Những cây chưng Tết "hút" tài lộc vào nhà
Những loại cây được chưng dịp Tết không chỉ để làm đẹp mà theo quan niệm dân gian, chúng còn mang ý nghĩa về sự may mắn, sung túc trong năm mới.
Ngày Tết, nhà nhà đều cố gắng để có vài cây kiểng, hoa để chưng trong nhà. Ngoài chuyện làm đẹp, dân gian quan niệm hoa kiểng còn mang lại sự may mắn, sung túc trong năm mới.
Mai đỏ
Mai đỏ hay còn gọi là cây mộc qua với màu hoa đỏ rực, những bông hoa đẹp đài các hứa hẹn một năm mới may mắn, làm ăn phát tài, dồi dào sức khỏe.
Mai đỏ thuộc họ hoa hồng, dáng nhỏ, hoa lớn với nhiều lớp cánh. Ngày Tết, mai đỏ có thể được trồng trong chậu hoặc trang trí thêm với tiểu cảnh, hòn non bộ… Sau Tết, nếu dưỡng tốt, năm sau cây mai sẽ tiếp tục cho ra hoa đúng dịp xuân sang.
Cây mai đỏ
Bưởi Diễn
Bưởi Diễn vốn được ưa chuộng vì trái của nó có thể “cất gầm giường” để ăn cả năm mà không bị hư. Gần đây, người ta còn quan niệm chưng (cây) bưởi Diễn trong nhà dịp Tết thì cả năm gia đình luôn giữ được hòa khí, nhờ vậy may mắn sẽ mỉm cười. Không chỉ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, 3-4 năm nay tại TP.HCM đã bán rất nhiều cây bưởi Diễn (có trái) chưng Tết.
Thơm son
Thơm son (khóm son, dứa son) là một trong những loại cây được chọn chưng nhiều trong dịp Tết. Thơm son màu đỏ đẹp mắt, mang ý nghĩa sung túc, sum vầy.
Do đây là loại trái cảnh khá khó tính từ khâu nhân giống, chăm sóc nên thơm son có giá khá cao. Người chưng thơm son thường chưng theo cặp, giá mỗi cặp 200.000-350.000 đồng.
Cây bưởi Diễn
Thơm phụng
Thơm phụng (hay dứa phụng, khóm phụng) tuy ăn không ngon nhưng có mẫu mã đẹp, lạ, rất thích hợp chưng Tết. Đây là mặt hàng mới xuất hiện 3-4 năm gần đây.
Mỗi trái thơm phụng thường có nhiều nhánh, nhiều tầng hình dáng giống con chim phụng, màu đỏ hồng rất đẹp. Giá thơm phụng tùy vào số nhánh, trái càng nhiều nhánh càng đắt tiền.
Bonsai trà xanh
Tuy là loại cây chưng Tết không phổ biến nhưng được nhiều người ưa thích đồ độc, lạ săn tìm. Rộ lên như một mốt chơi cây Tết từ năm 2017, bonsai trà xanh tiếp tục được tìm kiếm trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Giá mỗi chậu bonsai tùy theo dáng, độ tuổi của cây trà dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Thanh long kiểng
Những chậu thanh long rất nhiều trái đỏ rực chưng dịp Tết mang ý nghĩa cát tường, thịnh vượng và may mắn nên được rất nhiều người ưa chuộng. Không chỉ ở miền Nam, mà 2-3 năm trước loại cây cảnh này đã được tiêu thụ khá mạnh ở phía Bắc.
Quất cảnh lộc bình
Quất (tắc, quật) cảnh là một trong những loại cây trái chưng Tết rất quen thuộc với ý nghĩa mang may mắn, sung túc trong năm mới. Để có được những cây quất đẹp vụ Tết, các nhà vườn đã phải trồng, dưỡng cây suốt một năm. Quất cảnh có giá “vô cùng”, ưng thì “bi nhiêu cũng mua”. Ngoài những cây quất thông thường, Tết Mậu Tuất xuất hiện thêm quất cảnh lục bình từ vườn của nông dân tại Hưng Yên.
Táo bồng lai, táo đỏ bonsai
Đây là hai loại cây chưng Tết mới xuất hiện 1-2 năm nay, được nhập từ Trung Quốc. Táo bồng lai và táo đỏ bonsai là những cây táo được tạo dáng, có đủ lá, hoa, trái chín đỏ, khá đẹp mắt và để được lâu. Tuy nhiên, do dùng rất nhiều thuốc kích thích nên táo này chỉ nên chưng, không nên ăn.
Sung bonsai
Cây sung được cho là mang đến may mắn, sung túc, sức khỏe cho gia chủ nên ngoài trưng bày trên mâm quả, sung còn được chọn làm loại cây cảnh chưng ngày Tết.
Ngoài những cây sung lớn, dân thành phố rất chuộng những cây sung bonsai vì có thể chưng được trên bàn nước, nóc tủ, bệ cửa sổ…
Phật thủ mini
Ngày càng có nhiều người thích chưng phật thủ mini dịp Tết do quan niệm với hình dáng như bàn tay Phật, phật thủ sẽ mang an lành, sung túc đến trong năm mới.
Phật thủ mini giá khá cao do khâu chăm sóc, ghép khá cầu kỳ, từ 1 triệu đồng trở lên cho mỗi chậu.
Đu đủ cảnh
Giống cây sung, cây đu đủ được quan niệm sẽ mang lại cuộc sống đầy đủ, sung túc cả năm nên đu đủ được nhiều người lựa chọn chưng dịp Tết.
Là loại cây dễ ươm trồng, dễ tạo dáng, ra trái nhưng giá một chậu đu đủ cảnh không mềm chút nào…
Chợ hoa Phú Quốc năm nay đặc sắc hơn chính là nhờ có sự xuất hiện của cây dừa 15 ngọn và cây khế hình chú chó trông...