Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/7

Nhiều chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 như: phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm”, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân hằng tháng...

Phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm”

Theo nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ ngày 1/7, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.

Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.

Khi đội mũ bảo hiểm phải cài quai đúng quy cách: kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại; không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/7 - 1

Đội mũ bảo hiểm "rởm" sẽ bị xử phạt như như hành vi không đội mũ bảo hiểm.

Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải tiếp dân hằng tháng

Từ ngày 1/7, Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực. Một trong những nội dung quan trọng của luật này là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính Nhà nước.

Luật Tiếp công dân quy định, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở TƯ ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.

Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… cũng sẽ tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Trường hợp công dân yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân.

Cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp

Nghị định 42 do Chính phủ ban hành với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp.

Trong đó, quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị cấm thực hiện mô hình kim tự tháp kể từ ngày 1/7/2014.

Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp được hiểu là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó việc tuyển dụng người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới là nguồn thu nhập chủ yếu của người tham gia.

Nghị định cũng quy định rõ doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, cũng như không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới.

Cấm nghệ sĩ hút thuốc trên sân khấu

Thông tư 02 của của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, từ ngày 1/7, diễn viên sẽ không được hút thuốc thật trên sân khấu trong các tác phẩm có sử dụng đến thuốc lá.

Cụ thể, theo Thông tư, trong tác phẩm sân khấu và điện ảnh, chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá đối với các trường hợp: khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của hội đồng nghệ thuật.

Riêng đối với các tác phẩm sân khấu, khi sử dụng thuốc lá, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.

Đối với các tác phẩm điện ảnh, trường hợp phim có nhiều hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của hội đồng thẩm định thì trước hoặc trong khi chiếu phim phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh và được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi.

Cán bộ công chức được gộp phép 3 năm nghỉ một lần

Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ phép gộp tối đa 3 năm một lần - quy định này theo thông tư số 57 ngày 6/5/2014 do Bộ Tài chính ban hành.

Bên cạnh đó, đối với những ngày phép chưa nghỉ, cán bộ công chức được thanh toán tiền lương theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN