Những “chiến sĩ” quên mình chống “giặc” Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

16/16 bệnh nhân nhiễm virus Corona của Việt Nam đều đã khỏi bệnh và xuất viện, 14 ngày qua Việt Nam không có thêm ca bệnh nào mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Việt Nam đã chiến thắng trận đầu trong chống dịch”. Góp phần quan trọng vào thắng lợi này, hàng nghìn cán bộ y tế đã phải đối mặt trực tiếp với hiểm nguy.

Quên mình “chiến đấu” với bệnh dịch

Có mặt tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) – nơi thu dung bệnh nhân mắc và người nghi mắc virus Corona (Covid-19) vào sáng 26/2, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu được sự vất vả và nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ y bác sĩ tại đây to lớn đến nhường nào.

Được Sở Y tế Vĩnh Phúc chọn lựa để tập trung nguồn lực, trở thành Trung tâm điều trị bệnh Covid-19, đội ngũ y bác sĩ đã phải ngày đêm túc trực, làm việc không chỉ các công việc chuyên môn mà còn cả những công việc chân tay như bốc gạch, dỡ đồ để phụ giúp công tác hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh nhân nhiễm virus Corona thứ 16 của Việt Nam xuất viện sáng 26/2. Ảnh chụp tại nơi điều trị, Phòng khám đa khoa Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Ngọc Hải

Bệnh nhân nhiễm virus Corona thứ 16 của Việt Nam xuất viện sáng 26/2. Ảnh chụp tại nơi điều trị, Phòng khám đa khoa Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Ngọc Hải

Bác sĩ Lưu Thị Xuân - Trưởng phòng khám đa khoa (PKĐK) Quang Hà cho biết, mình đã “nội bất xuất” trong phòng khám đã 12 ngày. Dù là người có thâm niên trong ngành y, đối phó với nhiều bệnh dịch, nhưng trước con virus “mới tinh” và tình hình dịch bệnh phức tạp với hàng chục ngàn người mắc, hàng nghìn người chết khiến bà không khỏi lo lắng. “Trước sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong chiến dịch “đối phó” với Covid-19, mặc dù biết trước sẽ rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng đó là trách nhiệm của mỗi y, bác sĩ, chăm sóc người bệnh như người nhà, người bệnh khổ đau cũng là chính mình đau khổ để cùng nỗ lực với bệnh nhân” – bà Xuân chia sẻ.

Nhiều cán bộ PKĐK Quang Hà đã túc trực tại trung tâm từ cuối tháng 1, đến nay đã gần 1 tháng. Điều dưỡng L.T.T (nhân vật xin được giấu tên) cho biết, mặc dù chỉ cách nhà 2km, thế nhưng gần 1 tháng qua chị vẫn chưa về nhà, giao tiếp với gia đình hoàn toàn qua điện thoại: “Nhiều lúc nhớ con lắm, chỉ muốn chạy ù về nhà một chút nhưng biết là mình đang mang trách nhiệm lớn và cũng là để tự bảo vệ những người thân xung quanh”.

Sáng 26/2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) -  nơi đã điều trị cho 5 bệnh nhân mắc Covid-19 và tiếp nhận hàng trăm người nghi mắc Covid-19 đến cách ly, tiếp chúng tôi với nụ cười tươi rói. Anh cho biết, khi 5 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện, anh đã có thể tạm “thở phào” sau hơn 1 tháng căng thẳng, lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì con virus Corona.

Trước đó, anh cũng đã có gần 1 tháng không về nhà. “Đại bản doanh” của anh là căn phòng hơn 10m2, chỉ có một bộ bàn ghế salon, một bàn làm việc đơn sơ và 1 chiếc máy tính. Bác sĩ Cấp làm việc, tiếp khách, ăn ngủ ngay tại căn phòng rộng chừng 10m2 đó.

Bác sĩ Cấp chia sẻ, năm nay, anh không có Tết khi dịch “cuốn” anh đi suốt từ năm trước qua năm sau. “Nhìn mặt vợ kém vui, nhìn con trai tiu nghỉu, tôi cũng thấy mình thật có lỗi. Nhưng là một bác sĩ, tôi không thể từ chối việc điều trị cứu người hay việc lao vào nơi có dịch bệnh” – bác sĩ Cấp nói.

Chia sẻ về nỗi vất vả trong công tác điều trị cho bệnh nhân và người nghi mắc Covid-19, bác sĩ Cấp cho biết, công việc hằng ngày của các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp làm việc trong phòng cách ly rất vất vả. Hằng ngày họ chia làm 3 ca trực, mỗi ca trực 6-8 giờ. Khi đó họ sẽ phải mặc quần áo bảo hộ kín mít, đeo các loại khẩu trang, mắt kính đặc biệt, bí bách và chỉ được “nghỉ giải lao” sau 4 tiếng mặc đồ bảo hộ.

“Đã mặc bộ đồ đó thì không được cởi ra cho tận khi được phép và được cởi một cách có “quy trình” để tránh lây nhiễm virus. Bộ đồ đó cũng đắt và không dễ mua nên cũng không thể thích cởi lúc nào là cởi. Không nói đến việc khó thở, bí bách mà còn nghiêm ngặt đến mức không được gãi mũi, không được sờ mặt, hạn chế nói chuyện, không được đi vệ sinh suốt 3-4 tiếng. Ở bên Trung Quốc đã có nhân viên y tế phải đóng bỉm vì không thể... nhịn được” – bác sĩ Cấp trần tình.

Chạnh lòng nhưng bác sĩ không chọn bệnh nhân

Điều dưỡng L.T.T (PKĐK Quang Hà) cho hay, những khó khăn trong công tác thì không thiếu, thế nhưng đều khắc phục được bằng sự nỗ lực. Điều khiến chị sợ nhất đó là sự kỳ thị của những người xung quanh. Mặc dù chị chưa hề được gặp chồng, con kể từ khi nhận nhiệm vụ, thế nhưng chồng con của chị T. vẫn bị hàng xóm cho rằng đang trong diện “nguy hiểm”, phải tránh cho xa. Thậm chí, người nhà chị T. đi tới chỗ đông người thì bị dè bỉu và yêu cầu về nhà. “Những khó khăn trong công việc đã nhiều, nhưng đôi khi chính vì sự thiếu hiểu biết của những người xung quanh khiến cho chúng tôi rất tủi thân”- chị T. bày tỏ.

Cùng chung nỗi niềm, điều dưỡng Bùi Lan Anh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, cô cũng gặp sự kỳ thị đáng kể. Cô kể, nghỉ Tết giữa chừng thì cô đã được bệnh viện gọi gấp đến để vào đội trực chiến phòng chống dịch. Sau một số ngày lăn lộn trong bệnh viện, cô chưa kịp về khu trọ (ở Yên Nghĩa, Hà Đông) thì đã nhận được nhiều tin nhắn rằng cô “đừng bén mảng đến khu nhà trọ”. Lý do là nhiều tin đồn cô ở cái bệnh viện “đầy virus” đấy thì chắc chắn đã mắc virus Corona, nếu về nhà sẽ lây cho người xung quanh. Vì thế chòm xóm nơi cô ở đánh tiếng “cẩm cửa” cô về, nếu gặp cô “mon men” đến gần đó sẽ xua đuổi.

Thậm chí, chủ nhà trọ còn bảo cô rằng, tổ dân phố đã họp và thống nhất ý kiến sẽ không cho cô về nhà trọ dù cô đã giải thích, cô làm ở viện nhưng luôn có đồ phòng hộ cẩn thận, không thể mắc bệnh.

“Em còn chẳng kịp lấy quần áo, đồ dùng cá nhân gì. Em vào viện ở dùng tạm quần áo của đồng nghiệp và mặc đồng phục cơ quan. Nhiều lúc thấy tủi thân ghê gớm cơ. Cũng may em còn có gia đình, đồng nghiệp thông cảm luôn động viên mình” – Lan Anh tâm sự.

Chia sẻ về nỗi niềm của những nhân viên y tế đối mặt với hiểm nguy, bác sĩ Cấp cho biết, đương nhiên, trong điều kiện bệnh dịch như này, bác sĩ, y tá đều có gia đình, có nhiều người có bố mẹ già, con nhỏ nên việc phải “thường trú” trong bệnh viện khiến mọi người cũng nhiều tâm tư. Hơn nữa, bệnh nói là nhẹ nhưng lỡ như mắc virus thì cũng phải điều trị, nghỉ việc dài ngày, có khi vợ (chồng) hay con cái họ hàng ở nhà còn phải bị cách ly, cuộc sống xáo trộn, sẽ nhiều mệt mỏi.

“Việc cách ly với bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc cũng là một “đòn tâm lý” với mọi người. Không chỉ như vậy, nhiều điều dưỡng, y tá đã chia sẻ với tôi về việc họ bị bạn bè, hàng xóm kỳ thị khi biết họ là nhân viên y tế đang ở tâm dịch. Trong lúc vất vả, chịu đựng khó khăn, vượt qua sợ hãi để cứu trị cho mọi người mà lại bị đối xử như vậy, nhiều bạn y tá, điều dưỡng trẻ rất là tủi thân, khổ sở”.

“Nhưng chúng tôi khi đã chọn nghề y đều đã lường trước khó khăn như vậy. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ, nhưng bác sĩ không được lựa chọn bệnh nhân. Càng khi người ta đau ốm, khó khăn, “xấu xí” nhất thì lại càng cần chúng tôi” – bác sĩ Cấp tâm sự.

PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai

PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai

Vỡ òa niềm vui “bắt” virus Corona

“Cách đây hơn 1 tháng, thời điểm mà Việt Nam bắt đầu phát hiện và thu mẫu bệnh phẩm do virus Corona chủng mới, các thành viên của nhóm ai cũng miệt mài với công việc từ sáng đến đêm khuya, mong được “nhìn thấy” sự sống của virus Corona.

Đêm 28 Tết có trường hợp nghi ngờ đầu tiên, 11 người của phòng thí nghiệm thì Khoa virus 18 người còn lại nhận nhiệm vụ đến nơi cách ly để gặp bệnh nhân và lấy mẫu bệnh phẩm. Sau khi các bạn nhận thông tin và lấy mẫu ngay trong đêm, mẫu được xử lý ngay và làm xét nghiệm.

72 giờ “chiến đấu” để tìm cách “bắt” bằng được con virus Corona, chúng tôi luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong việc tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm có virus là chúng tôi có thể bị lây nhiễm. Tuy nhiên, thành viên nhóm nghiên cứu đều có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, được đào tạo về an toàn sinh học, rất thuần thục khi phân tích, đặc biệt đều đã trải qua cảm giác nguy hiểm khi nghiên cứu nhiều về cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, đại dịch cúm Mexico H1N1 năm 2009, virus Mers Cov năm 2012, kể cả dịch Ebola khi tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ... nên đều có sự tỉ mỉ, độ chính xác và an toàn cao.

Và chúng tôi đã được hưởng niềm hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy được con virus Corona dưới kính hiển vi vào 9 giờ sáng ngày 9/2”.

PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - Trưởng nhóm nghiên cứu gồm 11 thành viên trong cuộc chiến “vây bắt” virus Corona chủng mới SARs-Covy-19 

PGS Trần Như Dương

PGS Trần Như Dương

“Ba cùng” với người dân vùng tâm dịch Covid - 19

“Chúng tôi "cắm chốt" 24/7 tại điểm nóng của dịch Covid-19, xã bị cách ly Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) từ ngày 12/2 đến nay. Mọi công việc được phân công rất rõ ràng, nhóm dự phòng, nhóm môi trường, nhóm điều trị, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp và tuyên truyền để người dân để họ không hoang mang nhưng không được chủ quan.

Khi Sơn Lôi xuất hiện 6 ca bệnh trong vòng 3 tuần, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã họp khẩn và ra quyết định cách ly xã Sơn Lôi. Ngay lập tức, trong đêm 12/2, trước khi có quyết định cách ly, chúng tôi đã tổ chức họp khẩn, cấp tập nhiều giải pháp như: Lập danh sách 10.600 người dân trong xã, thành lập 60 thành viên y tế thôn đội, khẩn trương đào tạo cho họ kiến thức về bệnh dịch để họ trực tiếp theo dõi sức khỏe của từng người dân trong xã, “sản xuất” tờ rơi tuyên truyền… để người dân hiểu và yên tâm, hợp tác cách ly.

Mọi biện pháp đều nghiêm túc và không được để sơ sểnh, không được phép để con virus Corona lọt ra ngoài.

Suốt 2 tuần qua chúng tôi không có ngày nghỉ, cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch với người dân. Ban ngày thì đi từng nhà nhắc nhở bà con phòng dịch, kiểm tra sức khỏe người dân. Tối lại họp nhóm rút kinh nghiệm. Dù “đàn ông đàn ang” với nhau nhưng hằng ngày anh em cũng tự “lăn vào bếp”.

Những ngày vất vả vẫn còn ở phía trước nhưng đến giờ phút này, tôi thực sự phải cảm ơn người dân ở Sơn Lôi, cảm ơn Vĩnh Phúc đã phối hợp với chúng tôi, với ngành y tế, với chính quyền để làm tốt công tác cách ly”.

PGS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế chốt tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Tuấn Kiệt (ghi)

Khánh Hoà chính thức công bố hết dịch SARS-Cov-2

Tối 26/2, Bộ Y tế cho biết, vừa ra Quyết định về việc công bố hết dịch SARS-Cov-2 (Covid-19) trên địa bàn tỉnh Khánh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Phương – Diệu Linh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN