Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2020
Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư; Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 2/2020.
Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư
Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.
Bác sĩ, kỹ sư… có thể không cần học lên mà vẫn có bằng thạc sĩ. Ảnh minh họa PLO.
Nghị định này quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm: Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6; Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7; Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.
Cũng tại Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định văn bằng có trình độ tương đương gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Nếu người học đáp ứng các điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác thì bằng bác sĩ, kỹ sư… có thể tương đương với bằng thạc sĩ. Khi đó, bác sĩ, kỹ sư sẽ không còn phải học lên thạc sĩ nữa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư trong năm 2020 để hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Thi giáo viên dạy giỏi chỉ còn được chuẩn bị trước 2 ngày
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 22 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non và phổ thông. Thông tư này được áp dụng từ ngày 12/02/2020.
Thời gian chuẩn bị cho thi giáo viên giỏi được rút ngắn xuống còn 2 ngày. Ảnh minh họa.
Theo đó, Thông tư quy định, giáo viên chỉ được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong không quá 02 ngày trước thời điểm thi (Quy định trước đây là không quá 01 tuần trước thời điểm thi giảng).
Nội dung thi cũng được thay đổi. Thay vì thực hành và thi kiểm tra năng lực hiểu biết, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ… như trước, giáo viên tham dự hội thi sẽ phải thực hiện 02 nội dung: Thực hành dạy một tiết và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy trong thời gian không quá 30 phút.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, Hội thi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần.
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận. Với danh hiệu cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo của năm được công nhận.
Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Nghị định 06/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2020.
Bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bổ sung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Ảnh minh họa NLĐ.
Nghị định 06 nêu rõ, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung, thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.
Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2/2020, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47/CP.
Bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 11 năm 2019, trong đó bãi bỏ một số Thông tư liên tịch liên quan đến cán bộ, công chức, gồm:
Thông tư liên tịch số 54 năm 1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Thông tư liên tịch số 72 năm 2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Thông tư liên tịch số 125 năm 1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các văn bản nêu trên chính thức được bãi bỏ từ ngày 1/2/2020.
Xây dựng đơn giá nhân công xây dựng
Nguyên tắc, nội dung, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được hướng dẫn tại Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Xây dựng. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.
Các công nhân xây dựng trên công trường được trả lương theo khung giá. Ảnh minh họa.
Thông tư đặt ra khung đơn giá cho công nhân xây dựng, lái xe, vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát xây dựng theo từng vùng.
Theo đó, Vùng I: Từ 213.000 - 280.000 đồng/ngày; Vùng II: Từ 195.000 - 260.000 đồng/ngày; Vùng III: Từ 180.000 - 246.000 đồng/ngày; Vùng IV: Từ 172.000 - 237.000 đồng/ngày.
Dựa trên khung đơn giá này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định đơn giá cho nhân công xây dựng trong tỉnh theo nguyên tắc: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc, điều kiện làm việc, đặc điểm, tính chất công việc; Phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng; Thời gian làm việc 08 giờ/ngày…
Cấm người tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá 0; cấm đốt pháo hay quy định bắt buộc...
Nguồn: [Link nguồn]