Những “chiến binh thầm lặng” giữa đêm khuya

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Trong lúc mọi người đang ngon giấc thì trên những cung đường thăm thẳm, vắng hoe các thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” lại tất bật với công việc cứu trợ những người đi đường gặp nạn.

Chính bởi mong muốn “con đường về với gia đình của mọi người được an toàn và suôn sẻ” nên tất cả các thành viên của nhóm đã không ngại đêm hôm, mưa gió, luôn có mặt khi người khác cần mình. Điều đáng nói, họ làm những việc hoàn toàn tự nguyện và miễn phí.

Khi bạn cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt

Ban ngày, họ như bao con người khác phải đi làm để mưu sinh nhưng đêm xuống, họ lại sẵn sàng ra đường để giúp đỡ những người mà trước đó họ không hề quen biết. Nhóm “Cứu hộ Hà Nội” có gần 50 thành viên, gồm nhiều thành phần như sinh viên, xe ôm, công nhân... Thời gian đội cứu hộ ra đường là từ 21 giờ đến khoảng 3 giờ sáng. 

Theo lời giải thích của một thành viên, lý do họ ra đường giờ đó là bởi vì khi ấy mọi hàng quán sửa xe đã đóng cửa, những người đi đường nếu gặp trục trặc về xe cộ sẽ rơi vào cảm giác bất lực.

Những “chiến binh thầm lặng” giữa đêm khuya - 1

Đồ nghề cứu hộ các thành viên của nhóm phải tự sắm.

Những trường hợp cần sự hỗ trợ của nhóm thường là những người đi xe bị thủng săm, hỏng lốp hay hết xăng. Khi nhận được điện thoại từ những người này, các thành viên sẽ tự phân công theo địa bàn. Ai ở gần địa bàn nơi có người cần giúp đỡ nhất thì sẽ được điều động đến ngay để hỗ trợ một cách nhanh nhất. 

Ngoài ra nhóm cũng có một nhóm, ai cần giúp đỡ thì đăng bài lên nhóm và nêu rõ địa điểm gặp sự cố, loại xe, tình trạng như thế nào. Quy định của nhóm là không giúp một người quá nhiều lần. Thông tin người cần giúp đỡ cũng yêu cầu phải rõ ràng từ tên tuổi, số điện thoại để tránh trường hợp gặp kẻ xấu hay những kẻ có ý định trêu đùa. 

Để phòng trường hợp gặp rủi ro, thường mỗi ca cứu hộ sẽ có ít nhất 2 thành viên cùng đến. Những thành viên khi mới gia nhập nhóm không chỉ được trang bị các kỹ thuật về sửa chữa xe máy, xe đạp, xe ba gác mà họ còn được trang bị các kỹ năng tự vệ để ứng phó nếu bị tấn công. 

Tôn chỉ của nhóm là vì lợi ích của cộng đồng, chỉ lấy đúng giá gốc của thiết bị sửa xe. Khi đêm khuya, ai đó cần vá xe thì có thể được miễn phí hoặc thu 10.000 đồng, ai bị thủng săm và phải thay săm thì giá từ 35.000 - 50.000 đồng tùy loại, ai đi xe mà bị hết xăng thì sẽ tận tình đi mua xăng giúp…

Anh Giáp Văn Trường, Trưởng nhóm “Cứu hộ Hà Nội” chia sẻ: “Chúng tôi cũng giống như tất cả mọi người, sau một ngày làm việc vất vả ai chẳng mong mình có được một giấc ngủ ngon. Thế nhưng, bản thân tôi đã từng chứng kiến cảnh một người đàn ông vất vả dắt chiếc xe máy bị thủng săm trên đường khuya vắng, cảm giác rất bất lực. Hình ảnh đó cứ ám ảnh khiến tôi luôn trăn trở rằng mình phải làm được việc gì đó để giúp đỡ mọi người. Cũng không ngờ khi tôi đưa ra ý tưởng thành lập nhóm cứu hộ thì lại được nhiều người ủng hộ đến vậy”.

Được biết, nhóm “Cứu hộ Hà Nội” được thành lập đến nay cũng đã gần 2 năm. Trong 2 năm đó, các thành viên của nhóm đã trợ giúp cho không biết bao nhiêu người đi đường gặp sự cố. Trên group của nhóm luôn là những lời cảm ơn chân thành của những người đã từng nhận được sự giúp đỡ của các thành viên đội cứu hộ. 

Nickname Đông Hồng Hạnh viết: “Cảm ơn những con người ấy. Những con người không quản đêm hôm, mưa gió. Đến giờ về nhà rồi vẫn không thể tin lại có những con người tốt đến vậy. Chả là hôm nay phải trực nên đi làm về muộn, giữa đường thì bị bục săm. Gặp 2 chú công an, 2 chú bảo bên kia đường có đội cứu hộ. Cứ nghĩ 2 chú sẽ đi tuần tiếp nhưng không ngờ 2 chú lên báo cho mấy anh chị cứu hộ. Các anh chị ra tận nơi, tháo tháo, vá vá, bơm bơm. Thay cho luôn cả cái săm mà không lấy một nghìn nào. Thật sự cảm ơn rất nhiều ạ. Chúc các anh chị thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc trong chính công việc mà các anh chị đang làm để giúp đỡ mọi người, làm việc tốt cho đời”.

Hạnh phúc khi mọi người được an toàn

Với những thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội”, họ sẵn sàng đánh đổi sự vất vả thậm chí là nguy hiểm của bản thân chỉ mong nhìn thấy sự thanh thản, hạnh phúc của những người được giúp đỡ. 

Như lời tâm sự của anh Vũ Đăng Dũng - một trong những thành viên hoạt động năng nổ nhất trong nhóm “Cứu hộ Hà Nội”: “Bỏ ra công sức thức đêm thức khuya, mua sắm phụ tùng, di chuyển và hỗ trợ mọi người chúng tôi mong muốn điều gì? Chỉ đơn giản chúng tôi mong muốn mọi người bình an, được về nhà an toàn”.

Kể lại kỷ niệm trong những lần đi cứu hộ, anh Tuấn Minh cười bảo: “Có lần mình đến cứu hộ xe bị thủng săm cho anh Lê Hoà ở khu vực gần Lăng Bác. Lúc đó cũng nửa đêm rồi. Khi vá xong săm cho anh Hoà thì anh ấy dúi vào tay mình một tờ tiền 50 nghìn đồng, mình không nhận. Anh ấy chả biết làm gì để bày tỏ lòng biết ơn nên dứt luôn 2 quả dừa đang chở trên xe bắt mình phải cầm. Anh ấy bảo nếu mình không nhận thì anh ấy áy náy lắm. Sau lần đó 2 anh em vẫn liên lạc và chơi với nhau đến tận bây giờ”.

Những “chiến binh thầm lặng” giữa đêm khuya - 2

Thành viên nhóm cứu hộ Hà Nội đang vá xe giúp bạn Đông Hồng Hạnh.

Hay như anh Bạch Tiệp, trong một lần cứu hộ cho bạn Nhật Minh ở Hoàng Mai khi xe chẳng may bị thủng săm lúc đêm khuya. Lúc anh Tiệp vá xong xe cho Minh, Minh tha thiết được trả thù lao cho anh Tiệp nhưng anh không đồng ý. Anh bảo nhóm cứu hộ của anh làm miễn phí, trừ khi phải thay thế các phụ tùng thì họ bắt buộc phải lấy tiền nhưng cũng chỉ là lấy đúng giá gốc. 

Không biết làm gì để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đến anh Tiệp, Minh bẽn lẽn nói: “Hay là anh cho em ôm anh một cái nhé!”. Trước lời đề nghị dễ thương của Minh, anh Tiệp đương nhiên là đồng ý. Anh Tiệp bảo, chỉ cần những cử chỉ nhỏ ấy thôi đôi khi cũng làm những thành viên như anh cảm thấy ấm lòng giữa đêm khuya vắng. Đó cũng chính là động lực để giúp họ duy trì công việc của mình.

Nhưng kỷ niệm đặc biệt nhất mà đến nay các thành viên trong nhóm vẫn thường xuyên nhắc lại để trêu đùa là kỷ niệm của Trưởng nhóm Giáp Văn Trường. Nhờ công việc cứu hộ mà anh Trường đã tìm được nửa kia đích thực của đời mình.

Hôm đó, đang ngủ say thì anh Trường nhận được điện thoại của một thành viên trong nhóm thông báo có một người đang bị hỏng xe gần khu vực nhà anh Trường đang ở. Nhận điện thoại, anh Trường lập tức lên đường. Đến nơi anh Trường thực sự bất ngờ khi thấy người cần trợ giúp là một cô gái rất xinh. 

Anh Trường dí dỏm kể lại: “Lúc đó vừa sửa xe mình vừa ao ước giá mà chiếc xe bị bệnh thật nặng, phải sửa thật lâu để mình có cơ hội nói chuyện với cô ấy nhiều hơn. Nhưng sau khi sửa xe xong cô gái ấy ngỏ lời muốn xin làm thành viên của nhóm. Sau này khi cô ấy đã là thành viên chính thức của nhóm rồi, bọn mình thường xuyên đi cứu hộ cùng nhau. Cuối cùng thì mình cũng ‘cưa’ đổ cô ấy”.  

Nhưng không phải ai cũng có được cái may mắn giống anh Trường. Nhiều thành viên trong nhóm đã bị “nửa kia” của mình dằn dỗi, nghi ngờ khi thường xuyên ra khỏi nhà vào thời điểm nhạy cảm. 

Anh Đoàn Long, thành viên của nhóm tâm sự: “Chúng tôi thường phải rất kiên trì để giải thích cho người bạn đời của mình hiểu ý nghĩa của công việc mà chúng tôi đang làm. Để củng cố niềm tin các thành viên đã đưa vợ, chồng mình tham gia giao lưu các buổi liên hoan, dã ngoại của nhóm. Thế nhưng “đối tác” nhiều khi vẫn gọi điện kiểm tra bất thình lình đấy”.

Để thực hiện xong một ca cứu hộ thường phải mất khoảng từ 20 - 40 phút tuỳ theo độ khó dễ. Những ngày trời nắng nóng thì mồ hôi tứa ra như tắm, những hôm trời mưa thì vừa mặc áo mưa vừa cứu hộ. Vất vả là vậy nhưng chỉ cần nhận lại nhưng lời cảm ơn, sự hoan hỉ của người không quen biết những thành viên của nhóm cũng thấy ấm áp vô cùng. 

Chị Phạm Minh Hằng - thành viên của nhóm chia sẻ: “Mình mới chỉ tham gia nhóm cứu hộ được 4 tháng nhưng đã cảm thấy đam mê công việc này lắm. Giúp đỡ được mọi người mình cảm thấy rất vui. Ngày nào mình cũng có thể làm được giống như thể ngày nào mình cũng ăn cơm vậy. Nó dần trở thành như một thứ thiết yếu trong cuộc sống của mình”. 

Ông lão tật nguyền bán vé số dành tiền vá đường

Mọi người quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Ba Dân…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Anh ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN