Những cái chết bất thường ở Quảng Nam
Nằm giáp ranh với tỉnh Kon Tum, nhiều xã của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) được mệnh danh là “vùng đất chết”, dù vàng ở đây rất nhiều. Nghèo đói, bệnh tật và tệ nạn xã hội đã tác động dữ dội đến nhiều gia đình.
Bị HIV/AIDS truy sát!
Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức và xã Phước Thành, chốc chốc lại thấy vài ngôi mộ nằm sát đường, đìu hiu, lạnh lẽo. Họ chết khi còn rất trẻ.
Xã Phước Thành, nơi được coi là “thủ phủ” của nạn đào đãi vàng trái phép và cũng là nơi tụ tập của các tay anh chị cai thầu, bảo kê, mua bán cái chết trắng. Nhiều người dân Bh’noong, nhất là thanh niên bị xúi giục, lừa phỉnh tham gia đào đãi vàng cho các cai thầu. Để khống chế, những tay đầu nậu này đã cho họ dùng thuốc phiện (sau này là ma túy) nhằm dễ bề sai khiến và tăng sự lệ thuộc. Hàng chục người chết do nhiễm HIV/AIDS, khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Những người bị bệnh, rồi chết dần chết mòn tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, nơi những bãi vàng hoạt động nhộn nhịp là Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Đức và thị trấn Khâm Đức... Con số này chỉ là tương đối vì phần lớn người Bh’noong ngã bệnh với các triệu chứng tương tự như bệnh HIV/AIDS, nhưng họ không chịu đi xét nghiệm, dù các trạm y tế đã cử cán bộ nhiều lần đến vận động.
Bệnh lạ ở A Luông
Làng A Luông nằm ven dòng ĐắkMi, đối diện với UBND xã Phước Kim. Theo UBND xã Phước Kim, A Luông có 37 hộ, 174 nhân khẩu, trong đó có đến 90% là hộ nghèo. Thời gian gần đây, trong thôn liên tục xảy ra tình trạng nhiều người vàng da, bụng trướng, rồi lăn đùng ra chết. Những cái chết bất ngờ đổ ập xuống bản làng nghèo càng làm cho người dân nơi đây hoang mang.
Trong số những người phát bệnh, có 2 phụ nữ là Hồ Thị Hiền (27 tuổi) và Hồ Thị Ghiền (28 tuổi) đã qua đời, để lại 5 con còn rất nhỏ. Trong khi đó, 4 trường hợp khác cũng có những triệu chứng tương tự (da vàng, toàn thân phù nề, bụng căng cứng…) đang nằm chờ thần chết đến gõ cửa.
Theo người dân ở A Luông, trong những năm qua, tại làng A Luông đã có 5 người chết với cùng một căn bệnh này, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đại diện UBND xã Phước Kim khẳng định, số người chết vì bệnh lạ ở Phước Kim là có thật. UBND huyện Phước Sơn lập đoàn công tác đến Phước Kim tìm hiểu nguyên nhân. Bước đầu xác định nguyên nhân xuất phát căn bệnh này là do người dân sử dụng rượu lâu năm, chủ yếu bị ung thư gan. UBND xã Phước Kim cho biết thêm, theo người dân, vùng thượng nguồn của dòng ĐắkMi có rất nhiều hố bom nghi là bom hóa học. Bởi Phước Kim trước đây là căn cứ cách mạng.
Ngoài ra, Phước Kim cũng là nơi mà nạn đào đãi và khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ, nên khả năng nguồn nước bị nhiễm xyanua là không thể tránh khỏi. Gần đây, UBND xã Phước Kim lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm với mong muốn các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam sớm đưa ra kết luận cuối cùng về tình hình bệnh tật của người dân.
Nhóm thanh niên đào đãi vàng sa khoáng
Những đứa trẻ không cha
Chuyện nóng ở Phước Sơn bây giờ không phải là vàng, mà theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn lẫn người dân chính là những đứa trẻ không cha xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu những thanh niên trẻ, đang ở độ tuổi lao động sung sức, là trụ cột của gia đình phải từ bỏ cuộc sống vì bệnh HIV/AIDS, để lại hơn chục đứa trẻ, như trường hợp ở thôn 3, xã Phước Thành. Thì cũng tại các xã nằm trong “tâm vàng” Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ trẻ đơn thân nuôi con nhỏ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những thiếu nữ này không được học hành đến nơi đến chốn, phải vào các bãi vàng sa khoáng làm công cho chủ bãi. Đơn cử tại thôn 4, xã Phước Thành có tới 3 thiếu nữ tuổi chưa đầy 16 đã phải một mình nuôi con. Những đứa trẻ này ra đời mà không biết mặt cha. Vì cha chúng là ai, làm gì thì không ai biết. Theo những người dân trong thôn 4, làng chỉ biết họ vào bãi vàng làm công. Sau đó, rời bãi với bụng vượt mặt.
Một vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở xã Phước Thành, đó là vụ xâm hại tình dục trẻ em do một đối tượng chuyên đào đãi vàng quê Ninh Bình thực hiện. Theo hồ sơ vụ việc, H.T.H. đi làm công tại một bãi vàng sa khoáng đã bị Đào Văn Định (29 tuổi) dụ dỗ, hãm hiếp nhiều lần. Đến khi H.T.H. có bầu, gia đình mới phát hiện và tố cáo với cơ quan Công an.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn, toàn huyện hiện có 43 trường hợp trẻ em mồ côi bị bỏ rơi và những người mẹ này đang gặp phải hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, hằng tháng nhận trợ cấp xã hội với mức 120.000 đồng/tháng. Và cũng thật trùng hợp, phần lớn những đứa trẻ không cha này lại tập trung chủ yếu ở các xã có vàng như Phước Thành (4 trường hợp), Phước Kim (6 trường hợp), Phước Công (5), Phước Lộc (3), Phước Chánh (2)...
Và những dòng sông chết
Chỉ tay về phía những ngọn núi xa xa, nơi có các con suối nước nhỏ chảy ra, cung cấp nước cho đồng ruộng, ông Hồ Văn Ni - một người dân Phước Thành trầm ngâm: "Đây là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho 378 hộ với trên 1.400 nhân khẩu của xã Phước Thành. Nhiều mùa lúa rồi, người dân trong xã không gặt được gì. Không phải vì thiếu nước, thiếu phân, thậm chí nước thừa là đằng khác. Nhưng các anh biết không, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng lắm. Không tin cứ thử vào trong suối mà xem, mà nghe cái mùi hôi của nó”.
Men theo dòng ĐắkMéct, lên đỉnh núi cao, chúng tôi tiến sâu vào nơi người dân gọi là “vùng chết”. Anh Đinh Văn Qua, một người dẫn đường nói: “Ngày trước dưới dòng ĐắkMéct này cá nhiều vô kể. Bà con mình chỉ cần lội một chút là đã có cái để ăn. Còn bây giờ, đố ai mà tìm ra con cua, con cá. Cá không sống nổi với xyanua đâu”.
Quả thật, chọn một con suối có lượng nước đổ vào dòng ĐắkMéct nhiều nhất, chúng tôi ngược dòng. Nước ở suối này không còn màu xanh, màu vàng cũng không, mà toàn một màu trắng đục như sữa. Ven bờ suối, hàng chục lán trại của dân đãi vàng (dân địa phương gọi là hàng xái – PV) móc cát từ dưới suối đổ vào máng. Sau đó, dùng xyanua phân kim. Trong lán trại chính, mùi hôi bốc lên nồng nặc, làm xa xẩm mặt mày. Càng lên cao, mùi hôi càng dữ dội.
Những người “hưởng xái” này ăn theo dự án khai thác vàng của Công ty TNHH Trường Sơn nằm trên đỉnh núi. Công nghệ khai thác lạc hậu, không có bãi xử lý thải, là nguyên nhân chính khiến nước đầu nguồn dòng ĐắkMéct bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, tại xã Phước Kim, dòng ĐắkMi cũng bị phá huỷ trầm trọng bởi các đơn vị khai thác vàng và những người đãi vàng sa khoáng. Chất độc xyanua đã tích hợp, tồn lưu trong môi trường khiến dòng sông không còn là nơi để người dân làm điểm tựa cho cuộc mưu sinh.
Muốn lấy nước sạch để uống, bà con phải băng rừng, chọn những dòng suối nhỏ không bị xyanua tấn công. Hàng ngàn điểm khai thác vàng bao vây khắp các làng. Hàng ngàn tấn xyanua đã và đang được sử dụng khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Và đây chính là nguyên nhân khiến người dân ở các bản làng xa xôi dần chết mà không rõ vì sao.