Những cái chết liên tiếp tại “làng ung thư”

Hòa Hậu (huyện Lý Nhân -Hà Nam), Ninh Vân (huyện Hoa Lư- Ninh Bình), Minh Tân (huyện Kinh Môn -Hải Dương) là những địa danh nối tiếp cái tên Thạch Sơn (Lâm Thao - Phú Thọ) ám ảnh bởi số người chết vì ung thư ngày càng nhiều.

Đó là những vùng nằm gần nhà máy xả thải, khu công nghiệp hoặc là những làng nghề...

Năm 2005, “làng ung thư” Thạch Sơn, huyện Lâm Thao -  Phú Thọ làm cả nước bàng hoàng với 106 người chết vì ung thư trong 15 năm (1991-2005). Thế nhưng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân - Hà Nam, chỉ trong 7 năm (2006-2012), đã có 102 người thiệt mạng vì căn bệnh quái ác này.

Cán bộ xã nói “bình thường”

Ở Hòa Hậu, hầu như tháng nào cũng có người chết vì ung thư. Bình quân, mỗi năm xã này có gần 15 người chết vì căn bệnh quái ác này.

Những cái chết liên tiếp tại “làng ung thư” - 1

Danh sách người thiệt mạng do ung thư ở xã Hòa Hậu ngày càng tăng

Những cái chết liên tiếp tại “làng ung thư” - 2

Nghề dệt nhuộm bị người dân xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân - Hà Nam cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cho nhiều người dân ở đây

Mỗi năm có cả chục người chết do ung thư nhưng người dân Hòa Hậu lại không muốn ai gọi tên quê mình là “làng ung thư” bởi “danh xưng” này sẽ ảnh hưởng tới tương lai của con em họ.

Trái ngược với sự lo lắng của người dân, ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu, cho rằng: “Số người chết vì ung thư ở địa phương chúng tôi cũng bình thường thôi”. Ông Trần Duy Đoàn, trưởng trạm y tế xã, cũng nói rằng số người chết vì ung thư chiếm khoảng 20% trong tổng số tử vong của xã là không nhiều.

Trong khi đó, 7 năm qua, xã Hòa Hậu có đến 102 người chết vì ung thư. Những năm gần đây, số người thiệt mạng do ung thư ở đây lại tăng nhiều: Năm 2006 chỉ có 9 người chết, sang năm 2007 tăng lên 13 người, đến năm 2008 là 16 người; trong 3 năm (2010-2012), số người chết do ung thư vọt lên 57.

Nhìn cuốn sổ ghi chép nạn nhân chết vì ung thư của Hòa Hậu, người xem không khỏi bị ám ảnh. Chẳng hạn năm 2011, tính từ ngày 29/6 đến 22/8, trong xã có 9 người chết. Có ngày có đến 3 người chết như ngày 18/7: Cháu Trần Thị K.O., 10 tuổi, bị ung thư máu; ông Trần Hữu Q., 58 tuổi, bị ung thư vòm họng; ông Trần Hữu L., 85 tuổi, bị ung thư dạ dày.

Đa số là những người chết ở đây do ung thư đang ở tuổi trung niên. Không ít gia đình có nhiều người thân thiệt mạng vì ung thư, có hộ 2 - 3 người nhưng cũng có hộ lên đến 3-4 người. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình anh Trần Xuân Sinh có 3 người chết là bố anh (ông Trần Xuân S.) bị ung thư phổi, chú ruột anh là ông Trần Xuân Th. bị ung thư gan và anh trai anh là ông Trần Xuân M. bị ung thư dạ dày.

Dân lo lắng

Khác với cán bộ xã, anh Trần Văn Thuận, trưởng xóm 16, khẳng định số người chết vì ung thư ở xã là nhiều. “Vài năm qua, xóm này đã có gần 20 người chết vì ung thư. Có hôm, vừa đưa người này ra đồng, lại về lo hậu sự cho người xấu số khác, chẳng biết vì sao mà chết nhiều vậy. Nghĩ mà rợn cả người” - anh Thuận lo lắng nói.

Chúng tôi ghé vào nhà bà Trần Thị Mỵ, ở xóm 8. Bà Mỵ bảo rằng ở xóm này, đếm sơ sơ cũng có “khối” người chết vì ung thư. “Người dân trong xã bị ung thư là do chất thải của nghề nhuộm vải tại địa phương” - bà Mỵ cho biết. Thấy tôi vẫn còn băn khoăn về nguyên nhân này, bà Mỵ bảo: “Nhà tôi ở đây mấy đời, cũng làm nghề dệt, sao tôi lại không biết. Chất ấy nó độc lắm nên nhiều người trong xã chẳng chịu làm thuê cho các cơ sở dệt nhuộm”. Rồi bà bức xúc: “Dù biết là chất nhuộm sợi độc hại, lại thải trực tiếp ra môi trường nhưng chính quyền địa phương lại chẳng có ý kiến gì”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Bà đáp: “Nếu xử lý thì những hộ dệt nhuộm chết đói hết vì lỗ”. Về việc những hộ làm nghề dệt nhuộm đã xây bể chứa và lọc nước thải, bà khẳng định: “Ít người làm lắm, giả sử có làm cũng chẳng ra gì, chủ yếu là để đối phó thôi. Hầu hết vẫn là thải trực tiếp ra sông”.

Những nhận định ngược nhau

Ông Bạt, Bí thư Chi bộ xóm 10, giải thích do nghề dệt nhuộm lợi nhuận cao nên nhiều gia đình bất chấp hậu quả. “Chúng tôi nghĩ dân bị ung thư là do nguồn nước bị ô nhiễm. Bấy lâu nay, người dân ở đây toàn dùng nước giếng, chứ nước máy thì mới có vài năm nay thôi nhưng đâu phải ai cũng có. Hiện nay, người dân ở đây hoang mang lắm”- ông Bạt cho biết.

Trái ngược với nhận định của nhiều người, ông Trần Đức Tuyến khẳng định: “Bây giờ, dân địa phương không còn làm nghề nhuộm vải. Nếu có thì họ mang vải đi nơi khác nhuộm”.  Ông Trần Duy Đoàn, trưởng trạm y tế xã, nhanh nhảu giải thích: “Người dân cũng như các doanh nghiệp làm dệt nhuộm ở xã không làm ảnh hưởng đến môi trường”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN