Những chiến binh chống nCoV: Ca trực đặc biệt chiều 30 Tết
Ngay khi tiếp nhận một cô gái nhiễm virus Corona từ TP Vũ Hán - Trung Quốc, nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tự động cách ly, đón Tết xa người thân
Là một trong những người nhận lịch trực chiều 30 Tết Canh Tý 2020, điều dưỡng Lê Thị Thu Hải (SN 1988) thuộc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, không thể ngờ rằng đó là một ngày trực Tết đáng nhớ trong đời.
Thui thủi đêm giao thừa
15 giờ ngày 24/1 (nhằm 30 Tết), Khoa Bệnh nhiệt đới nhận được thông báo chuẩn bị tiếp nhận 1 ca bệnh nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) là chị N.T.T (SN 1995; ngụ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Khoảng 17 giờ, bệnh nhân tới BV. Các y - bác sĩ tại khoa không khỏi lo âu vì đây là ca đầu tiên của Thanh Hóa mà chưa có phác đồ điều trị cũng như thuốc đặc trị. Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh và tử vong tại TP Vũ Hán - Trung Quốc tăng lên chóng mặt.
Tất cả 25 nhân viên, y - bác sĩ những ngày sau đó đều phải thay nhau tới BV làm việc. Hầu như chẳng còn ai nghĩ tới Tết nữa bởi nỗi lo dịch bệnh bùng lên. Sau đó, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân trở về từ Vũ Hán đã dương tính với nCoV.
"Dù đã thay băng, tiêm, truyền cho bệnh nhân nhiều năm tại BV nhưng tôi cũng hơi lo vì khoa chưa bao giờ tiếp nhận ca bệnh nào mà đặt trong trạng thái nguy cấp đến vậy. Tôi có 2 con nhỏ, lại ở cùng với bố mẹ chồng nên lúc biết tin, gia đình, người thân gọi điện, nhắn tin hỏi han rất nhiều. Sau ca trực về nhà, những ngày Tết tôi cũng chẳng đi đâu, cố gắng bảo vệ sức khỏe tốt cho bản thân, đồng thời hạn chế tiếp xúc với người xung quanh" - điều dưỡng Lê Thị Thu Hải nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chúc mừng bệnh nhân xuất viện
Đây là lần đầu tiên điều dưỡng Nguyễn Thị Hường phải đón Tết một mình trong đêm giao thừa. Ngay sau khi biết tin khoa tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, chị Hường đã thông báo cho gia đình biết. Sau đó, chị quyết định để chồng con về quê ăn Tết cùng nội, ngoại, còn mình ở lại thành phố và sẵn sàng trở lại BV khi có lệnh điều động.
"Đêm 30 Tết, hết ca trực về nhà, quanh nhà mình hàng xóm đèn điện lung linh, vui nhộn, trong khi nhà mình vắng lặng. Thắp nén nhang cúng giao thừa xong, ăn tạm lát bánh chưng cho đỡ đói mà thấy tủi thân" - chị Hường trải lòng.
Ngoài ca bệnh dương tính với virus Corona, Khoa Bệnh nhiệt đới những ngày sau đó đã đón 5 bệnh nhân khác nghi nhiễm để cách ly, theo dõi điều trị. Nhiều người đi chơi có tiếp xúc với người Trung Quốc lo lắng cho sức khỏe cũng tới khoa thăm khám nên tất cả nhân viên y tế của khoa làm việc không ngưng nghỉ.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, liên tục động viên cán bộ, y - bác sĩ cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cho người bệnh. "Ngoài biện pháp điều trị, phòng hộ, chúng tôi phải cố gắng tối đa bảo vệ sức khỏe để tránh lây nhiễm cho mình và người thân trong gia đình" - bác sĩ Tiến nói.
BV tuyến tỉnh điều trị thành công
Sau 10 ngày cách ly, theo dõi điều trị, chị T. được điều trị thành công khi Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương thông báo kết quả âm tính. Như vậy, BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là BV tuyến tỉnh đầu tiên điều trị thành công ca nhiễm nCoV. Nhận được thông báo, cả BV thở phào nhẹ nhõm. Với những trường hợp nghi nhiễm sau đó, các nhân viên y tế đã cố gắng tạo cho họ tâm lý thoải mái, giống như đang ở nhà mình. Điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị, giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh.
Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến cho biết chị T. nhiễm virus cấp tính nhưng nhờ thể trạng tốt, không mắc các bệnh mạn tính. Quá trình điều trị, các bác sĩ bảo đảm khu vực cách ly, phòng cách ly luôn thoáng khí, không bật điều hòa, mở cửa rộng tạo luồng không khí tự nhiên để virus, vi khuẩn đào thải nhanh ra ngoài không khí; hướng dẫn vệ sinh tay, miệng hằng ngày... Ngoài ra, hướng dẫn người bệnh cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem, bổ sung thêm hoa quả tươi và uống sữa để nâng cao thể trạng cũng như sức đề kháng.
Theo ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, hiện chưa có loại thuốc nào kháng nCoV đặc hiệu nên BV điều trị theo triệu chứng của bệnh nhân, đồng thời theo dõi chặt diễn biến hằng ngày để chuẩn bị phương án ứng cứu với tình hình dịch bệnh.
Việc điều trị thành công cho bệnh nhân T. cho thấy việc phát hiện sớm, cách ly sớm, hướng dẫn điều trị và theo dõi sớm, xử lý các biến chứng là hết sức quan trọng. "Người dân không nên quá lo lắng nhưng tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh mà cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, các cán bộ y tế về việc phòng tránh lây nhiễm để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất" - ông Lê Văn Sỹ nói.
-------------------
Mời độc giả đón đọc Kỳ tới: "Chốt dịch" nơi tuyến đầu Tổ quốc vào lúc 13h00 ngày 9/2 trên mục Tin tức trong ngày
Nguồn: [Link nguồn]
Đến sáng nay, số người mắc bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra trên thế giới là hơn 34.000 trường hợp.