Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/6

Sự kiện: Thời sự

Những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT sẽ phải trả các mức viện phí tăng gấp 2-4 lần hiện tại, trẻ em được bảo vệ trên môi trường mạng, không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa...là những chính sách nổi bật từ tháng 6/2017.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/6 - 1

Việc đổi bằng lái in trên giấy bìa sang bằng lái làm bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) được "khuyến khích" thực hiện trước ngày 31/12/2020.

Không có thẻ BHYT, có thể phải trả viện phí cao gấp 4 lần

Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.

Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị dự kiến có mức tăng giá cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.

Mức tăng này rất lớn với người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kỹ thuật cao như ung thư.

Mức viện phí mới với người chưa có thẻ BHYT sẽ áp dụng từ ngày 1/6/2017.

Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư

Luật trẻ em 2016 cũng bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/6/2017 với những điểm mới nổi bật như:

Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và quy định quy trình xử lý những thông tin này.

Gia đình, nhà trường và người chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cùng với đó, Nghị định 56/2017 quy định cụ thể việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7.

Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa

Theo thông tư số 12 được Bộ GTVT ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (bằng lái) cơ giới đường bộ, việc đổi bằng lái in trên giấy bìa sang bằng lái làm bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) được "khuyến khích" thực hiện trước ngày 31/12/2020.

Đồng thời, thông tư mới của Bộ GTVT cũng bỏ lộ trình đổi bằng lái xe không thời hạn A1, A2, A3 trước ngày 31/12/2020 như quy định của thông tư số 58 năm 2015 do Bộ GTVT ban hành.

Như vậy, việc ấn định thời hạn buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ.

Theo đó, người có bằng lái xe có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi bằng lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng; người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.

Thông tư 12/2017 có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 và thay thế Thông tư 58/2015.

Chế độ tiền lương đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng

Thông tư 11 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công (làm việc theo hình thức cộng đồng) được thỏa thuận tiền công. Tuy nhiên, tiền lương của người lao động theo hình thức này phải đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8 giờ/ngày và 26 ngày/tháng.

Trường hợp người lao động làm không đủ 8 giờ/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.

Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ nhưng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.

Tốt nghiệp trung cấp phải đạt ngoại ngữ bậc 1/6

Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 12 của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.

Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải đảm bảo các kỹ năng sau: Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Giảm mức đóng BHXH cho người sử dụng lao động

Nghị định 44 được Chính phủ ban hành quy định tỉ lệ đóng 0,5 % của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, từ 1/6/2017, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.

0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN