Nhìn lại những chính sách từng gây tranh cãi nhưng lại cực kỳ hữu ích
Cấm người tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá 0; cấm đốt pháo hay quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, gắn máy là những chính sách từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Phạt nặng người tham gia giao thông khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn
Mới đây, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 01/01/2020.
Cơ quan chức năng siết chặt hành vi tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở để giảm thiểu tai nạn. Ảnh minh họa.
Theo Nghị định số 100, người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt 0 sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể, người điểu khiển xe ô tô vi phạm bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Trong bối cảnh nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó có những vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu (chủ yếu là do uống rượu, bia) nên Nghị định 100 đang được rất nhiều người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn việc Nghị định quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0 tuyệt đối là chưa sát thực tế bởi hiện nay, nhiều trường hợp không uống rượu, bia nhưng vẫn có nồng độ cồn. Ví dụ, người dân có thể ăn hoa quả lên men, dùng thuốc trị bệnh… Điều này gây khó khăn cho việc thanh minh của người dân và cũng khiến lực lượng chức năng gặp khó trong việc xác minh, xử phạt.
Trước đó, chỉ sau 2 ngày đầu ra quân khi Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.
Cấm hoàn toàn việc đốt pháo trong dân
Việc cấm người dân đốt pháo để hạn chế nhưng tai nạn về cháy, nổ. Ảnh minh họa: internet.
Những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, pháo trở thành một thứ không thể thiếu trong các lễ hội hay ngày vui của nhiều gia đình và đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán. Mỗi dịp Tết đến xuân về, tiếng pháo nổ rộn ràng trở thành thứ âm thanh mà người ta nghe sẽ thấy lâng lâng trong lòng.
Những tràng pháo dài nổ đùng đoàng, lũ trẻ con đứng cạnh bịt tai cười đùa, khói tỏa mù mịt, mùi thuốc pháo trở thành thứ mùi đặc trưng cho ngày Tết. Pháo nổ xong, lũ trẻ ùa ra nhặt những quả pháo chưa nổ đốt tiếp. Hay những buổi sáng đi chúc Tết, thấy các cổng nhà, ngã ba, ngã tư… nhuộm một màu đỏ xác pháo khiến người ta thấy vui trong lòng.
Thế nhưng, bên cạnh niềm vui ấy, đã có không ít những vụ tai nạn thương tâm do pháo gây ra. Nhiều người vì đốt pháo mà bị mất ngón tay, người thì bỏng mặt, người hỏng mắt… hoặc nhiều vụ hỏa hoạn do đốt pháo mà ra.
Để hạn chế những rủi ro do pháo gây ra, Chỉ thị 406 của Thủ tướng chính phủ đã được ban hành ngày 08/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đến ngày 01/01/1995, Chỉ thị có hiệu lực.
Đến năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 36 về quản lý, sử dụng pháo. Mọi hành vi sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ, pháo hoa… đều bị nghiêm cấm. Người dân chỉ được xem bắn pháo hoa trong những ngày lễ, Tết do Nhà nước quy định và tổ chức bắn.
Những trường hợp sử dụng pháo trái phép có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu buôn bán, sản xuất, tàng trữ và vận chuyển pháo với số lượng lớn và gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức tiền phạt cao nhất lên đến 9 tỷ đồng hoặc bị phạt tù cao nhất là 10 năm (Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự 2015).
Ngày lễ, Tết bớt tiếng pháo, bớt vui nhưng cũng vì thế mà tránh được những tai nạn. Nhiều gia đình an tâm hơn, không phải lo lắng con cái mình bị tai nạn do sử dụng pháo.
Điều khiển mô tô, xe máy trên đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm
Quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, gắn máy đã được người dân ủng hộ và thực hiện tốt
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 nhằm kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự an toàn giao thông. Theo đó, từ ngày 15/9/2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Và từ ngày 15/12/2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội MBH.
Quãng thời gian đó, người dân bàn tán xôn xao về vấn đề này. Người ủng hộ nhiều nhưng cũng không ít người phản đối với lý do kiểu “tôi không đội MBH thì có làm sao tôi bị chứ không ảnh hưởng đến ai”. Hay việc đi đâu cũng phải kè kè ôm cái MBH vì sợ mất cắp, MBH rởm tràn lan...
Nhưng rồi mọi chuyện dần đi vào nề nếp, người dân nhận thấy lợi ích thật sự của việc đội MBH khi lưu thông trên đường.
Từ khi toàn dân đội MBH, tỉ lệ người chấn thương sọ não do tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Bây giờ, đội MBH khi ra đường đã trở thành thói quen của đại đa số người dân.
Theo Nghị định 100 mới nhất năm 2020, hành vi không đội MBH khi tham gia giao thông bị xử phạt từ 200-300 nghìn đồng. Mức phạt cũ theo Nghị định 46 năm 2016 là từ 100-200 nghìn đồng.
Tăng lương tối thiểu vùng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Đối xử nhân đạo với vật nuôi… là những chính...
Nguồn: [Link nguồn]