Những cảnh đời trên chuyến tàu ngày Tết
Một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray ken két, con tàu rời sân ga, đó cũng là hành trình chở mùa xuân về với mọi nhà. Trên chuyến tàu cuối năm có một nét gì đó đặc trưng, đó là sự náo nức, xốn xang được trở về. Tôi nhìn rõ niềm hân hoan ấy trên từng gương mặt người tha hương.
1. Đi trên chuyến tàu cùng tôi có rất nhiều người con trở về quê nhà đón Tết. Có một người đàn bà dáng vẻ khắc khổ, trong suốt hành trình không hề xuống ga, lúc nào cũng trầm lắng nhìn ra khung cửa tàu, lời tâm sự của bà, khiến lòng tôi xót xa. Đó là bà Nguyễn Thị Mai, 52 tuổi, quê Nam Định. Bà Mai vào TP Hồ Chí Minh làm giúp việc được 8 tháng. Lẽ ra bà không có ý định về quê đón Tết, dự định của bà Mai sẽ làm qua Tết cho tới tháng 3 mới về tảo mộ chồng, do chủ nhà năm nay đi nước ngoài du lịch nên bà buộc phải về. Có đứa cháu ở Đồng Nai mời bà ở lại ăn Tết với gia đình nó, bà Mai suy nghĩ một đêm thấy e ngại nên từ chối khéo.
10 năm lái tàu, anh Việt luôn mong mỏi được đón những cái Tết gia đình đầm ấm
Bà về thì cũng chỉ đơn độc mà thôi, nhưng được đón Tết ở quê hương, trong chính ngôi nhà của mình cũng có phần ấm áp hơn xứ người. Hành trang cho chuyến trở về lần này của bà Mai chỉ có chiếc ba lô cũ kỹ đựng vài bộ quần áo, cùng bịch bánh Tết gia chủ gửi tặng. Vé tàu Tết đắt đỏ nên bà Mai chọn mua vé ghế ngồi để tiết kiệm một khoản tiền. Đời bà vất vả quen nên không cần phải sang trọng gì cả, miễn sao về tới nhà là được. Phần ăn trên tàu ngày tết vẫn như ngày thường, giá bán dao động từ 40-50 ngàn/suất ăn nhưng bà Mai chưa từng thử ăn lấy một bữa. Bà chuẩn bị sẵn bánh mì, bánh chưng và chai nước. Cứ thế, trong suốt hành trình về tới quê hương, bà bỏ qua những lời mời ăn uống và im lặng ngồi nhìn dòng người náo nức xuống sân ga mua sắm quà bánh.
Chuyến tàu nào cũng vậy, luôn ẩn giấu nhiều chuyện đời, với những mảnh ghép cuộc sống đủ sắc màu. Trên chuyến tàu Tết, cuộc đời của mỗi hành khách có lẽ được khắc họa phong phú và lắng đọng hơn. Khoang giường nằm hôm nay có vợ chồng ông Vũ Tiến Lùng, 68 tuổi, quê Hải Dương. Ông Lùng là bộ đội, thương binh. Kể về những chuyến tàu, ông Lùng cười đầy vẻ hạnh phúc: “Suốt 18 năm qua, tôi đều ra đi và trở về trên tàu. Dù bây giờ con cái khá giả, chúng sẵn sàng mua vé máy bay để tôi đi cho nhanh nhưng tôi đều từ chối. Tàu hỏa với tôi đã quá thân thuộc từ ngày là anh lính đeo ba lô ra chiến trường”.
Ông Lùng trên chuyến tàu về quê đón Tết
Trong ký ức của ông Lùng, ga Hải Dương quê ông là những kỷ niệm xa mờ của những năm tháng chiến tranh và cả sau ngày đất nước hòa bình. Đó là nhà ga đơn sơ, nhà ngói cấp 4, mái đỏ in lên trời của một thời bao cấp nghèo nàn và đơn giản. “Ga Hải Dương khi tôi đi qua những năm chiến tranh là những toa tàu có vết đạn, nằm ngả nghiêng do bom Mỹ, những đường ray cong vênh in lên trời cao. Hải Dương là tỉnh nhỏ, tàu đi loáng cái đã hết nên luôn để lại sự luyến tiếc. Đó là lý do mà tôi luôn chọn di chuyển bằng tàu, muốn được ngắm nhìn đất nước mình qua khung cửa toa tàu”, ông Lùng tâm sự.
Chuyến tàu Tết bao giờ cũng thật ấm áp. Trên sân ga vội vã, người ta sẵn lòng chia cho nhau một ổ bánh mì ăn tạm cho bữa tối, có thể chợp mắt thiếp đi mà không sợ lỡ chuyến trở về. Người ta nhiệt tình thăm hỏi, động viên nhau dù chẳng hề quen biết hoặc kể cho nhau nghe bất cứ chuyện gì để rồi quên lãng đi, bởi họ chỉ cùng nhau lên một chuyến tàu thôi, rời sân ga thì mỗi người một ngả.
2. Ga Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đón tôi trong buổi sáng sương lạnh của ngày giáp tết. Trước khi lên tàu, tôi được trưởng tàu tiết lộ, đây là ga duy nhất còn cảnh buôn bán trước cửa tàu, họ là những người trong thế hệ “nhảy tàu”, một thời là “đặc sản” trên cung đường xe lửa.
Tàu dừng lại 12 phút để tiễn và đón hành khách, đây cũng là khoảng thời gian quý giá để tôi xuống sân ga gặp gỡ những con người của một thời mưu sinh vất vả hiểm nguy. “Bây giờ không còn cảnh nhảy tàu nữa, mà chỉ bán như thế này thôi”, bà Tư Dung nói và chìa bịch trứng luộc, bắp luộc và khoai sắn luộc ra trước mặt khách. Thời gian không có nhiều nên những người bán hàng cũng chỉ mời được vài vị khách xuống tàu, thỉnh thoảng mới có người mua còn đa phần lắc đầu bỏ đi vội vã.
Bà Dung mời chào khách những món hàng dân dã do bà tự làm
58 tuổi, bà Dung bán hàng rong trên sân ga đã hơn 20 năm. Cách đây hơn chục năm bà có tham gia nhảy tàu bán hàng. Lúc ấy, chân còn khỏe, tay còn chắc và lận lưng được chút kinh nghiệm nên nhảy khỏe re, chạm đất ngon lành, không hề hấn gì. Bà nhảy từ ga Diêu Trì qua ga Đà Nẵng, có khi vượt đèo Hải Vân ra tận ga Huế. Buôn bán thời nhảy tàu đủ sống chứ không dư dả gì. Sau này, ngành chức năng dẹp nạn nhảy tàu, đội buôn bán của bà Dung giải nghệ đi làm ăn lưu lạc khắp nơi, riêng bà ở lại quê nhà, làm đủ thứ nghề để sống vẫn chẳng ăn thua, bà lại xách túi ra sân ga buôn bán vài thứ cho đỡ nhớ nghề mà cũng thoải mái thời gian hơn các nghề làm thuê khác.
Câu chuyện của chúng tôi bị xé toạc bởi tiếng còi tàu hú dài lăn bánh, tôi đành lỗi hẹn cho chuyến tàu khác. 4 ngày sau, tôi trở về miền Nam trên tàu SE3, xuống ga Diêu Trì khi những cơn mưa xuân loang đẫm đường ray. Bà Dung vẫn đứng đợi tàu, như đợi một hình bóng thân thương từ rất lâu rồi. Lần này, bà bán thêm cả bánh chưng Tết, để những hành khách nào đang trên chuyến tàu xa quê hương thưởng thức hương vị ẩm thực mùa xuân. Bà tươi cười khoe với tôi, hôm nay bà bán được hơn 100 ngàn, lời được vài chục ngàn. “Nhà chỉ còn hai ông bà già, kiếm được từng đó là hài lòng rồi”, bà Dung cười thanh thản. Những ngày Tết, tàu vẫn đều đặn về ga, bà Dung không bỏ buổi bán hàng nào, dẫu có ế thì bà vẫn ở đó, lang thang giữa sân ga và tấp nập bán buôn khi tàu xập xình cập bến.
Có những ngày chân yếu, tay run, trời trở lạnh xương cốt đau buốt nhưng bà chưa chịu nghỉ ngơi, bà đi bán hàng tàu một phần vì kế sinh nhai, phần khác bà vẫn còn lưu luyến cái nghề đã gắn bó với mình gần nửa đời người. Bà nặng lòng với sân ga và những chuyến tàu mùa xuân. Xuân này, gia đình con trai của bà không về, năm trước cũng không về. Dẫu biết là thế, nhưng bà Dung vẫn muốn ra ga, bà thèm được ngắm nhìn dòng người trở về quê hương ăn Tết, xem cái cảm giác đoàn tụ gia đình.
Tiếng còi tàu quen thuộc lại kéo dài từng hồi, nhân viên nhà ga hối thúc những người bán hàng đang cố níu kéo một vị khách. Bà Dung hối hả rời đi, bóng bà nhỏ bé xa dần rồi khuất hẳn giữa sân ga.
Những con người đang lặng lẽ góp phần chở mùa xuân về với mọi nhà trên các chuyến tàu
Những hành khách lần lượt xuống ga, con tàu vẫn miệt mài đi về điểm cuối cùng của hành trình. Trên chuyến tàu ngày 30 Tết, buổi tối, nhân viên tàu sẽ chuẩn bị tiệc đón giao thừa ở toa tàu. Mỗi người một công việc, người phụ trách trang trí cành đào, người chuẩn bị đèn nháy, người tất bật bày bánh kẹo lên bàn để chuẩn bị cùng hành khách đón chào năm mới. Đúng thời khắc giao thừa điểm, trưởng tàu sẽ gửi lời chúc Tết. Sau đó, anh em trên tàu tập trung quanh mâm cỗ nho nhỏ có đầy đủ dư vị ngày Tết, gửi lời chúc tốt lành cho nhau và ăn cùng nhau bữa cơm đầu tiên của ngày xuân.
Không khí ấm cúng như một gia đình, nhưng khi tan tiệc, cảm giác cô đơn, buồn tủi xâm chiếm tâm trí. “Khi trở về khoang, tôi thấy lòng mình trống vắng. Nhìn ra bầu trời đêm, cứ thăm thẳm nỗi nhớ gia đình”, ông Trương Xuân Tiến - toa bếp chia sẻ. Ông Tiến làm bếp trên tàu được 14 năm. Với người làm bếp, Tết luôn gợi cho ông cảm giác về bữa cơm sum họp nên nỗi nhớ càng da diết, cháy bỏng. Nhưng đó là những năm đầu, sau này đi riết rồi cũng quen, cũng chai mòn cảm xúc theo thời gian. Bây giờ, chuyện đón Tết trên tàu của nhân viên đường sắt là lẽ bình thường của nghề.
“Trên con tàu đón Tết khắp các vùng quê, đi qua mỗi bản làng đều có một nét xuân khác lạ, cảm giác rất thú vị”, lái tàu Đào Văn Việt chia sẻ. Câu chuyện của tôi với anh Việt cũng bị ngắt quãng bởi tiếng còi tàu, xen giữa cuộc trao đổi về chuyên môn, kỹ thuật của các lái tàu, phụ tàu cho chặng Đà Nẵng - Quảng Bình. Anh Việt 34 tuổi, có thâm niên 10 năm lái tàu hỏa. Tết với người lái tàu cũng như bao nhân viên hỏa xa khác, đều là những ngày lao động phục vụ hành khách. Anh Việt cho biết, lái tàu thì được nhìn ngắm cảnh đẹp bao quát và đầy đủ nhất nhưng cũng là người đơn độc nhất của hành trình. Ngày Tết, anh em trên các toa còn được gặp nhau, chúc mừng nhau, ăn với nhau miếng bánh chưng, có các tiết mục văn nghệ và có cả hành khách để chia vui. Riêng buồng lái chỉ có lái chính và lái phụ, vui không ai biết, buồn không ai hay.
Hai người ở hai ghế, mắt vẫn hướng về phía trước tiếp tục điều khiển đoàn tàu lăn bánh, họ chỉ quay sang nói với nhau câu “chúc mừng năm mới” trong lúc tàu vẫn lao đi giữa màn đêm thăm thẳm. Với nghề lái tàu, đêm giao thừa cũng như ngày thường. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu. Khi giao thừa sang, họ càng phải cẩn thận quan sát phía trước bởi giao thừa mọi người đi chơi xuân, đi lễ nhiều, nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến đường ray, dễ xảy ra các tai nạn. “Khi ngồi buồng lái, chúng tôi phải làm việc căng thẳng, tập trung tư tưởng, liên tục quan sát phía trước để nhận biết tín hiệu ra vào ga, các chướng ngại vật qua đường ngang để xử lý kịp thời, đồng thời để ý giờ tàu, trạng thái hoạt động của đầu máy để đưa tàu về đúng giờ”, anh Việt chia sẻ.
Những chuyến tàu Tết luôn rất đặc biệt khi mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một hành trình về với gia đình, về với bữa cơm đoàn viên. Trên sân ga, chỉ còn lại đoàn tàu với những con người luôn trở về nhà sau cùng, đón mùa xuân muộn nhất.
Ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người đón Việt kiều về nước ăn Tết cổ truyền, sum họp cùng gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]