Nhớ những cái Tết thời bao cấp
Tết Nguyên đán là niềm háo hức của trẻ nhỏ, nhưng lại là nỗi lo toan, bận rộn của bao gia đình trong những tháng năm đất nước còn bao cấp. Từ đầu tháng Chạp, người Hà Nội đã cuốn vào guồng quay bận rộn này, bắt đầu từ việc lau dọn, quét vôi, sơn cửa, sắp xếp lại đồ đạc…
Những quầy hàng tết xưa
Một thời gian khó
Thợ mộc cứ đến giáp Tết là đắt hàng, việc nhiều đến nỗi làm không hết. Từ mấy tháng trước, nhiều gia đình đã đặt đóng bộ salon bằng gỗ xà cừ. Đường phố những tháng áp Tết chật cứng đồ mộc trên các vỉa hè. Thợ xẻ làm ngày làm đêm, những khúc gỗ xà cừ được bóc tách thành ván xếp ngổn ngang, rồi trở thành các bộ bàn ghế, tủ kệ bóng lộn véc-ni. Những gia đình công nhân, viên chức tích cóp cả năm mới mua được mấy thứ bày biện cho ngày Tết.
Dù việc cuối năm ở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có bận rộn đến thế nào để gấp rút hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhưng các ông bố, bà mẹ vẫn tranh thủ ngày nghỉ đưa con đến các cửa hàng bách hóa hay qua Hàng Đào, Hàng Ngang sắm bộ quần áo mới, giày dép mới. Cả năm ăn mặc thế nào cũng được, nhưng ngày Tết thì trẻ nhỏ nhất định phải có bộ cánh đẹp để khỏi tủi thân với chúng bạn.
Lúc bấy giờ, ai cũng đều sống bằng đồng lương ít ỏi nên Tết nhất đúng là đau đầu vì đụng đâu cũng… tiền. Mua sắm, trang trí nhà cửa, quà cáp nội ngoại, nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Ngoài tem phiếu cắt ô hàng tháng thì mỗi hộ dân còn được Nhà nước phân phối gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn để gói bánh chưng, thêm một túi đựng vài lạng bóng, miến dong, bánh đa nem, mộc nhĩ, hạt tiêu (số lượng tùy theo hộ đông người hay không). Ngoài ra còn túi quà gồm gói chè Hồng Đào, dăm bao thuốc lá giấy bạc Điện Biên, Tam Đảo, gói mứt Hải Châu. Trong những năm tháng ấy, đất nước đang chiến tranh, kinh tế khó khăn, nhưng chính phủ vẫn cố gắng lo cho dân một năm mới đủ đầy, để không ai mất Tết.
Nhưng dẫu có thế nào thì tiêu chuẩn phân phối của Nhà nước cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của người dân trong mấy ngày Tết, thành ra nhà nhà đều phải tính đến chuyện chuẩn bị nhu yếu phẩm, rồi sắm sửa, may mặc cho gia đình. Nhiều người tìm cách kiếm thêm để có thu nhập chi tiêu cho cái Tết. Công nhân nhà máy, xí nghiệp thì tăng ca, làm thêm giờ. Người có tay nghề cứ hết giờ làm việc lại mang đồ nghề ra hè phố.
Thôi thì đủ thứ việc, nào là sửa chữa xe đạp, hàn sửa giày dép, có bà còn mang cả máy khâu ra hiên nhà nhận may vá quần áo, người lại mua thuốc lá sợi về tự cuốn rồi bán sỉ cho hàng nước. Có cặp vợ chồng đều là giáo viên dạy ở ngoại thành, lương tháng chỉ tạm đủ sinh hoạt cho 3 người trong gia đình nên năm hết Tết đến càng eo hẹp. Thế là hết giờ lên lớp, cả vợ cả chồng vội đạp xe về vùi đầu vào dán hộp mứt Tết cho cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo. Căn hộ có hơn chục mét vuông, đã chật hẹp lại thêm đống hộp bìa ngút mắt ở góc nhà. Nhiều khi hộp dán xong chưa kịp giao đành xếp kín cả giường, đêm đến chỉ đủ chỗ cho con nằm, còn vợ chồng đành… lăn xuống đất.
Tấp nập chợ hoa ngày Tết
Ngày xưa, ngày nay
Sau Rằm tháng Chạp mới chính là lúc bận rộn nhất. Các bà mẹ sẽ cân bột mì rồi đi xếp hàng để được gia công bánh bích quy. Nhà nào đông con thì mỗi đứa sẽ được phân công một việc. Đứa mua lá dong gói bánh chưng, đứa xếp hàng mua thịt theo tem phiếu, đứa chạy ra mua dầu hỏa, đứa đi xếp hàng đong gạo… Mấy lạng măng khô để dành từ mùa hè được mang ra ngâm nước gạo. Nhà nào gói bánh chưng cũng sẽ ngâm gạo nếp, đỗ xanh từ trước. Các ông chồng được cử đi mượn thùng luộc bánh và chuẩn bị củi gộc chất đống trong bếp để sau lễ ông Công, ông Táo là nổi lửa.
Những gia đình không có điều kiện luộc bánh chưng tại nhà thì vẫn có thể liên hệ tổ phục vụ để đăng ký trước. Đặt bao nhiêu chiếc họ sẽ vào sổ rồi hẹn ngày ra lấy bánh. Lúc này, nồi bánh chưng là quan trọng nhất. Cả năm ăn uống kham khổ, gia tiên cũng phải bóp mồm bóp miệng theo nên ba ngày Tết có đĩa bánh chưng trên bàn thờ mới gọi là cung kính. Năm ấy mẹ tôi ở Từ Sơn, nên cứ sau ông Công, ông Táo là tôi lại đạp xe về quê, thế nào cũng được mẹ cho mấy cân thịt lợn đụng, vài cân gạo nếp mang về để gói bánh chưng.
Từ 25 tháng Chạp trở đi thì đường phố không còn từ nào khác hơn là “náo nức”. Phố Hàng Lược, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân… đông nghịt người đi chợ hoa. Đào, quất từ Tứ Liên, Tứ Tổng, Nghi Tàm, Quảng Bá đổ về. Thược dược, lay ơn, đồng tiền, cẩm chướng… được gánh lên từ các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thịnh Yên.
Các cô hàng hoa gồng gánh sắc màu đến chợ từ lúc trời còn chưa rõ mặt người. Trên vỉa hè phố Hàng Lược, những cây đào thế đủ mọi dáng hình khoe sắc thắm. Những chậu quất cao ngút đầu người tạo nên một không khí Tết độc nhất vô nhị của miền Bắc. Người sành đào không chỉ mua ngay mà còn đứng đó để bình luận về từng thế đào, ấy cũng là thú vui ngày Tết.
Dù chẳng quen biết nhau nhưng khách hàng có thể bàn luận rôm rả về một cành đào hay chậu quất ngay trên vỉa hè trước khi chọn món ưng ý để rinh về nhà. Muốn mua được cành đào vừa ý, các ông chồng được vợ yêu cầu đi phải vòng quanh chợ hoa nhiều lần rồi mới dừng lại, xong nhẩn nha ngắm nghía từ gốc lên ngọn, ngắm nụ, ngắm hoa xem cánh to, cánh nhỏ, nụ nhiều, nụ ít… Có ông kỹ tính phải đi chợ hoa 2 - 3 ngày mới tìm được cành đào theo đúng gu bà xã.
Chợ hoa mỗi lúc một đông, người mua không ít mà kẻ đi ngắm cũng nhiều. Lũ trẻ bán đào thì cầm những cành nhỏ trên tay, cứ thấy người là sấn đến chào mời. Trời mưa phùn rét mướt, mấy bà có tuổi đội nón ngồi thu lu trong chiếc áo mưa, tay giữ cành đào, hễ khách đến gần là lại mừng rỡ. Khách đi chợ hoa thấy ấm áp chứ người bán đào thì ruột gan nóng như lửa đốt vì cũng chỉ mong giải quyết được mấy cành đào để đổi được tấm áo mới cho con trẻ hay mâm cơm tươm tất mời mẹ cha.
Mưa xuân từ sớm làm chợ hoa nhớp nháp. Phố cổ vốn đã chật hẹp nay lại thêm người, xe mỗi lúc một đông. Quanh phố Hàng Mã, Hàng Cân, các cửa hàng cũng bày vô số hoa giấy, hoa nhựa sặc sỡ. Bên trong sạp hàng là các loại pháo bánh, pháo cối, pháo tép, bó to bó nhỏ. Khách hàng ở khu vực này chủ yếu là đám trẻ, thêm vài người lớn ghé xe đạp mua bánh pháo đốt trong đêm Giao thừa. Thời gian khiến tôi lãng quên dần tiếng pháo, nhưng những âm thanh và sắc màu náo nức của ngày Tết thì vẫn ở yên trong ký ức, ấm sực nồi bánh chưng và ấm áp cả tình người.
Một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray ken két, con tàu rời sân ga, đó cũng là hành trình chở mùa xuân về với mọi nhà. Trên chuyến tàu cuối năm có một...
Nguồn: [Link nguồn]