Những ai được phép ra đường trong thời gian TPHCM thực hiện Chỉ thị 16+?
Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu. Trong khu vực phong tỏa, cách ly, chính quyền sẽ tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”.
Cung ứng thực phẩm tận nhà cho người dân khu phong tỏa
Ngày 24/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký công văn khẩn về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
TPHCM đã quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường để chống dịch COVID-19.
Theo đó, thành phố sẽ siết chặt hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình nhằm thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.
Các địa phương sẽ xác định phạm vi phong tỏa phù hợp để không bỏ sót ca bệnh nhưng cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên cơ sở đánh giá vị trí, sổ dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh. Thành phố yêu cầu thực hiện triệt để phương án “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh.
Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức “đi chợ thay”. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân cần liên hệ Tổ quản lý đê có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.
Thực phẩm sẽ được cung ứng đến tận nhà cho người dân tại các khu vực phong tỏa.
Nhiệm vụ hỗ trợ điều phối, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa được giao cho tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung phong, các đoàn thể, tổ COVID-19 tại cộng đồng.
Để tránh tình trạng khu vực phong tỏa bên ngoài thì chặt chẽ nhưng bên trong lỏng lẻo, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt đế yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương.
Những ai được ra ngoài trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16+?
Theo nội dung công văn thì trong thời gian cách ly xã hội áp dụng Chỉ thị 16+ chỉ những người đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu mới được phép ra ngoài. Cụ thể là các lĩnh vực y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm. Các cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp cho các bệnh viện, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị.
Những người ra khỏi nhà không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; các bếp ăn từ thiện; cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia. Ngoài ra, một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và đảm bảo an toàn.
Hoạt động khám chữa các bệnh lý thông thường của người dân sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian cách ly xã hội.
Chủ tịch Thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Thành phố yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết. Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố. Nghiên cứu tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình UBND Thành phố quyết định.
TP.HCM tiếp tục là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất được Bộ Y tế công bố trong sáng nay (2.328 ca).
Nguồn: [Link nguồn]