Những bí mật thú vị về thủ thành Đặng Văn Lâm
Hồi nhỏ được gọi là “Puskin Việt Nam”, trượt băng nghệ thuật rất đẹp, bị bắt nạt vì lai châu Á, suýt nhận lời bắt bóng không lương... là những bí mật thú vị của Đặng Văn Lâm được bố mẹ nắm giữ. Gia đình là điểm tựa vô giá của chàng trai hơn chục năm là “thủ môn số 0” rồi trở thành top 5 thủ thành đáng xem nhất của Asian Cup 2019.
Nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn bên con trai sau một trận đấu
Năm mới vừa qua ở Moskva gia đình thủ môn Đặng Văn Lâm đón Tết rất vui. Niềm vui nhân lên vào tối 2/1 khi có thông tin chính thức về việc Lâm đã chia tay CLB Hải Phòng để khoác áo đội tuyển Muangthong United (Thái Legue). Trước phản hồi trái ngược của người hâm mộ, bố mẹ Lâm chia sẻ với bạn bè thân “Ở tuổi 25 cháu nó đã có gì trong tay đâu. Nay được ghi nhận, Lâm muốn ra biển lớn thử sức”.
Là bạn học cùng trường Đại học Sân khấu Moskva với nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn từ gần 30 năm trước, sau này mất liên lạc đến tận lần đọc tin “Thủ môn Đặng Văn Lâm bị huấn luyện viên (HLV) CLB Hải Phòng hành hung” thì tôi mới biết anh Sơn đã cưới chị Olia (học khoa diễn viên), ở lại Nga và nay có cậu con trai chơi bóng. Tìm anh Sơn qua facebook hỏi thăm, tâm trạng cả hai anh chị lúc đó bấn loạn, hoang mang lo cho tính mạng của con trai.
Tối 15/12, ngay sau kết quả Việt Nam vô địch AFF Cup, tôi gọi điện nhắn tin nhưng không thấy anh Sơn đâu. Một ngày sau đó tôi liên lạc lại nghe giọng anh khản đặc “Anh thức cả 24 tiếng qua chỉ để trả lời điện thoại. Người thân, bạn bè thất lạc từ khắp thế giới gọi về chúc mừng em ạ”. Dù thiếu ngủ, hầu như chưa ăn uống, anh Sơn vẫn say sưa kể lại hành trình gia đình 25 năm qua ở nước Nga, trong đó có 8 năm Lâm theo học bóng đá ở CLB Spartak, Dinamo Moskva và 8 năm vất vưởng tại “chiến trường” bóng đá Việt.
Trồi sụt cùng con
Khi vợ chồng anh Sơn sinh bé Lev (tên ở nhà của Lâm), anh Sơn với tấm bằng Biên đạo múa không thể xin được việc làm đã phải làm đủ nghề vất vả như lái taxi, chở hàng thuê để đủ tiền mua bỉm cho con trai. Gần 10 năm sau, nhờ thuê được một ki-ốt bán quần áo ở chợ, kinh tế gia đình anh mới dần dần từ đủ ăn đến ổn định.
Chị Olia (tên đầy đủ là Olga Jukova) kể hồi 1-2 tuổi, Lev có mái tóc quăn từng lọn, nét mặt nhỏ giống nhà thơ Puskin nên mọi người gọi cậu là “Puskin Việt Nam”. Trong ba đứa con, Lâm hợp và thân với mẹ nhất. Mẹ dạy Lâm đánh đàn guitar, hát, đưa đón cậu đi học đá bóng, trượt băng nghệ thuật. Lâm có năng khiếu nghệ thuật, nhạy cảm, hiền lành, quấn quýt gia đình, trông giống thi sĩ mà lại thành thủ môn. “Điều cho đến giờ vẫn khiến tôi khó hiểu là, tại sao có hai mặt trái ngược tồn tại trong một con người Lev: Trái tim dịu dàng, nghệ sĩ và đam mê với môn thể thao có yếu tố bạo lực”.
Người mẹ có sức ảnh hưởng đặc biệt đến con trai
Hồi Lâm 3 tuổi, một lần cậu đang ngồi trên xe đẩy được mẹ chở ra công viên, bỗng thấy quả bóng từ đám trẻ gần đó lăn qua “Lev tụt xuống xe nhanh như cắt chộp lấy quả bóng và sút ra xa. Người phụ nữ đứng gần đấy quan sát Lev đã nói : “thằng bé này lớn lên sẽ là cầu thủ”.
Lần CLB Spartak Moskva về trường phổ thông tuyển, Đặng Văn Lâm lúc đó 8 tuổi lọt vào nhóm 10 trẻ được chọn. Anh Sơn kể lúc đó vừa mừng vừa lo. Lâm là con lai châu Á có thể bị bắt nạt. Lâm đi học về nhiều lần than với bố “Con bỏ thôi, bọn cùng lớp cầu thủ nhí toàn gây sự với con. Cứ khi nào con vào phòng thay quần áo là chúng nó nằm dài lên cái ghế băng duy nhất. Con phải ngồi bệt xuống sàn thay giày”. Sau vài lần bố Sơn bảo con trai “Lần tới, nếu có đứa nào nằm ghế, con tiến vào và ngồi thẳng lên bụng nó mà thay đồ”. Hôm sau Lâm về khoe “con làm đúng như bố bảo”. Từ hôm đó thái độ của tụi trẻ thay đổi hẳn.
Như có phép màu Anh Đặng Sơn nhớ lại: “Hôm VN gặp Malaysia Lâm để lọt lưới 2 quả, nhà tôi lo thắt ruột sợ HLV Park không cho Lâm bắt trận lượt về ở Mỹ Đình. Vợ chồng tôi đâu dám xem trận đấu. Căn đúng giờ khai mạc, bật điện thoại lên đúng lúc đội nhà đang hát quốc ca, nhìn thấy Lâm tôi thở phào, rồi lại tắt đi. Đợi hết trận mới dám xem lại. Mười tám ngày sau có tin chuyển nhượng, phép màu đã thực sự xảy ra”. |
Sau 8 năm được đào tạo thủ môn chuyên nghiệp, không một đội bóng nào ở Nga nhận Lâm, CLB nào cũng đang thừa thủ môn. Năm 2010, đầy hy vọng, Lâm trở về Việt Nam ký với CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhưng lập tức thất vọng vì ăn lương thấp chỉ để tập luyện và sang Lào “cọ sát”. Bố mẹ bên Nga nghe con kể chuyện xót quá, cộng với việc HAGL dừng hợp đồng, anh Sơn phải nhờ anh trai NSND Đặng Hùng tìm chốn mới cho cháu. Ở CLB khác tình trạng “ngồi chơi xơi nước không được bắt bóng” lại tiếp diễn. Lâm đành từ bỏ trở về Nga.
Từ 0 đồng đến 11,6 tỷ
Trong chuỗi ngày thất nghiệp, thất học, chán nản, buồn bã Lâm ngỏ lời với bố “hay là bố liên hệ về Việt Nam xem có đội bóng nào cho con bắt bóng không cần lương cũng được?”. Đúng lúc đó anh Đặng Sơn nhận được một cuộc điện thoại thay đổi cuộc đời con trai. Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đọc trên mạng tâm thư của Lâm viết cho HLV Tuyển VN Toshiya Miura, động lòng trước thủ môn được đào tạo bài bản mà bị từ chối, ông Hùng mời Lâm về CLB. Đang mong được bắt bóng 0 đồng mà bỗng nhận được 15 triệu/ tháng, Lâm và cả nhà mừng hú. Sau hợp đồng 2 năm 2015-2017, Lâm ký tiếp với lương 30 triệu /tháng.
Anh Đặng Sơn ngậm ngùi nhớ lại giai đoạn sau HAGL (với mức lương từ 6 đến 9 rồi 15 triệu/tháng rồi lại thất nghiệp), Lâm từng ký với CLB Thống Nhất, với mức lương 6 triệu sau 3 tháng CLB lấy lý do “Lâm chỉ ngồi chơi” nên đòi hạ xuống 2 triệu/tháng “tức là bằng lương của nhân viên giặt sấy quần áo cho đội bóng”. Suốt 5 năm trước khi đến Hải Phòng, anh Sơn đều đặn gửi tiền để con chi tiêu thêm.
Nhiều người cho rằng sau đêm Việt Nam vô địch AFF Cup, thủ thành Đặng Văn Lâm mới đắt hàng trên thực tế trước đó vài tháng Muangthong United (Thái Lan) đã tăm tia mua Lâm sau khi họ bán thủ môn chính cho Bỉ. Giá chuyển nhượng Đặng Văn Lâm lên tới 11,6 tỷ cộng với lương tháng 230 triệu khiến người hâm mộ thích thú (Hy vọng Lâm sẽ là tiền lệ may mắn cho cầu thủ Việt trong tương lai).
Đậm chất Việt đến ngỡ ngàng Anh em Lâm yêu nhạc Việt (đặc biệt giọng ca Thu Hiền), mê món ăn Việt. Lâm có thể ăn liền 2 cái bánh chưng và 3-4 suất bún chả. Tính Lâm từ bé đã đậm chất Việt hơn so với hai em tuy vậy sau 5 năm sống ở quê nội, bố Lâm vẫn ngỡ ngàng vì con trai thích nghi nhanh quá. Nhìn bức ảnh Lâm bắt tay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong sự kiện cùng đồng đội nhận Huân chương Lao động Hạng ba, tay phải đưa ra bắt, tay trái đỡ cùi tay phải, anh Sơn bày tỏ “nó quá Việt rồi, có khi còn Việt hơn cả bố!”. |
Sau cú đẩy bóng xuất thần của thủ thành Đặng Văn Lâm người góp công rất lớn đưa tuyển Việt Nam vào chơi tứ kết...