sống ở đây gần như không thể làm gì. Nếu lỡ xảy ra sự cố hỏa hoạn, không biết thoát bằng đường nào”.

Bi hài nhất là trường hợp của hộ dân Mai Hồng Hạnh. Gia đình có 2 người thân lần lượt qua đời trong năm 2019 và tháng 11/2021. Do con hẻm quá nhỏ hẹp, quan tài không thể quẹo, nên trước ngày động quan, hộ này đã phải ra nhà của người dân ở ngay điểm đó “đàm phàn”.

Nếu có người chết, quan tài không thể mang ra, mà phải xin chủ nhà cho tháo dỡ phần hàng rào (bên trái). Khi đó, diện tích mới đủ rộng, để quan tài có thể "quẹo cua" (bên phải) để ra ngoài

Nếu có người chết, quan tài không thể mang ra, mà phải xin chủ nhà cho tháo dỡ phần hàng rào (bên trái). Khi đó, diện tích mới đủ rộng, để quan tài có thể "quẹo cua" (bên phải) để ra ngoài

“Mình xin chủ nhà cho cắt, và tháo dỡ hàng rào lưới B40 phía trước để quan tài có thể quẹo cua qua được. Nhưng như vậy vẫn chưa xong.

Do hẻm quá nhỏ, các đạo tỳ không thể khiêng quan tài theo hai hàng như bình thường, mà chỉ 1 người phía trước, 1 người phía sau, cộng thêm một người chui vô giữa cõng quan tài trên đầu. Ngay cả việc đưa người thân về nơi chín suối giờ cũng khổ sở như vậy”, gia đình bà Hạnh tức tưởi.

Bà con trong hẻm cho biết thêm: Con hẻm này vốn dĩ có lối đi thông thoáng, nhưng bị người dân lấn chiếm, giờ không còn nữa. Trước tình trạng trên, họ đã nhiều lần phản ánh và gửi đơn đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV Giao Thông, ông Nguyễn Trường Khoa, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, xác nhận, phường này đã nhận được phản ánh của người dân.

"Hiện tại chúng tôi đang nhờ bên tài nguyên môi trường tiến hành đo đạc để xử lý. Theo đó, đối với các trường hợp xây dựng lấn chiếm, sẽ cho đo đạc phần diện tích vi phạm.

Bước đầu sẽ yêu cầu gia chủ tự tháo dỡ phần vi phạm này, nếu không chấp hành sẽ có biện pháp khác để xử lý", ông nói.

Cận cảnh ngôi nhà gỗ lim ở Hà Nội được dựng “thần tốc” trong một đêm

Trải qua hơn 3 thế kỷ, ngôi nhà gỗ lim dựng trong một đêm vẫn vững chãi và là nơi sinh sống của 3 thế hệ một gia đình dòng họ Nguyễn Viết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN