Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

Tăng lương tối thiểu chung lên 1.050.000 đồng/tháng; phụ cấp công vụ là 25%; chế độ với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; xử lý kỷ luật viên chức tự ý nghỉ việc sai quy định... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2012.

Lương tối thiểu chung 1.050.000 đồng/tháng tính hưởng từ 1/5/2012

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Từ 1/5/2012, phụ cấp công vụ là 25%

Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ phụ cấp công vụ đối với một số đối tượng cán bộ, công chức. Mức phụ cấp này bằng 25% (hiện nay là 10%) mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm.

Theo Nghị định, các đối tượng được áp dụng chế độ phụ cấp công vụ nói trên là cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ cấp 1,3

Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2012/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/2/2012 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Theo đó, thay vì hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,25 hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) sẽ được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,3.

Nghị định 14/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/5/2012.

Chế độ với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế

Chính phủ ban hành Nghị định 23/2012/NĐ-CP quy định một số chế độ với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, Nghị định áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30/4/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có đủ từ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp:

Thứ nhất, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000.

Thứ hai, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh hoặc từ các đoàn điều dưỡng thương binh đã về gia đình.

Thứ ba, quân nhân, công an, cơ yếu đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 1/4/2000 nhưng không thực hiện chế độ chuyển ngành hoặc đã thôi phục vụ tại ngũ về địa phương mà chưa giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Thứ tư, quân nhân, công an, cơ yếu đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc rồi đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được đơn vị cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước và đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000.

Nghị định 23/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2012.

Xử lý kỷ luật viên chức tự ý nghỉ việc sai quy định

Theo Nghị định quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức đã được Chính phủ ban hành ban hành có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, viên chức tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch, năm dương lịch thì sẽ bị buộc thôi việc.

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: 1- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; 2- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; 3- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; 4- Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến viên chức.

Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012.

Không được chuyển nhượng kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 15/5/2012, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá; được sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến khu vực trúng đấu giá; được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi hoàn thành thủ tục đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không được chuyển nhượng kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản.

Phạt nặng vi phạm chuyển giao thông tin người tiêu dùng cho bên thứ 3

Theo Nghị định 19/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/5/2012, hành vi chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Quy định các đơn vị được kiểm toán

Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ 1/5/2012, trong đó quy định cụ thể về các đơn vị được kiểm toán.

Nghị định quy định rõ, doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: 1- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 2- Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 3- Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 4- Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm; doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Diên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN