Những biểu tượng của Hà Nội trăm năm trước giờ ra sao?
Trải qua trăm năm với biết bao thăng trầm lịch sử và những lần cải tảo, nhiều công trình xưa ở Hà Nội nay đã đổi thay cả tên lẫn kiến trúc.
Trải qua hơn 60 năm kể từ khoảnh khắc “khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy, nhịp trống rung 36 phố phường”, Hà Nội giờ đây đã trở thành một thủ đô năng động, giàu sức sống với những dòng người, dòng xe cộ nối dài bất tận. Thế nhưng, đâu đó trong thành phố này vẫn có những di tích, chứng nhân lịch sử trường tồn bất chấp thời gian để ta không khỏi yêu và nhớ về một thời khói lửa hào hùng...
Cảnh mua bán tấp nập trước cửa chợ Đồng Xuân năm 1910. Đây là chợ lớn nhất khu vực phố cổ Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp quy hoạch lại, xây dựng chợ lớn hơn, có năm vòm cửa và năm nhà cầu dài theo kiến trúc Pháp. Ngày 14/7/1994, chợ bị cháy, phải làm lại toàn bộ, đến năm 1996 mới hoàn thành. Ngày nay, chợ chỉ giữ lại 3 cửa, còn cửa đầu phía nam mở thành lối đi vào phố Cầu Đông, cửa đầu phía bắc được thay bằng phù điêu, diễn tả cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1947.
Cầu Thê Húc nối từ Bờ Hồ ra hòn đảo nhỏ có tên đền Ngọc Sơn. Ảnh chụp cây cầu năm 1884 chưa có lan can như ngày nay. Cầu có 15 nhịp, nối bờ hồ với đền Ngọc Sơn có nghĩa là "ngưng tụ ánh hào quang”. Năm 1952, cầu được xây mới sau khi bị sập do người đi lễ quá đông. Cầu được thiết kế vẫn với dáng cầu vòng nhưng độ cong lớn hơn cầu cũ, vẫn giữ nguyên 16 hàng cọc; các dầm ngang và dọc đúc bằng bê tông. Mặt cầu và thành cầu vẫn là gỗ.
Đại học Đông Dương được xây dựng năm 1927 do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Đến năm 1985, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Dược Hà Nội nằm trên phố Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây. Đền có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Trải qua hàng ngàn năm, Đền Quán Thánh vẫn tồn tại đầy uy nghi bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc, cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía tây bắc của Hà Nội.
Sở Bưu điện được xây dựng năm 1922, do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế. Nay tòa nhà là Bưu điện Bờ Hồ.
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Đây là công trình đầu tiên ghi dấu sự thay đổi bộ mặt thành thị của Thủ đô bởi trước đó người dân Hà Nội chỉ dùng nước giếng đào hoặc từ các ao hồ.
Nhà Godard- "bách hóa" xưa là nơi chuyên phục vụ người Pháp, nằm trên phố Tràng Tiền. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay bách hóa gắn với một thời bao cấp được thay bằng công trình mang tên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật, tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của thành phố, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau.
Nhà thờ lớn Hà Nội xây dựng vào năm 1886, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu. Ngày nay nhà thờ toạ lạc tại số 40 phố Nhà Chung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Giờ đây khu vực Nhà thờ Lớn luôn là điểm thu hút đông người vào mỗi ngày hay các dịp lễ lớn.
Bốt Hàng Trống (Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội) những năm đầu thế kỷ 20. Nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.
Thành Cửa Bắc là một trong số ít di tích còn sót của thành cổ Hà Nội. Ttrải qua hơn 2 thế kỷ, dấu vết lỗ súng thần công do quân Pháp bắn lên tường thành là minh chứng cho một giai đoạn khó khăn của người dân Hà Nội phải chống đỡ khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882.
Cầu Giấy là cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại nơi nay là đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong ảnh là hình ảnh của cây Cầu Giấy được chụp từ những năm 1884 - 1885 và Cầu Giấy ngày nay.
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm 1749 và đến năm 1817 được xây dựng lại. Ngày nay, ô Quan Chưởng vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc ngày xưa, nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần chân cầu Chương Dương.