Những chuyện bất ngờ ở “làng điểm chỉ”
Làng chài Cao Bình giờ chỉ còn hơn nửa dân số sống dưới sông, phần lớn đã lên bờ dựng nhà, rời bỏ cuộc sống đời thuyền chài du mục.
Trung tuần tháng 8/2022, ghé thăm “làng điểm chỉ” Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), PV Báo Giao thông ngỡ ngàng trước những đổi thay của ngôi làng nhiều đời người dân không biết chữ, không có khái niệm kế hoạch hóa gia đình…
“Làng điểm chỉ” khang trang, sạch đẹp sau khi được “lên bờ”
80% mù chữ, con gái 13 - 14 tuổi lấy chồng
Nằm ở phía Đông xã Hồng Tiến, cách trung tâm văn hóa xã 3km, làng chài Cao Bình giờ chỉ còn hơn nửa dân số sống dưới sông, còn phần lớn đã lên bờ dựng nhà, rời bỏ cuộc sống đời thuyền chài du mục.
Tuy vậy, làng chài vẫn tách biệt hẳn với các làng khác bởi một con sông ngăn cách. Và những người dân dù đã lên bờ vẫn gắn bó thân thiết với những bạn chài cũ đang sống dưới những con thuyền. Bởi từ bao đời nay, họ cùng chung sống lênh đênh trên con thuyền nhỏ, chung những nếp sống, tập tục…
Chính quyền đã cố gắng tạo điều kiện cho bà con thôn Cao Bình lên bờ định cư, bởi chỉ có ổn định được cuộc sống cho bà con mới có thể phổ biến các công tác khác. Tuy nhiên, cuộc sống bất định, cứ nơi nào tìm ra cái ăn, cái mặc lo cho con cháu được ăn học là họ đi. Việc người dân làng chài đã giác ngộ được việc cho con, cháu mình đi học là một sự thay đổi lớn. Hy vọng rằng, các em cố gắng học tập, để cái tên “làng thất học”, “làng điểm chỉ” sẽ mất dần trong tiềm thức người dân nơi đây. Ông Vũ Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến |
Ông Đỗ Ngọc Luyến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Hồng Tiến cho hay, khoảng 10 năm trước, làng Cao Bình có tỷ lệ mù chữ chiếm tới hơn 80%, không chỉ người già mà người trẻ cũng mù chữ. Một số thanh niên trong làng, ngay đến tên của mình cũng không thể viết đầy đủ được.
Cả làng, duy nhất một em học lên đến lớp 9 và một em tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012.
Trẻ em trong làng, nếu may mắn thì học hết lớp 6 là nghỉ. Con trai 13 - 15 tuổi đều lên thuyền ra biển, con gái ở nhà trông em, đan lưới, đến tuổi thì lấy chồng.
“Cái tên “làng điểm chỉ” cũng xuất phát từ thực tế đó, khi người dân nơi đây chỉ biết điểm chỉ vào các văn bản hành chính như: Giấy đăng ký kết hôn, thủ tục vay vốn ngân hàng, sổ hộ khẩu… Cho đến thời điểm này, mặc dù số người biết chữ đã tăng lên nhưng nhiều người trong số họ vẫn có thói quen sử dụng phương pháp điểm chỉ thay cho chữ ký”, ông Luyến giải thích.
Vì không được học hành, đa phần lại làm nghề đi biển nên con trai, con gái ở làng Cao Bình đều xây dựng gia đình rất sớm. Con gái 13 - 14 tuổi đã lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái, nhà nào cũng rất đông con.
“Làng quan niệm phải có nhiều “đinh” để đi biển nên đẻ càng nhiều càng tốt. Nhà nào ít cũng 4 - 5 mặt con, nhiều nhà có tới 10 - 13 đứa. Cuộc sống lạc hậu, nghèo túng cứ thế bám riết lấy người dân “làng điểm chỉ”, ông Hoàng Văn Hải - Trưởng thôn Cao Bình cho hay.
Nghèo đói, thất học, nên cuộc sống của người dân “làng điểm chỉ” bao đời gắn chặt với chiếc thuyền lênh đênh trên sông nước, muốn thoát khỏi cũng rất khó khăn.
Người dân làng chài nghèo này vẫn nhớ, khoảng chục năm trước, có cô gái làng Cao Bình tình cờ quen một chàng trai trên bờ.
Hai người yêu nhau, nhưng đến khi kết hôn, biết cô gái chỉ biết điểm chỉ, không biết chữ, nhà trai cương quyết phản đối dẫn đến đôi trẻ phải chia tay.
“Cứ quẩn quanh thế, người dân làng chài muốn đổi đời cũng khó, vì đâu biết chữ, đâu có nghề gì ngoài đánh cá vá lưới. Hồi ấy, cứ nghĩ cho lên bờ thì lại xuống thôi, vì biết làm gì trên bờ”, ông Nguyễn Văn Tạo (54 tuổi, ở thôn Cao Bình) tâm sự.
Dân “làng điểm chỉ” đã biết ký tên
Ông Tạo trong ngôi nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi phấn khởi vì con cái được học hành
Thế nhưng, những câu chuyện mù chữ, đông con ở “làng điểm chỉ” đang dần lùi vào ký ức. Chỉ tay vào những ngôi nhà mái bằng bê tông khang trang dựng san sát, nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng kiến trúc cầu kỳ, Trưởng thôn Cao Bình Hoàng Văn Hải cho biết, năm 2012, nhờ thực hiện dự án cấp đất di dân của UBND tỉnh Thái Bình, các hộ dân của làng chài đã được cấp đất xây nhà để lên bờ.
Đến nay toàn thôn có 196 hộ, 670 nhân khẩu, hiện chỉ còn 80 hộ theo nghề chài lưới, số hộ khác đã chuyển đổi nghề khác như nghề cơ khí, buôn bán… để ổn định cuộc sống.
“Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân làng chài Cao Bình góp công, góp sức mở đường phong quang sạch đẹp. Những hộ dân trong làng hiện vẫn gắn bó với nghề chài lưới đã tu bổ tàu thuyền, ngư cụ để đánh bắt hiệu quả hơn, nhờ đó đời sống cũng khấm khá hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 6 hộ, cận nghèo còn 17 hộ”, ông Hải chia sẻ.
Hiện thôn Cao Bình vẫn còn nhiều hộ dân tiếp tục nghề đánh bắt thủy hải sản, tuy nhiên đời sống đã khác trước rất nhiều, phương tiện đánh bắt được nâng cấp, giá trị sản phẩm cũng nhiều và cao hơn.
Tùy vào từng thời vụ, bà con làng chài Cao Bình lúc làm tôm, lúc làm cá vược, cá khoai, lúc làm sứa... nên nếu được mùa, có những ngày cho thu nhập tới vài chục triệu đồng.
Đáng nói nhất, ở “làng điểm chỉ”, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đã được đến trường. Trong đó, bậc mầm non 32 em, tiểu học cơ sở 94 em, trung học cơ sở 64 em. THPT 3 em và đại học 3 em.
Những người lớn ở Cao Bình cũng nỗ lực học chữ theo con cháu, giờ nhiều người đã biết tự ký tên mình thay cho cách điểm chỉ như xưa.
Thôn Cao Bình cũng đã được công nhận thôn văn hóa. Cùng với đó, năm 2021 đã thành lập được chi bộ thôn Cao Bình với 5 đảng viên trẻ.
Trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, có 2 xe máy dựng góc nhà, ông Tạo phấn khởi cho biết, sau gần chục năm lên bờ, gia đình ông có cuộc sống mà ngày còn ở thuyền chài, có mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.
“Đáng giá nhất là giờ, con cái chúng tôi được học hành, rồi cuộc sống sẽ không nghèo túng, lạc hậu nữa”, ông Tạo nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Làng phong Văn Môn là một trong những làng phong lớn, lâu đời ở Việt Nam. Có thời điểm, hơn 2.000 bệnh nhân phong tìm về nơi này sinh sống.